Ao ước của người dân, xứ nào cũng vậy, là làm sao để các vụ việc trong chức trách các chính quyền lớn, nhỏ đều được nhìn và thấy cùng một nhãn quan như nhau, không cần phải được chỉ đạo. Đã nhiều năm nay, kiểu tin tức tường thuật như sau không còn hiếm: “Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 31-3, ông Nguyễn Văn Phóng, chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã gọi điện chỉ đạo xử lý vụ nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi) bị bạn hành hung. Thừa nhận “đây là sự việc rất đau lòng”, ông Phóng cho biết hiệu trưởng và chủ nhiệm lớp 9A đã bị đình chỉ để làm rõ sự việc. Các đơn vị đã thăm hỏi, động viên nữ sinh bị đánh. Công an đang điều tra, làm việc ngày đêm để sớm đưa ra kết luận, chỉ ra sai phạm của tập thể, cá nhân, từ đó có biện pháp xử lý...”. Vì lẽ gì mà Thủ tướng và phó thủ tướng phải cất công trực tiếp chỉ đạo một vụ việc xảy ra ở một địa phương như vậy? Ở một góc nhìn nào đó, sẽ không là thái quá khi cho rằng như trong vụ học sinh đánh bạn nói trên, đã có một gì đó có thể gọi là thờ ơ, dửng dưng, vô cảm tồn tại trong những người lẽ ra phải nhận lãnh trách nhiệm giải quyết vụ việc ngay từ đầu. Ở đây, sự vô cảm phải được định nghĩa theo nhà xã hội học Albert Ogien (thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia, Pháp): “Sự thờ ơ không chỉ là một sự ngoảnh mặt, một sự từ chối. Đôi khi đó là một lựa chọn có chủ ý không hay biết (“tôi không muốn biết”), từ chối suy nghĩ (“chỉ làm rối đầu tôi”) và vô trách nhiệm (“tất cả những điều đó không liên quan đến tôi”). Và khi lựa chọn này dựa trên mong muốn không màng đến cuộc sống của người khác, đó là khởi đầu của mọi sự loại trừ. Khi ý muốn này được khơi dậy bởi nỗi sợ hãi và áp lực của môi trường xung quanh, nó sẽ tạo ra sự tự co mình lại, sự tẩy chay đối với những điều chưa biết, sự phủ nhận nỗi đau của người khác”. Sự dửng dưng vô cảm ấy của những người trực tiếp có trách nhiệm đã kéo dài cả tuần, ngay cả sau khi vụ bức hại làm nhục đã được post lên mạng, gây rúng động xã hội, buộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo. Câu hỏi đặt ra là: Nếu không/chưa có chỉ đạo từ lãnh đạo Chính phủ, liệu ông chủ tịch tỉnh đã/sẽ có đình chỉ các người có trách nhiệm trực tiếp trong vụ này ở trường đó không? Liệu “các đơn vị đã/sẽ thăm hỏi, động viên nữ sinh bị đánh”? Liệu công an có “đang điều tra, làm việc ngày đêm” chỉ ra sai phạm của tập thể, cá nhân, từ đó có biện pháp xử lý...”? Liệu ông bộ trưởng có “quá bộ” đến “lên lớp” ngành giáo dục tỉnh đó? Các câu hỏi trên không nhằm cắc cớ truy trách nhiệm gì bất cứ ai, mà là để cùng nhau đặt câu hỏi: Chúng ta hiểu, quan niệm như thế nào về trách nhiệm của những người đứng đầu, lớn nhỏ? Hay nói cách khác, những người ấy hiểu, quan niệm như thế nào về trách nhiệm của mình? Cũng một sự vụ, sao trước chỉ đạo lại hầu như vô nghĩa, thậm chí suýt nữa bị lấp liếm, vậy mà sau khi được chỉ đạo lại hộc tốc “quyết liệt” như thế? Phải chăng ở đây các viên chức, quan chức ấy đã không hề có chính kiến và hiểu biết căn bản về chức trách cụ thể của mình để mà tư duy, nói năng và hành động cho tương xứng? Có phải do thiếu tất cả điều đó nên hành động trước và sau khi được chỉ đạo mới khác nhau đến vậy? Chẳng phải như thế sẽ cho người dân thắc mắc liệu tính công lý có “co giãn” hay không? Cần phải nói thêm rằng sự chỉ đạo này đã diễn ra ngay sau một vụ chỉ đạo khác: “Phó thủ tướng thường trực yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý vụ đối tượng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư. Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”. Hai vụ việc trên, trong một nền tư pháp vững chãi và nghiêm minh, với những người biết rõ phận sự trọng trách của mình thì đương nhiên được xử lý thích đáng, kịp thời mà không phải bận đến cấp cao nhất là Chính phủ nhọc lòng. Nó trở thành những vụ việc “lớn lao” như đã thấy quả là chuyện hãn hữu. Song người dân không thích sự hãn hữu đó, do lẽ các công dân không thể lúc nào cũng có cơ may để vụ việc của mình được “chỉ đạo”. Ao ước của người dân, xứ nào cũng vậy, là làm sao để các vụ việc trong chức trách các chính quyền lớn, nhỏ đều được nhìn và thấy cùng một nhãn quan như nhau, không cần phải được chỉ đạo. Ngược lại, có thể tin rằng lãnh đạo Chính phủ chắc hẳn cũng không thích cứ phải chỉ đạo suốt cả những việc như thế. Cần phải nhớ rằng chính công lý mới nâng tầm một quốc gia và mang lại niềm tin cho những người dân mỗi khi họ phải cầu viện tới công lý.■ Tags: Chỉ đạoCông lýBạo lực học đườngHọc sinh đánh bạnTrường Phù Ủng
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.