13/04/2020 21:42 GMT+7

Làm sao 'đào thoát' sự bức bối từ kiểu sống cách ly?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Thay đổi đột ngột từ kiểu sống bình thường sang kiểu sống gói gọn trong không gian nhỏ hẹp chắc chắn ảnh hưởng không ít lên thể chất và tinh thần con người. Làm sao để giảm thiểu những tác động tiêu cực?

Làm sao đào thoát sự bức bối từ kiểu sống cách ly? - Ảnh 1.

HLV sức khỏe A.J. Draven tập trong gara nhà anh ở Valley Village, bang California, Mỹ và truyền phát lại cho ai thích tập theo anh - Ảnh: REUTERS

Đài France Info gợi ý những phương pháp giữ gìn sức khỏe để mọi người an tâm trong tình hình hơn tỉ người trên thế giới đang phải sống trong tình trạng khác thường đã vài tuần đến hơn tháng. 

Stress, lo âu, trầm cảm

Nguy cơ. Theo các bác sĩ, tác động đầu tiên khi cách ly xã hội, sống cô lập trong phòng sẽ rơi vào tâm lý, khiến chúng ta có thể trở nên cáu gắt, thậm chí hung hăng. 

Bác sĩ tâm lý học Wissam El Hage giải thích như sau: "Đầu tiên là tâm trạng không an tâm, dẫn đến lo âu không biết tình hình dịch bệnh đang ra sao và sẽ chuyển biến thế nào, và tự hỏi khi nào thì hết cách ly. Gần giống như khi đang bị kẹt xe, mọi người cứ thấp thỏm và hay nổi nóng".

Lo âu dễ dẫn đến trầm cảm, mà theo bác sĩ Anne Giersch thì đó là "nguy cơ từ việc lặp đi lặp lại một sinh hoạt quen thuộc và nhàm chán hàng ngày vì thiếu tiếp xúc xã hội, nhất là đối với những người nhạy cảm. 25% người Pháp không tin được thực tế là virus đang lan nhanh như vậy nên chấn động tâm lý là không tránh khỏi khi mọi người thấy mình là nạn nhân".

Giải pháp. Bác sĩ Wissam El Hage khuyên trước hết hãy cố gắng duy trì nhịp sống như một ngày bình thường, "như thể bạn vẫn phải đi làm, vẫn phải thức dậy, đánh răng rửa mặt, rồi xem lịch làm việc dành thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình". 

Đồng thời, ông cũng khuyên nên hạn chế theo dõi thông tin liên tục để tránh hoang mang và "phải biết chọn những nguồn tin đáng tin cậy".

Mặt khác, giãn cách xã hội cũng có điểm tích cực, giúp chúng ta tự phát hiện ra những sinh hoạt mới thú vị cho riêng mình, như là tập thiền chẳng hạn. 

Tuy nhiên, không thể có một mô hình chung cho tất cả mọi người, mà mỗi người phải tự chọn cho mình một nếp sinh hoạt riêng phù hợp. Bác sĩ Wissam El Hage nhắn nhủ: "Chỉ có lời khuyên nhỏ là chúng ta phải biết chấp nhận giãn cách xã hội, biết sống, tập quen với tình huống này và luôn giữ lạc quan".

Làm sao đào thoát sự bức bối từ kiểu sống cách ly? - Ảnh 2.

Tay DJ người Jordan Raja Qamar và anh bạn Bashar Haddad chọn cách trình diễn tại nhà ở Amman, Jordan và livestream cho người hâm mộ - Ảnh: REUTERS

Thiếu vận động thể chất

Nguy cơ. Tình trạng ngồi ì ra vì không thể đi học hay đi làm, rồi ăn uống ngủ nghỉ không theo giờ giấc như trước đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hệ vận động, khiến mỏi cơ và teo cơ, ở cả trẻ em lẫn người già.

Giải pháp. Các bác sĩ khuyên rằng người lớn trong tình huống này cần phải đứng lên sau mỗi 30 phút, đi loanh quanh vài phút và làm các động tác thư giãn trong vòng khoảng 10 phút. 

Đối với trẻ nhỏ hiếu động, hãy hướng dẫn bé nhiều hoạt động đa dạng như lên xuống cầu thang bộ, làm việc nhà, đạp xe đạp trong nhà, tưới cây kiểng,… 

Và theo bác sĩ Anne Vuillemin tại Đại học Côte d'Azur, "đừng nghĩ rằng những khuyến cáo vận động này là bó buộc và khó làm quá, làm làm chi cho khổ thân. Nhưng bạn vận động ít thôi cũng là tốt rồi, còn hơn là nằm ì ra không làm gì cả. Và mỗi người hãy vận động ít nhiều tùy khả năng và sở thích của mình, thế là đủ".

Ăn uống bất thường, chế độ dinh dưỡng không cân đối

Nguy cơ. Ở nhà lại thích nhai bánh ngậm kẹo cho vui miệng mà tiêu tốn năng lượng cho cơ thể thì lại ít. Hậu quả là: tăng mô mỡ ở vùng bụng lên đến 7% trong vòng 14 ngày. 

Bác sĩ dinh dưỡng Chantal Julia thuộc Bệnh viện Avicenne đưa ra nhận xét: "Tuy nhiên, cũng có một điểm lợi là mọi người sẽ có điều kiện vào bếp nấu ăn nhiều hơn và có thể tự mình cân đối bữa ăn về lượng chất béo và chất đường".

Giải pháp. Bác sĩ Chantal Julia khuyến cáo mọi người hãy duy trì thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ trong ngày, nấu thức ăn tươi, ăn nhiều rau củ và ngũ cốc… và cần phân biệt khi nào là "đói bụng" và khi nào là "thèm ăn", cần rạch ròi giữa tín hiệu "báo đói" và tín hiệu "lo âu".

Làm sao đào thoát sự bức bối từ kiểu sống cách ly? - Ảnh 3.

Người phụ nữ ở TP Harpenden, Anh kéo đàn như cách giải tỏa cho mình và cho hàng xóm - Ảnh: REUTERS

Giấc ngủ bị rối loạn

Nguy cơ. Đó là hậu quả của tâm trạng lo âu, xem màn hình nhiều, thay đổi nhịp sống quen thuộc… Bác sĩ Pierre Philip tại bệnh viện đại học Bordeaux khẳng định như sau: "Khi sống cách ly, chúng ta không cần phải chú ý đi ngủ đúng giờ và thức dậy sớm để còn đi làm. Thường ngày chúng ta phải ra ngoài trời, có ánh sáng, giờ thì không, chỉ quanh quẩn trong nhà" và chính thực trạng này có thể làm thay đổi đồng hồ sinh học trong cơ thể, gây khó ngủ, thậm chí mất ngủ bệnh lý.

Giải pháp. Bác sĩ Pierre Philip khuyên mọi người hãy cố gắng ngủ đủ ban đêm khoảng 7-8 tiếng và cần ra ngoài khí trời tự nhiên cho có ánh nắng: "Nên ăn sáng ngoài trời, trong sân nhà hay ngoài vườn cây, hoặc chí ít là ra ban-công hay ngồi bên cửa sổ", mặt khác cần tránh "đọc con số tử vong trên khắp châu Âu hoặc theo dõi các thông tin gây nhiễu khiến bạn trằn trọc suốt đêm".

Tiêu thụ rượu bia

Nguy cơ. Tâm lý căng thẳng, stress và tâm trạng nhàn rỗi cộng với việc nhà hàng, quán bar đóng cửa khiến chúng ta không thể "đi quán" và rất dễ muốn nhâm nhi tại nhà. 

Đặc biệt đối với những người đã nghiện bia rượu thì đây quả là một cực hình vì theo bác sĩ Paul Brunault, "dừng đột ngột sẽ bị rối loạn tâm lý thần kinh và nhiều rối loạn khác". 

Cái nguy thứ hai là một khi giãn cách xã hội được dở bỏ thì sẽ có khả năng bùng nổ tiêu thụ chất cồn khi mọi người được tự do đi lại. Bác sĩ nhắc người Pháp đừng quên rằng tại thời điểm này bia rượu còn gây chết người nhiều hơn là COVID-19: 41.000 người chết mỗi năm vì bia rượu.

Giải pháp. Các bác sĩ khuyên dù trong tình huống nào cũng phải cố gắng tỉnh táo, chỉ uống tối đa hai ly bia (250 ml/ly) mỗi ngày và 10 ly/ tuần, nhưng không phải ngày nào cũng uống. 

Chuyên gia về các chất gây nghiện Philippe Batel kết luận: "Bia rượu rất dễ nằm trên tay mọi người khi họ đang tránh xa virus, nhưng chất cồn không phải là chất trợ lực giúp giãn cách xã hội tốt hơn. Cái lợi và cái hại của bia rượu trong bối cảnh hiện nay là ngang nhau".

Thăm dò ý kiến

Sau 2 tuần giãn cách xã hội, bạn đã học được những kỹ năng gì?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Chương trình cùng tập luyện Chương trình cùng tập luyện 'Khỏe để chống virus Corona' với Tuổi Trẻ

TTO - Nhằm tăng cường sức khỏe cho các em thiếu nhi, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 do virus Corona gây ra, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trung tâm Thể dục Bằng Tâm thực hiện chương trình với chủ đề "KHỎE ĐỂ CHỐNG VIRUS CORONA".

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên