14/11/2008 06:24 GMT+7

Làm sách: thiếu thương hiệu lo hơn thiếu tiền

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Chính quyền các địa phương nên chủ động hơn trong việc dành ngân sách đặt hàng các nhà xuất bản (NXB) trực thuộc - một hình thức “trích sữa” để nuôi xuất bản.

66y4fHNL.jpgPhóng to

Tư nhân năng động mua tác quyền và dịch các đầu sách có chất lượng để đưa ra công chúng. -Ảnh: L.Điền

TT - Chính quyền các địa phương nên chủ động hơn trong việc dành ngân sách đặt hàng các nhà xuất bản (NXB) trực thuộc - một hình thức “trích sữa” để nuôi xuất bản.

Ông Nguyễn Kiểm - cục trưởng Cục Xuất bản - chia sẻ như thế về tình trạng “kêu ca thiếu tiền” trong xuất bản tại hội nghị giao ban xuất bản TP.HCM đầu tháng mười một.

Việc thiếu hụt tài chính khiến các NXB không chủ động trong đầu tư săn tìm bản thảo tốt. Thậm chí có trường hợp NXB đánh giá bản thảo “có nội dung tốt về giáo dục truyền thống” nhưng không có tiền đầu tư, đành để tác giả dùng tiền tiết kiệm dưỡng già của mình để in sách.

Lập quỹ cho ngành xuất bản?

Chia sẻ với sự thiếu thốn tài chính của các NXB, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM Lê Mạnh Hà khẳng định sẽ tích cực hơn trong việc tham mưu UBND TP có các đơn đặt hàng về sách cho các NXB.

Tuy nhiên, ông Hà khẳng định: xuất bản thành phố nên chủ động về nguồn tài chính. Và ông nêu ý tưởng: ngành công nghệ thông tin lâu nay đã hình thành được một “quỹ hỗ trợ nguồn nhân lực công nghệ thông tin”, nên chăng chúng ta cũng hình thành một quỹ tương tự cho ngành xuất bản. Dẫu chỉ là ý tưởng, nhưng rõ ràng đây là giải pháp đòi hỏi các NXB phải nỗ lực để giải quyết những vấn đề nội tại trong sự nghiệp của mình. Một cán bộ ngành xuất bản nhận định: “Sự “phân khúc” nỗ lực như vậy sẽ giảm thiểu thói quen bấu víu vào bình sữa ngân sách như lâu nay”.

Nhưng căn cơ hơn vẫn là làm sao để các nguồn lực xã hội tích hợp vào trong hoạt động xuất bản - một nhu cầu tự nhiên của xã hội - để hình thành sức mạnh và phát triển bền vững.

Săn tìm tác quyền: “sân” của tư nhân

Ở một góc độ khác, trong khi các NXB liệt kê những khó khăn gặp phải kèm theo các con số về sụt giảm số tựa sách đăng ký thực hiện, giới tư nhân lặng lẽ theo đuổi việc mua tác quyền. Những tác phẩm như: Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Giết con chim nhại của Harper Lee, Di sản của mất mát của Kiran Desai, Bản giao hưởng Pháp của Irène Némirovsky, Trên bãi biển Chesil của Ian McEwan... thuộc dòng văn học đương đại danh tiếng của thế giới, có những cuốn không dễ đọc và cũng không dễ bán, đều do Nhã Nam săn tìm và xuất bản.

Rõ ràng việc săn tìm mua tác quyền các bản thảo nổi tiếng nước ngoài hiện đang là “sân” của giới xuất bản tư nhân. Với những sản phẩm này, các NXB hiện chỉ tham gia có một việc quan trọng là: cấp phép. Tất nhiên việc mua tác quyền không đơn giản, nhất là trong thời buổi khan hiếm tiền vốn, như lời của phó giám đốc một công ty sách tư nhân: “Không đơn giản đâu, phòng kế hoạch bản quyền chúng tôi mặc cả từng USD một khi mua bản quyền như bà già đi chợ quê vậy”.

Đâu là động lực?

Trong tình hình bão giá và suy thoái kinh tế, các đơn vị làm sách tư nhân nhẩm tính: “Nếu các NXB gặp khó khăn một thì tư nhân cũng khó khăn đến hai - ba. Các NXB còn có lương, trụ sở, sách đặt hàng... từ Nhà nước; tư nhân không có những cái đó và vẫn phải nộp thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên, làm các nghĩa vụ với Nhà nước, chưa tính đến quản lý phí, biên tập phí mà tư nhân phải đóng cho các nhà xuất bản, lại thêm sách giả sách nhái... Thế tại sao các NXB vẫn kêu?”.

Nhiều cán bộ nhà nước vẫn cứ hình dung “chắc các doanh nghiệp tư nhân có nhiều tiền lắm”, nhưng thực tế một thương hiệu sách như Nhã Nam ra đời bằng cổ phần 400 triệu đồng từ bốn cổ đông tâm huyết. Và một trong những cuốn sách khởi nghiệp của công ty này là sách của một liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Điều quan trọng là họ đã xây dựng được một “hồ sơ thương hiệu” từ chính những nỗ lực đúng hướng.

“Nếu in toàn manga, sách nhảm nhí, dịch kém, khó lòng thuyết phục được người đại diện tác quyền của các tác giả lớn, dù có trả cao giá đến mấy”, lãnh đạo Công ty Nhã Nam khẳng định. Những điều này hoàn toàn có thể diễn ra ở các NXB, thậm chí còn nhiều cơ hội để thành công hơn khối doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đâu là động lực để làm nên tâm huyết cho các NXB, để từ đó họ sẽ tạo nên những giá trị thật sự cho xã hội, chứ không đơn thuần là những dòng thành tích cuối kỳ, cuối năm, mà ở đó mọi yếu kém đều được lý giải bằng hàng núi khó khăn “biết rồi... nói mãi”? Câu trả lời hình như cũng “nói mãi...biết rồi”!

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên