Đặt lưỡi dưới kính hiển vi không khó nhận ra “thiên binh vạn mã” đủ loại vi trùng trên đó, đặc biệt tại gốc lưỡi và hai cạnh lưỡi. Lè lưỡi trước gương thấy dung nhan “bự phấn” (đầy bợn trắng), ta hiểu cái lưỡi không xương của mình đã bị “hủ hóa” nặng.
Bình sinh lưỡi có cách tự làm sạch bằng... nước bọt và lợi thế động đậy (đá lăn thì ít đóng rêu). Những ai ít nước bọt bẩm sinh hay mắc phải (nói nhiều, ngủ há miệng, uống ít nước, thuốc men…) thường có chiếc lưỡi chứa chấp bất hảo. Vì vậy, thường xuyên vũ trang cho lưỡi bằng nước bọt là cách làm sạch bền vững nhất.
Tuy vậy, một chiếc lưỡi bẩn thâm căn cố đế phải cần đến “bàn tay sắt” như dụng cụ cạo lưỡi, găng rơ lưỡi, bàn chải đánh răng chuyên dụng… Vấn đề là lưỡi tự làm khó mình vì phản ứng khó chịu, buồn nôn khiến việc vệ sinh gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt với trẻ con.
Có nhiều mẹo chống lại tật “làm mình làm mẩy” của lưỡi: chọn dụng cụ mềm, thoa kem đánh răng, nhúng dụng cụ vào nước ấm, cạo lưỡi từ gốc đến ngọn… Thực tế, dù gắng nhỏ nhẹ thế nào thì phần lớn chiếc lưỡi cũng “làm dữ” nên có khi phải… đi thẳng vào vấn đề bằng cách chịu trận vài lần giúp lưỡi quen dần với cảm giác chọc ngoáy. Với những cái lưỡi quá “bất kham” thì đành phải dùng dung dịch súc miệng chuyên dụng hay tự chế, tất nhiên hiệu quả không bằng. Một số loại nước ép thảo mộc có thể “nên thuốc” trong việc làm sạch lưỡi như mâm xôi, tầm ma, bồ công anh (súc và nhả) hoặc nước ép bắp cải, cà rốt và nước chanh (súc và uống như nước giải khát).
Căn cơ vẫn là năng vệ sinh hằng ngày bằng bàn chải và kem đánh răng thông thường. Nếu để mảng bám lưỡi dày cả lớp thì khó mong với vài ba cú súc miệng rột roạt là có thể tống tiễn được chúng khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn”. Tuy nhiên nếu đảm bảo đủ cơ số nước bọt hằng ngày, thì không chỉ lưỡi mà toàn vùng miệng gồm cả răng nướu đều có thể nói không với mảng bám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận