Phóng to |
Tập luyện trên chiến lũy phố Hàng Đường - Ảnh: Nguyễn Tiến Lợi |
Có một đêm “đốt kinh thành”
Nguyễn Hữu Bảo hoàn toàn bị choáng khi tiếp cận những bức ảnh mà chú “Vệ Út” của trung đoàn Thủ đô - nhà ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu Đặng Văn Tích - cung cấp. Là một nhà nhiếp ảnh sinh ra ở phố Hàng Đào, Hữu Bảo hiện vẫn sống ở ngôi nhà cũ của cha mẹ để lại trên con phố một đầu giáp hồ Gươm, một đầu nối với chợ Đồng Xuân, luôn tự hào là không một gốc cây, ngõ phố nào mà mình không thuộc gốc gác.
Ông đã cùng tổ chức thực hiện cuộc triển lãm cá nhân của hai nhà nhiếp ảnh tài hoa bạc mệnh đất Hà Thành là Nguyễn Bá Khoản và Nguyễn Duy Kiên, vừa sưu tầm và biên soạn xong cuốn sách ảnh cực kỳ quí giá của nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên nhân 50 năm giải phóng thủ đô. Hữu Bảo những tưởng không còn bức ảnh tư liệu quí giá nào về Hà Nội xưa mà mình không biết. Vậy mà...
Một bức ảnh chụp trực diện người lính đang đặt mìn ở chợ Đồng Xuân để ngăn xe tăng Pháp, một bức chụp cảnh người Hà Nội đang đục bức tường thông giữa hai căn nhà phố để tạo thành đường chiến đấu, một chú bé liên lạc mặt rạng rỡ, một tổ chiến đấu trên phố Hàng Chiếu, cảnh tự vệ thủ đô nổi lửa “đốt kinh thành”... Tất cả đều được chụp ở góc gần, bằng loại máy ảnh thô sơ, phim đen trắng. Tất cả đều của người trong cuộc.
Ông Nguyễn Trọng Hàm - trung đội trưởng chiến đấu ở khu Đông Kinh Nghĩa Thục, sau này là đại tá, phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, trưởng Ban liên lạc chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, người nhiều lần xuất hiện trong các tấm ảnh tư liệu - hồi tưởng: “Làm gì có nhà báo hay nhà nhiếp ảnh nào được phân công chụp ảnh chúng tôi đâu. Trong đơn vị có anh Nguyễn Tiến Lợi là chủ một hiệu ảnh tư nhân, cũng tình nguyện gia nhập trung đoàn như chúng tôi, chiến đấu như chúng tôi. Sẵn phim, máy ảnh nhà lại có tính nghệ sĩ, anh cứ lặng lẽ chụp để làm kỷ niệm, tôi cũng chả biết được anh chụp lúc nào nữa. Ra trận anh cũng mang theo máy để chụp, vừa chiến đấu vừa chụp, nên mới chụp được những cảnh chiến lũy phố Lê Ninh, cảnh đặt mìn phá chợ Đồng Xuân, cảnh đêm đầu tiên “đốt kinh thành”. Chỉ có chúng tôi chụp nhau mới gần thế, thật thế”.
Gần một nửa trong số 200 bức ảnh mà các chiến sĩ cảm tử ngày ấy còn giữ lại được là của ông Nguyễn Tiến Lợi, những bức còn lại là của các ông Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Nguyễn Duy Kiên - những bức ảnh không thể tả lại bằng lời, những bức ảnh làm trái tim thổn thức và bầu máu nóng sục sôi, những bức ảnh ăn nhập kỳ lạ với những bài ca của một thời mà nay rất ít người còn biết: Đốt kinh thành, Thủ đô huyết lệ, Ngày về...
"Đốt kinh thành là của Nguyễn Vịnh, chiến sĩ thuộc trung đoàn, vốn là một sinh viên luật chưa tốt nghiệp, ngày ấy chúng tôi ai cũng hát bài hát ấy; còn Thủ đô huyết lệ là của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác - nguyên là người chơi đàn trong quán bar, cũng là chiến sĩ của trung đoàn Thủ đô, phổ thơ Trịnh Đình Báu, một người đồng đội khác của chúng tôi - ông Tích nói - Chúng tôi muốn có một tập hợp những hình ảnh kỷ niệm về hai tháng chiến đấu trong lòng thủ đô mang những cái tên đầy tinh thần Hà Nội ấy. Sao lâu nay người ta cứ ngại ngùng...”.
Làm sách ảnh để nhớ...
Không dễ chút nào để có một cuốn sách ảnh. Đầu tiên là tư liệu. Có những bức ảnh có tên người cung cấp nhưng không chắc đã là người đó chụp, có những tấm hình không dễ biết là góc phố nào, cửa hiệu nào, có những nhân vật đã mờ, thật mờ.
Và thật buồn. Những người lính của một thời Hà Nội hào hoa không ngờ được mình lại khó nhọc thế trong việc xoay xở để có một khoản tiền cho bộ sách rất đáng giá này được đến với công chúng của ngày hôm nay. Rất nhiều chiến sĩ của trung đoàn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngày đêm mong được thấy cuốn sách. Mỗi năm, mỗi cuộc gặp mặt vào ngày kỷ niệm toàn quốc kháng chiến, họ lại ít dần đi. Những người còn lại thì lưng còng thêm, giọng yếu đi, chân bước chậm hơn, tóc đã từ lâu không còn chỗ để bạc nữa.
Ông Nguyễn Tiến Lợi, tác giả của gần 100 bức ảnh “hai tuần trăng khói lửa” cũng đã sắp 90 tuổi. Từ lâu, mắt ông đã lòa, chân tay cử động khó khăn, ai đến thăm cũng chỉ nhận ra mà không thể chuyện trò, “giá mà tập sách ảnh này kịp ra để mừng thọ cụ” - cả ông Hàm, ông Tích và nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo cùng ao ước.
Thật bất ngờ và thú vị, người đầu tiên biết và nhận tài trợ cho việc xuất bản cuốn sách là bà mẹ già của ông Dương Trung Quốc - một người con gái Hà Nội, vợ của một liệt sĩ của trung đoàn Thủ đô. Bà ở vậy nuôi con từ ngày đó, với nghề ướp trà sen lừng danh 36 phố cổ, và hôm nay bà dùng những đồng tiền dành dụm chắt chiu từ đôi bàn tay tần tảo và tài hoa để giúp cuốn sách về những đồng đội của chồng đến được với con cháu. Đúng là cái gì đáng nhớ phải được nhớ. Cuốn sách ảnh Thủ đô huyết lệ hi vọng sẽ ra đời trước ngày kỷ niệm 60 năm “đốt kinh thành”, toàn quốc kháng chiến sẽ là một minh chứng cho lẽ công bằng đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận