Tác giả Lê Huỳnh Hải Sa và con trai - Ảnh: V.C.T.
Mỗi sự việc đều có hai mặt. Mặt chính của khủng hoảng ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng mặt khác nó mang đến cho phụ huynh cơ hội để rèn luyện con thêm phần tự lập, đặc biệt là trong việc học hành.
Xin chia sẻ lại một số bí quyết:
Tìm những nguồn kiến thức phù hợp
Hiện nay có rất nhiều nguồn kiến thức trên mạng, từ miễn phí đến phải đóng tiền. Phụ huynh có thể tham khảo những nguồn như Raz-Kids, Prodigy Games, Outschool, Epic!, Khan Academy...
Chương trình được sắp xếp theo cấp học và hình thức trực quan sinh động thông qua video, đọc hiểu, câu hỏi trắc nghiệm, games...
Tuy nhiên các nguồn thông tin này hiện bằng tiếng Anh nhưng ở mức độ đơn giản phù hợp độ tuổi. Phụ huynh có vốn tiếng Anh cơ bản có thể đọc và hướng dẫn lại cho con qua laptop hoặc máy tính bảng.
Tài liệu tiếng Việt sẽ khá hạn chế nên chỉ cần bám sát theo sách giáo khoa là đủ. Hoặc tôi cũng thấy có khá nhiều khóa học online như lập trình, học theo nhóm... Phụ huynh hoàn toàn có thể tự tìm kiếm và cho con tham gia.
Tôi cũng cho con quyền chủ động hơn trong lựa chọn thông tin. Mỗi ngày trước bữa sáng, bé đều đọc trọn vẹn báo để cập nhật số ca dương tính, tình trạng của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, vì sao Olympic Tokyo 2020 lại bị hoãn...
Sau đó tôi và bé cùng ngồi lại với nhau để trò chuyện và đào sâu thảo luận nhiều hơn. Đây là một cách để con phát triển khả năng phản biện và phân tích vấn đề.
Tạo cho trẻ niềm đam mê khám phá tri thức là một trong những cách khuyến khích trẻ tự học - Ảnh: V.C.T.
Cho con quyền lựa chọn
Phải cho con quyền lựa chọn, nếu không bé sẽ không thấy mình có trách nhiệm với việc học và dễ dàng buông bỏ. Dù tôi rất muốn con học thử lập trình nhưng bé cương quyết từ chối và chọn những môn như lịch sử thế giới, toán, văn, DIY (Do It Yourself)...
Song song đó tôi đưa vào những kỹ năng mới như tập đánh máy để sử dụng bàn phím đúng cách, bé rất thích. Cho đến nay bé vẫn luôn luôn bám sát lịch học.
Xây dựng thời khóa biểu phù hợp
Kết hợp giữa học kiến thức và vận động. Xin lấy ví dụ từ con của mình: Lịch học ban ngày kéo dài từ 9h-16h. Trong đó nghỉ trưa từ 11h-14h30.
Từ 16h bé sẽ tập thể thao (tâng bóng hoặc chạy bộ) rồi tập đàn. 20h-22h bé sẽ làm bài tập thầy cô gửi qua Zalo. Mỗi môn học chỉ kéo dài tầm 50 phút, giữa mỗi môn sẽ có khoảng nghỉ tầm 10 phút.
Buổi trưa cuối tuần bé sẽ nấu hai món ăn cho chính mình. Bé đặc biệt hào hứng với các công trình DIY được làm vào mỗi buổi chiều. Các buổi tối mình có giờ đọc sách và cùng bé nói tiếng Anh. Bé vẫn được chơi game vào mỗi cuối tuần.
Đồng hành với con
Cha mẹ phải luôn đồng hành với con để tránh con bị nản và bỏ giữa chừng. Khi con học, mình sẽ ở cạnh bên. Con thắc mắc một từ, mình sẽ giải thích. Đừng nói điều kiện mình hoàn hảo.
Mình là một bà mẹ đơn thân và hiện làm việc tại nhà theo yêu cầu của công ty vào mùa dịch, vẫn phải giải quyết hàng tá deadline của các dự án.
Chỉ cần cha mẹ bớt một vài phút ngẩng mặt lên nói cùng con, hướng dẫn con là con có thêm động lực để học tiếp rồi. Bé rất cần sự động viên từ cha mẹ.
Tự học đòi hỏi tính kỷ luật cao với bản thân - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bài học đầu tiên
Câu hỏi đầu tiên mà giảng viên hỏi sinh viên năm nhất chúng tôi ngay ngày đầu tiên ở giảng đường rằng "đại học là gì?".
Hàng loạt câu trả lời từ sinh viên đưa ra nhưng giảng viên ấy đều lắc đầu. Và cuối cùng, câu trả lời từ người thầy khả kính ấy như sau: "đại học là tự học". Đó là bài học đầu tiên trên quãng đường tự học của tôi.
"Tự học" là một khái niệm không mới. Nhưng để thực hiện việc tự học đúng nghĩa và hiệu quả, lại là một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kỷ luật của người học.
Việc đầu tiên là người học phải tạo lập giờ tự học trong ngày và phải tuân thủ đúng giờ giấc mà mình đã quy định.
Nếu như ở trường có giờ giấc học hành bắt buộc thì tự học ở nhà cũng phải như vậy. Khi đã đến giờ tự học ở nhà thì người học không nên "viện" bất cứ lý do gì để bê trễ.
Bước vào giờ tự học là học ngay như ở trường. Người học có thể chia sẻ với người thân về giờ tự học của mình để tìm sự hỗ trợ.
TẠ TƯ VŨ
Tìm tấm gương truyền cảm hứng
Phụ huynh có thể tìm cho con một tấm gương truyền cảm hứng để những thông điệp về việc tự giác học tập được gửi gắm một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Chẳng hạn nếu con trẻ có niềm đam mê với âm nhạc, phụ huynh hãy tìm hiểu xem con trẻ thần tượng nhạc sĩ, ca sĩ nào.
Sau đó, phụ huynh hãy tìm ra một câu nói của thần tượng đó có liên quan đến việc học tập. Lúc này, lời khuyên của thần tượng đối với con trẻ dường như có sức nặng, có độ thuyết phục cao, kích thích suy nghĩ của trẻ, khiến trẻ hướng đến hành động.
Trường hợp con trẻ không có hoặc chưa thần tượng ai, phụ huynh càng dễ dàng xử trí. Có rất nhiều nhân vật truyền cảm hứng trải khắp các ngành nghề, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.
Phụ huynh hãy để con trẻ thử tiếp cận với một nhân vật mà phụ huynh nghĩ rằng con trẻ có khả năng tiếp nhận.
Ai trong chúng ta cũng thường chịu ảnh hưởng về suy nghĩ và hành động bởi một ai đó mà chúng ta mến mộ, có cảm tình. Dựa vào đặc điểm này, tìm cho con một người truyền cảm hứng trong học tập chính là một phương pháp hiệu quả, giúp con nâng cao tinh thần tự học.
TRẦN XUÂN TIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận