Chỉ khi người tiêu dùng quan tâm và chọn sản phẩm sạch, cuộc chiến chống sản phẩm "bẩn" mới sớm có hồi kết - Ảnh: N.Trí
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng xuất khẩu rau quả năm 2017 đạt 3,5 tỉ USD chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được thực phẩm sạch để xuất khẩu.
Thế nhưng ở trong nước thì cả do thu nhập và thói quen muốn sử dụng hàng sạch nhưng giá phải rẻ của nhiều người tiêu dùng cũng khiến người sản xuất thực phẩm sạch khó tồn tại trên thị trường.
Bà Lan cho rằng việc xử phạt còn nhẹ đã tạo điều kiện cho người sản xuất gian dối có môi trường tồn tại, mặt khác những người làm ra thực phẩm sạch và kinh doanh thực phẩm sạch lại chưa liên kết được với nhau, vì thế khâu đầu sạch nhưng đến khâu cuối đến tay người tiêu dùng lại không bảo đảm.
Bà Lan cho biết Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đang triển khai chương trình kết nối chuỗi thực phẩm an toàn cho TP.HCM, theo đó, ban sẽ chịu trách nhiệm về cấp giấy chứng nhận, kết nối doanh nghiệp, điều phối trong cả quá trình liên kết đó cũng như khuyến khích tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để đẩy lùi thực phẩm bẩn, cần phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, không để thật - giả lẫn lộn, có chế tài nghiêm khắc trong xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hiện Ban quản lý an toàn thực phẩm có 250 thanh tra viên, đã bố trí cán bộ đến các quận, huyện để giám sát các hệ thống cung cấp thực phẩm. Chúng tôi cũng có hệ thống giám sát 24/24 giờ tại các chợ đầu mối để kiểm tra nhanh các mẫu sản phẩm nhập vào chợ, hạn chế thấp nhất thực phẩm không an toàn tại các chợ đầu mối.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho rằng việc thành lập cửa hàng bán sản phẩm sạch không khó, nhưng thế nào là sạch, không sạch chưa ai nói được, trong khi việc quản lý gần như bỏ ngỏ...
Hiện trên thị trường có sản phẩm sạch nhưng do người sản xuất hoặc hộ kinh doanh tự gắn vào.
Trong khi đó để có một sản phẩm sạch, an toàn, người sản xuất mất nhiều công chăm sóc, chi phí cũng cao hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thích những sản phẩm đẹp mã, đồng thời cũng không chịu mở hầu bao mua sản phẩm sạch với giá cao hơn.
TP Sóc Trăng tiên phong trong sản xuất rau sạch. Khoảng 10 năm trước, một câu lạc bộ sản xuất rau, củ, quả sạch tại TP Sóc Trăng được thành lập, thu hút gần 100 nông dân tham gia. Lãnh đạo TP dành hẳn một cửa hàng tại chợ trung tâm để giới thiệu, tiêu thụ. Nhưng do mẫu mã không đẹp, giá lại cao nên chỉ sau một thời gian ngắn cửa hàng này đóng cửa, câu lạc bộ sản xuất sạch cũng "giải thể".
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết hiện tại, điểm bán hàng hóa theo quy trình sạch tại thành phố Tân An do sở này tổ chức đã tiêu thụ được hơn 400kg mỗi ngày.
"Con số này vẫn rất ít ỏi so với tổng lượng tiêu thụ riêng TP Tân An. Tuy nhiên, đây là một trong những cách chúng tôi đang cố gắng hướng người tiêu dùng vào việc sử dụng nông sản sạch", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho rằng nhiều lúc giá hàng sạch và không sạch chênh lệch không nhiều, nhưng thói quen thích mua hàng nhanh chóng lại khiến một số người đi chợ mua hàng rau bày trên vỉa hè thay cho việc chọn những bó rau được đóng nhãn mác, thương hiệu.
Khi những mặt hàng chưa sạch còn tiêu thụ được thì việc quản lý sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thay đổi thói quen, ý thức của người tiêu dùng trong việc tìm hàng sạch để sử dụng là một bước rất quan trọng...
PGS.TS Mai Thành Phụng (chuyên gia nông nghiệp):
Chuyển nhanh sang nông nghiệp hữu cơ
Hằng năm, nông dân sử dụng hàng ngàn tấn các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật và 12 triệu tấn phân bón hóa học.
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4.100 loại thuốc trừ sâu thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau, 90% nhập từ Trung Quốc. Trong khi xu hướng của thế giới là giảm sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Vì vậy, việc thay đổi quan niệm sản xuất nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu. Ngay bây giờ nếu chúng ta chuyển hướng vẫn có nhiều thuận lợi.
Chính phủ cần sớm có nghị định và chính sách mang tính đột phá cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận