21/05/2019 09:27 GMT+7

Làm sạch kênh rạch: Kinh phí bao nhiêu cho vừa?

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Chưa có thống kê nước ta hiện có bao nhiêu dự án nạo vét, làm sạch sông, kênh rạch. Và tổng chi phí cho việc này lên đến bao nhiêu ngàn tỉ đồng? Nhưng chắc chắn đây là những con số không nhỏ và một phần trong đó thành nợ công.

Làm sạch kênh rạch: Kinh phí bao nhiêu cho vừa? - Ảnh 1.

Công nhân vớt rác trên khu vực kênh xung quanh Chùa Cầu - Ảnh: T.L.

Từ ngày 16-5, một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) được tiến hành làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản. 

Đây là công nghệ đã từng làm nên sự thành công cho một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Có lẽ, nhiều người nghĩ các dòng sông có khả năng tiêu thụ mọi loại rác thải. Và không phải ai cũng nhìn thấy số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng phải chi cho mỗi dự án nạo vét, xử lý nguồn nước thải là tiền của chính mỗi người dân.

Vui đó, hi vọng đó, nhưng...

Thật nhiều hi vọng khi nghe chuyên gia Nhật Bản giới thiệu về tính ưu việt của hệ thống Nano - Bioreactor: có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy (nguyên nhân tạo nên mùi hôi) mà không cần nạo vét cơ học. 

Chỉ với thiết bị nhỏ gọn được lắp đặt dưới lòng sông, mỗi ngày máy có thể xử lý 1.350.000m3/ngày đêm nước thải ra sông Tô Lịch. Nhờ đó, hi vọng các vấn đề lớn như mùi hôi thối, lớp bùn dưới đáy sông Tô Lịch sẽ được xử lý hết. Tôi không phải là cư dân sinh sống quanh sông Tô Lịch nhưng tôi vẫn còn nhớ cảm giác khó chịu khi đi ngang khu vực này trong những lần đến thủ đô.

Đọc tin thấy vui, hi vọng nhưng nghĩ lại cũng thấy rõ nguy cơ tái bẩn mà con người chính là tác nhân hàng đầu. Nói như PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN: "Công nghệ Nano có thể làm sạch được nước sông với điều kiện nguồn nước thải đầu vào được kiểm soát tốt. 

Sông Tô Lịch từ lâu nay có chức năng là cống thải trực tiếp của dân cư hai bên sông thuộc thành phố Hà Nội. Do vậy, nếu hệ thống quản lý nước thải của Hà Nội xuống sông Tô Lịch vẫn không thay đổi thì dù công nghệ ưu việt này có thể làm sạch nguồn nước đến đâu dòng sông vẫn bẩn lại ngay".

Còn nhớ nhiều năm trước, người dân và du khách đến Hội An từng than phiền về mùi hôi thối nồng nặc lẫn màu nước đen ngòm của khu vực kênh xung quanh Chùa Cầu (khe Ồ Ồ), TP Hội An, Quảng Nam.

Là người dân phố Hội, tôi biết chính nước thải trực tiếp từ hàng ngàn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An ra dòng kênh Chùa Cầu là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng này. 

Nguồn rác thải sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh cũng là nguồn khởi phát ô nhiễm. Du khách ghé thăm Hội An ngày một tăng, kéo theo lượng rác thải lớn, ví dụ như dịch vụ thả hoa đăng trên sông Thu Bồn, du khách đã góp phần tạo thêm rác.

Làm sạch kênh rạch: Kinh phí bao nhiêu cho vừa? - Ảnh 3.

Cần phải xử phạt nghiêm những trường hợp xả rác bữa bãi - Ảnh: Q.N.

Nạo vét: giải pháp tối ưu?

Dòng nước chảy qua Chùa Cầu vốn là mương tự nhiên nhưng rồi các khu dân cư hình thành, dòng chảy gánh thêm nước thải nên lớp bùn dưới đáy tích tụ ngày một dày. 

Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ, từng tiến hành nạo vét lớp bùn đáy nhiều lần, nhưng về sau chúng tôi mới biết vì không đấu nối với khu vực Chùa Cầu nên nơi đây vẫn bị ô nhiễm cục bộ. 

Cuối cùng, cũng các chuyên gia Nhật Bản đã mang đến giải pháp bằng việc xây dựng trạm xử lý nước thải (trên đường Hai Bà Trưng).

Ngày 18-5-2019 (tròn sáu tháng trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động), tôi nhận thấy nước tại khu vực này không còn đen ngòm, mùi hôi thối giảm tối đa, kể cả trong những ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C. 

Không chỉ vậy, môi trường và cảnh quan khu vực xung quanh Chùa Cầu đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, một số người bán hàng rong vẫn thản nhiên đổ, hất thức ăn thừa xuống dòng kênh trước Chùa Cầu một cách thản nhiên. Dù không phải bao nilông hay chai nhựa, chúng vẫn gây ô nhiễm.

Thiết nghĩ, song song với công tác nạo vét, tìm kiếm giải pháp công nghệ cao, cần các giải pháp phối hợp khác nữa. Trong đó, điều cần nhất là mỗi người có sự thay đổi thói quen sinh hoạt, phân loại và bỏ rác đúng chỗ. 

Mỗi người một mẩu rác, tích tiểu thành đại. Chẳng có công nghệ hay giải pháp tiên tiến nào cứu được chúng ta khỏi nguy cơ ô nhiễm nếu người dân cứ vô tư tạo và xả rác thẳng ra sông, ra biển. Và nợ công sẽ ngày một tăng thêm, nhiều thứ sẽ trở nên đắt đỏ chỉ vì quá đông cùng làm những "chuyện nhỏ có hại" như một người thả một cọng rác xuống nước.

Tôi lại nghĩ đến chuyện thiếu nước sinh hoạt ở Sa Pa (Lào Cai) vì ô nhiễm, các cấp lãnh đạo khuyến khích người dân thu hẹp diện tích canh tác để có được nguồn nước sinh hoạt. Sống cùng nước sạch là nhu cầu thiết yếu của con người. 

Tôi khẩn thiết mong các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế từng vùng ngồi lại với các ban ngành liên quan như cấp thoát nước, giáo dục, truyền thông để tình trạng thiếu nước sạch như ở Sa Pa không tái diễn.

Phát triển du lịch, vui chơi, các khu mua sắm kèm theo đó là đủ thứ rác thải và thói quen xả rác mọi lúc mọi nơi..., chúng ta đang làm tổn hại cả nguồn sống, nguồn nước và chịu đựng ô nhiễm do nước thải gây ra? Và trả nợ cho chi phí không biết bao nhiêu cho đủ nếu cứ chi tiền vừa nạo vét sông rạch, làm sạch nguồn nước vừa vô tư tiếp tục xả rác.

Bao nhiêu tiền cho đủ?

Kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước tại Chùa Cầu là 260 tỉ đồng, trong đó 32 tỉ do thành phố Hội An chịu trách nhiệm, còn lại được Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Dự án nạo vét thử nghiệm một đoạn sông Tô Lịch tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 85%, vốn đối ứng của TP Hà Nội là 15%.

Sắp tới đây, dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng cần đầu tư 585 tỉ đồng; đoạn qua tỉnh Quảng Nam dự kiến tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 340 tỉ đồng.

Nêu vài ví dụ để thấy kinh phí cho việc nạo vét quá lớn, lớn kinh khủng nếu nhân lên cả nước. Đó là chưa kể đến trượt giá hoặc dự án đội vốn, như tình trạng của dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn lên 36 lần (từ 72 tỉ lên tới 2.595 tỉ đồng).

Làm sạch kênh rạch không khó, giữ sạch mới khó

TTO - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận định như vậy khi đi kiểm tra tình trạng kênh rạch tại địa bàn quận Bình Thạnh vào sáng 26-12.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên