Phóng to |
Bác sĩ Hải nói:
- Thông thường có ba loại phục hình răng cho bệnh nhân bị mất răng là phục hình răng loại tháo ra lắp vào, phục hình răng sứ cố định và phục hình bán cố định. Loại tháo ra lắp vào có nhược điểm làm bệnh nhân có thể bị nói ngọng nghịu, chiếc răng mang móc để chịu hàm giả lâu ngày sẽ bị sâu, khuyết cổ răng, bị lung lay. Vì thế các bác sĩ nha khoa khuyến cáo hàm giả tháo lắp nhựa có móc chỉ làm tạm thời.
Để làm răng sứ cố định có hai cách. Một là bác sĩ phải mài một hoặc nhiều chiếc răng thật để làm trụ cầu, nếu răng thật chỉ còn chân răng sẽ chữa tủy cẩn thận, làm một cùi giả thay thế như một trụ răng, sau đó mới làm cầu răng. Hai là phương pháp cắm implant. Bác sĩ sẽ cắm trụ implant vào ngay vị trí mất răng. Trên trụ implant gắn thêm một bộ phận kết nối như cùi giả để gắn một chiếc răng sứ hay một bộ phận làm cầu răng, bệnh nhân không phải mài răng thật.
* Bộ Y tế có quy định về tiêu chuẩn chất lượng trong việc làm răng sứ cho bệnh nhân hay chưa? - Các bác sĩ răng hàm mặt, kỹ thuật viên khi học ở trường đều được đào tạo về quy trình kỹ thuật để làm một chiếc răng sứ. Còn quy định về tiêu chuẩn chất lượng răng sứ khi làm cho bệnh nhân thì chưa có. |
- Răng sứ có chỉ định làm trong những trường hợp mất một hoặc nhiều răng sẽ làm cầu răng. Với trường hợp chân răng còn tốt nhưng thân răng bị nhiễm màu (nhiễm thuốc Tetracycline lúc còn nhỏ, hút thuốc lâu ngày, mặt răng có cấu tạo khiếm khuyết... làm răng không láng bóng, đẹp, xỉn màu) thì bác sĩ sẽ mài bớt lớp men răng thật và làm mặt sứ dán vào.
Trường hợp răng bị sâu, vỡ lớn, trám tái tạo sẽ không bền, bác sĩ sẽ mài chiếc răng đó nhỏ lại và chụp một chiếc răng sứ lên răng thật đó, gọi là mão sứ.
* Người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... làm răng sứ được không?
- Chất liệu sứ vô hại trong môi trường miệng của bệnh nhân. Với người có các bệnh lý nói trên đều có thể làm răng sứ, không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, một số người bị bệnh tim hay hồi hộp lúc mài răng do đau có thể ảnh hưởng đến tim mạch, bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau, thuốc tê một cách cẩn trọng.
Chỉ với những người bị bệnh máu chảy lâu đông có thể nguy hiểm vì khi bác sĩ mài răng có thể bị chạm vào nướu răng làm chảy máu kéo dài. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.
* Thưa bác sĩ, khi làm răng sứ, bệnh nhân có thể gặp tai biến gì?
- Làm răng sứ có thể bị nhiều tai biến sau đây: tủy răng không được xử lý tốt trước khi làm răng sứ. Thay vì bệnh nhân cần được lấy tủy nhưng bác sĩ không lấy, cứ thế chụp răng sứ lên, khiến bệnh nhân bị ê buốt, có khi làm rò mủ ở vùng xương hàm.
Có bệnh nhân làm răng sứ xong khi nhai bị vướng, cộm, đau khớp thái dương hàm do người làm điều chỉnh khớp cắn không tốt. Có người bị nha chu nhưng người làm vẫn phục hình răng sứ trên đó, khiến bệnh nha chu tiếp tục phát triển dẫn đến hai trụ cầu răng bị lung lay. Về lâu dài, bệnh nhân có thể mất thêm hai chiếc răng thật hai bên.
Không ít trường hợp bị tình trạng mão sứ không khít sát với cùi răng đã mài để ôm vừa đúng đường viền nướu, hoặc dưới đường viền nướu nên không đạt yêu cầu thẩm mỹ, dễ bị sâu răng tái phát, hoặc gây hôi miệng do thức ăn bám đọng vào những khe giữa đường cổ răng của mão sứ với đường cổ răng thật của bệnh nhân.
Một tai biến khác mà bệnh nhân gặp phải là nướu bệnh nhân bị tuột, co rút làm đường viền nướu bị hở ra, hoặc bị đen đường viền nướu do người làm không đúng kỹ thuật.
* Có bao nhiêu loại răng sứ đang được sử dụng làm cho bệnh nhân, thưa bác sĩ? Ưu, nhược điểm của các loại răng sứ này thế nào?
- Hiện nay trên thị trường có bốn loại răng sứ. Loại sứ kim loại thường, khoảng 1-1,5 triệu đồng/chiếc (giá làm cho bệnh nhân); loại mắc hơn một chút là sứ titan, giá 2-3 triệu đồng/chiếc; loại mắc tiền nhất có giá khoảng 5-6 triệu đồng/chiếc là sứ không kim loại và sứ quý kim (sườn của răng sứ làm bằng vàng, bạch kim). Trong đó, giá sứ quý kim thay đổi theo giá vàng.
Nếu làm đúng kỹ thuật thì bốn loại răng sứ này đều có thể sử dụng tốt và lâu dài. Tuy nhiên, sứ titan đáp ứng với mô răng tốt hơn và nhẹ hơn sứ kim loại thường. Sứ không kim loại có ưu điểm là tính thẩm mỹ cao.
Với sứ kim loại, khi ánh sáng đèn xuyên qua, chiếc răng sẽ lộ màu đen. Nếu người làm răng là ca sĩ, khi hát, cười dưới ánh đèn sẽ thấy như bị mất răng vì răng hiện rõ nền đen của kim loại.
* Sứ dùng làm răng sứ có nhiều loại không, chất lượng ra sao?
- Hiện trên thị trường có nhiều loại sứ khác nhau với chất lượng khác nhau do có nhiều nhà sản xuất, cung cấp. Các loại sứ đó có nguồn gốc từ các nước như Đức, Mỹ, Nhật... có chất lượng tốt, trong đó có sứ không kim loại làm bằng sườn zirconia - một chất liệu cứng như thép.
Ngoài ra, gần đây còn có một số loại sứ có xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào VN, loại sứ này giá rẻ hơn, không cứng chắc bằng sứ của những hãng có uy tín.
* Bác sĩ có ý kiến thế nào về việc một số cơ sở nha khoa, lab sản xuất răng sứ cho rằng có thể phân biệt răng sứ chất lượng, chuẩn châu Âu với răng sứ kém chất lượng bằng thẻ bảo hành (chẳng hạn như IDPI)?
- Vấn đề này chưa được ngành nha khoa VN hay Bộ Y tế khuyến cáo. Việc cấp thẻ là sáng kiến riêng của một số lab nha khoa. Theo tôi, cần có cuộc họp của hội đồng khoa học ngành răng hàm mặt và Hội Răng hàm mặt cho ý kiến chỉ đạo chính thức.
* Tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ, kỹ thuật viên có ý nghĩa thế nào trong việc làm răng sứ, thưa bác sĩ?
- Làm một chiếc răng sứ không phải chuyện dễ, nó đòi hỏi tay nghề và y đức của bác sĩ răng hàm mặt là phải mài cùi răng cho đúng chỉ định, đúng chuẩn để đạt tính thẩm mỹ, độ dày cần thiết của lớp sứ sau này. Bác sĩ cũng là người quyết định chiếc răng bị mài có cần phải chữa tủy hay không. Đối với kỹ thuật viên, đòi hỏi tay nghề phải cao mới đắp sứ được khéo léo, đẹp theo yêu cầu bệnh nhân - nhất là phải đúng màu sắc với những chiếc răng thật còn lại.
Đặc biệt, việc làm răng sứ còn đòi hỏi y đức và lương tâm của lab sản xuất răng sứ làm đúng chất lượng sứ mà bệnh nhân, bác sĩ răng hàm mặt yêu cầu.
Việc bảo hành tùy mỗi phòng khám nha khoa Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-7, bên lề hội nghị khoa học quốc gia về răng hàm mặt, viện trưởng Viện Răng hàm mặt T.Ư Trịnh Đình Hải cho biết hiện Bộ Y tế, Viện Răng hàm mặt T.Ư và các cơ quan chuyên môn răng hàm mặt chưa phát hành thẻ bảo hành răng sứ, cũng như chưa phát hành thẻ công nhận nguồn gốc răng sứ. Việc bảo hành chất lượng răng sứ là tùy quy định tại mỗi phòng khám nha khoa. * ThS.BS TRẦN NGỌC QUẢNG PHI (phó ban khoa học Hội Răng hàm mặt TP.HCM): Thẻ bảo hành chỉ là sự cam kết Thẻ bảo hành IDPI hay bất kỳ thẻ bảo hành tên gọi nào khác không có giá trị về mặt khoa học mà chỉ là sự cam kết với nhau. Nguyên tắc của cam kết là gì? Là tin nhau, giữ đúng chất lượng. Ở đây bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với bệnh nhân, còn lab sẽ chịu trách nhiệm với bác sĩ. Một bác sĩ chân chính, có trách nhiệm chắc chắn sẽ cố gắng làm điều tốt nhất cho bệnh nhân, lựa chọn lab tốt, có uy tín để gửi hàm. Lab muốn tồn tại cũng phải đáp ứng được nhu cầu của bác sĩ, phải cố gắng làm điều tốt nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận