Bán đảo Sơn Trà được xem là lá phổi xanh của TP Đà Nẵng với hệ sinh thái đa dạng từ rừng đến biển - Ảnh: Trường Trung |
Phát biểu kiên quyết bảo vệ quy hoạch Sơn Trà (TP Đà Nẵng) tại một buổi tọa đàm, ông - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng bị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch gửi văn bản "đề nghị xử lý".
Khi công văn "đề nghị xử lý" trên bị dư luận phản ứng, hai ngày sau Bộ này đã cho thu hồi văn bản trên bởi lý do "có nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm".
Đồng thời người ký công văn - thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã gửi lời xin lỗi Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, xin lỗi cá nhân ông Vinh.
Dù "đề nghị xử lý" đã được rút, cá nhân người phát biểu cũng đã được xin lỗi nhưng có thể thấy đây không phải là lần duy nhất mà những người mạnh dạn đưa ra những quan điểm thẳng thắn, "đụng chạm" cơ quan chức năng phải nhận văn bản "xử lý".
Xử lý vì ý kiến thẳng thắn, trái chiều?
Trước đó, vào năm 2014 bà - lúc đó là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đại biểu Quốc hội đương nhiệm cũng đã bị cơ quan chủ quản yêu cầu giải trình về phát biểu liên quan chuyện đấu thầu thuốc trong ngành y tế.
Lý do là trong một phiên thảo luận về đấu thầu giá thuốc tại Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan với tư cách đại biểu Quốc hội của TP.HCM đã phát biểu rằng đang có hai khe hở về chất lượng thuốc và cấp phép lưu hành thuốc, đấu thầu thuốc vào bệnh viện.
Phát biểu này của bà Lan trong kỳ họp Quốc hội và bà Lan phát biểu với tư cách đại biểu Quốc hội chứ không phải là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Tuy nhiên, sau phát biểu được nhiều ý kiến đồng thuận trên thì Văn phòng Bộ Y tế có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM giải trình và báo cáo về phát biểu đấu thầu thuốc.
Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan sau đó cho biết bà không giải trình, bởi bà phát biểu với tư cách đại biểu Quốc hội chứ không phải tư cách Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Với tư cách đại biểu Quốc hội bà được nhận các thông tin của cử tri phản ánh mọi vấn đề của xã hội và được quyền chất vấn các thành viên Chính phủ cũng như phản biện lại với các chính sách liên quan đến đời sống và phục vụ đời sống cử tri.
Và bà Lan đã không làm giải trình về những phát ngôn của mình.
Hành vi lạm quyền
Nói về các văn bản của Bộ Y tế với trường hợp bà Phạm Khánh Phong Lan hay của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đối với ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng các văn bản chỉ đạo xử lý trên vừa lạm quyền vừa trái luật.
Là người thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm về các chính sách pháp luật, các chính sách phát triển kinh tế, luật sư Trương Thanh Đức cũng nói nhiều về những mặt trái cũng như những bất cập của chính sách pháp luật.
Ông Đức cũng cho rằng, việc các cơ quan nhà nước ban hành công văn đề nghị xử lý người phát ngôn không đồng thuận với mình là trái quy định pháp luật vì quyền được nói, quyền được phản biện là quyền của công dân.
Không kể, các văn bản trên đã có sự nhầm lẫn về thẩm quyền và trái đạo lý bình thường. Bởi ví như cấp dưới phản biện cấp trên thì cũng không có quy định nào cấm trong trường hợp này.
Chưa kể, cả bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Huỳnh Tấn Vinh đều không phát biểu với tư cách là công chức dưới quyền của cả hai bộ trên.
Việc "đề nghị xử lý" phát ngôn của những cá nhân trên cho thấy các cơ quan này đã lạm dụng quyền lực của nhà nước đối với những ý kiến không cùng chiều. Làm như vậy sẽ khiến thui chột những ý kiến của những người muốn đóng góp xây dựng.
Việc nhỏ như vậy nhưng cũng xảy ra việc lạm dụng quyền lực nhà nước một cách sai trái, thì những việc lớn, cần sự phản biện của xã hội thì sẽ ra sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận