17/06/2018 09:35 GMT+7

Làm rõ dấu hiệu thông thầu trong đấu giá tài sản Dệt Long An

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Thanh tra Bộ Tư pháp vừa chuyển hồ sơ vụ việc kê biên thẩm định giá “lùm xùm” kéo dài tại Công ty Dệt Long An đến Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an).

Làm rõ dấu hiệu thông thầu trong đấu giá tài sản Dệt Long An - Ảnh 1.

Công ty Dệt Long An thời điểm thẩm định giá năm 2016 - Ảnh: SƠN LÂM

Thanh tra Bộ Tư pháp vừa chuyển hồ sơ vụ bán đấu giá tài sản tại Công ty Dệt Long An đến Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) để xem xét về việc thông đồng, dìm giá tài sản trong hoạt động bán đấu giá và các hành vi vi phạm của những người có liên quan trong vụ việc này.

Đây là một trong những biện pháp xử lý của Thanh tra Bộ Tư pháp trong kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với Cục Thi hành án dân sự (THA) tỉnh Long An và Công ty TNHH dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam.

Có dấu hiệu thông thầu

Kết quả thanh tra cho thấy trong quá trình đấu giá tài sản tại Công ty Dệt Long An có nhiều vi phạm như chủ tịch UBND, cán bộ tư pháp xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) xác nhận việc niêm yết tài sản là không phù hợp vì đơn vị THA có trụ sở trên địa bàn TP Tân An chứ không phải ở huyện Bến Lức.

Đặc biệt, biên bản diễn biến đấu giá được ghi không đầy đủ, có sự thông đồng giữa những người tham gia đấu giá, công ty đấu giá bán những tài sản không được bán đấu giá. Ngoài ra, công ty đấu giá và các thành viên tham dự phiên đấu giá đã thỏa thuận trái pháp luật với người mua tài sản, nhằm tạo điều kiện cho người mua trúng đấu giá kéo dài thời gian nộp và sử dụng tiền đặt trước trái quy định để vụ lợi...

Cụ thể, ngày 22-12-2016, Cục THA tỉnh Long An ký hợp đồng bán đấu giá với Công ty đấu giá Miền Nam. Giá khởi điểm được đưa ra là hơn 97 tỉ đồng, bước giá tối thiểu 100 triệu đồng. Sau khi thông báo đấu giá, có hai khách hàng tham gia đấu giá là Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Phúc Thịnh và Công ty TNHH sản xuất Phước Bảo Tâm. 

Quá trình thanh tra cho thấy trong và sau khi tham gia đấu giá, bà Hồ Thị Hằng Dương là đại diện của Công ty Phúc Thịnh đã nhiều lần chuyển tiền cho một người tên Trần Tín và ông Tín đã chuyển tiền cho ông Du Chí Dũng đại diện Công ty Phước Bảo Tâm để ông Dũng đặt trước tiền tham gia đấu giá.

Diễn biến phiên đấu giá rất nhanh gọn, Công ty Phước Bảo Tâm nộp tiền đặt trước nhưng khi tham gia đấu giá chỉ trả bằng giá khởi điểm một lần duy nhất, để Công ty Phúc Thịnh trả trên giá khởi điểm 100 triệu và trúng đấu giá.

Ngoài ra, dù luật không quy định doanh nghiệp phải ủy quyền cho cá nhân, nhưng trong cùng ngày 18-1-2017, cả Công ty Phúc Thịnh và Công ty Phước Bảo Tâm đều tổ chức họp hội đồng thành viên để làm ủy quyền cho bà Dương và ông Dũng tham gia đấu giá. Biên bản họp hội đồng thành viên của hai công ty nói trên trùng khớp, giống nhau đến cả... lỗi chính tả!?

Cắt khóa vào thẩm định là sai?

Từ năm 2014, Cục THA tỉnh Long An đã kê biên, tuy nhiên sau đó phải liên tục nhiều lần tạm hoãn vì các đơn khiếu kiện liên quan đến tài sản tại công ty này. Năm 2016, sau 7 lần tổ chức vận động và thẩm định không thành do Công ty Dệt Long An không hợp tác, Cục THA tỉnh Long An đã xin ý kiến Tổng cục THA và sau đó đã tiến hành phá khóa cổng để vào thẩm định giá.

Việc mở khóa của chấp hành viên cũng được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận là không phù hợp với pháp luật. Đồng thời, chấp hành viên cũng có một số sai phạm như không kiểm kê lại số lượng tài sản vào thời điểm thẩm định giá, đưa tài sản không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên để bán đấu giá.

Tuy nhiên trước đó, Tổng cục THA cho rằng đây là một vụ việc khó, pháp luật chưa có quy định khi Công ty Dệt Long An cố tình không hợp tác, chống đối việc tổ chức thẩm định giá. Quá trình kê biên, thẩm định giá đều được Cục THA tỉnh Long An xin ý kiến ban chỉ đạo THA tỉnh này và Tổng cục THA cùng các ngành liên quan. 

Tổng cục THA thấy việc làm này là cần thiết để tiến hành thẩm định, đảm bảo quyền lợi cho nhiều người được thi hành án. Còn việc có tài sản không nằm trong kê biên nhưng cũng bị đấu giá, ngoài trách nhiệm của chấp hành viên, trách nhiệm chính đã được xác định là do công ty đấu giá thiếu trách nhiệm, không kiểm tra đối chiếu...

Việc kê biên thẩm định giá tại Công ty Dệt Long An là một trong những vụ khá “lùm xùm” kéo dài. Theo đó, Công ty cổ phần Dệt Long An phải thi hành án 10 quyết định, với số tiền phải thi hành gồm hơn 137 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến vụ việc thi hành án tại Công ty Dệt Long An, như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 1-12-2017, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra làm rõ. Hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận.

Khởi tố vụ sai phạm trong thi hành án tại Dệt Long An

TTO - Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm liên quan việc kê biên, thi hành án đối với Công ty cổ phần dệt Long An.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên