TTCT - Thế giới đang tìm cách xoay xở trước những cơn sóng lạm phát mới - bắt nguồn không chỉ bởi biến đổi khí hậu, mà còn từ chính cuộc chiến chống lại nó. Minh họa: Guillem CasasusMột làn gió hân hoan lan tỏa khắp nơi khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt tay vào việc tái thiết nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Đồng thời, các chính phủ cũng sôi nổi ban hành các quy định để kìm hãm những hoạt động phát thải carbon như khai thác mỏ hay luyện kim…Kết quả là giá các nguyên nhiên liệu cần thiết để xây dựng tương lai xanh, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tăng mạnh vì cung không đủ cầu. Như mọi khi, Phố Wall đã sáng tạo một cái tên cho hiện tượng này: greenflation (lạm phát xanh).Thiếu… nguyên liệu “bẩn”Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến sự nổi lên của bộ ba yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong câu chuyện phát triển bền vững. Nhưng hệ quả không mong đợi là sự khan hiếm và sau đó là tăng giá của kim loại và khoáng sản, bao gồm đồng, nhôm và lithium - những nguyên liệu cần thiết để sản xuất điện mặt trời và điện gió, ôtô điện và các công nghệ tái tạo khác.Ví dụ, nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, thế giới đang cần thêm nhiều đồng. Lượng đồng sử dụng trong các nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió nhiều gấp sáu lần so với công nghệ phát điện cũ, vì năng lượng tái tạo thường đòi hỏi nhiều dây dẫn điện hơn. Thế nhưng, các nhà bảo vệ môi trường đã ra sức ngăn cản một mỏ mới ở Alaska (Mỹ) đi vào hoạt động, vì lo ngại tác động của nó đến người dân và loài cá hồi địa phương.ESG cũng không còn là đặc quyền của những nước giàu. Chẳng hạn những gì đang diễn ra ở Chile và Peru, nơi cung cấp gần 40% sản lượng đồng của thế giới. Ngày xưa, một dự án khai khoáng chỉ mất 5 năm chuẩn bị, nay có thể mất 10 hoặc hơn thế, theo bài bình luận ngày 2-8-2021 của chiến lược gia Ruchir Sharma trên tờ Financial Times.Một dự án lớn ở Peru, những tưởng có thể mở cửa hồi 2011, đến nay vẫn chưa đâu vào đâu vì sự phản đối của cộng đồng địa phương. Chỉ riêng năm ngoái, Chile đã ban hành hai bộ quy định về môi trường và đang xem xét mức thuế tài nguyên mới - hứa hẹn sẽ khiến những mỏ khai thác lớn nhất của nước này không thể sinh lãi.Sự “thức tỉnh” của Trung Quốc cũng tạo ra không ít sóng gió cho thị trường nguyên liệu toàn cầu. Độ 10 năm trước, quốc gia này khai thác và sản xuất quá mức các nguyên liệu thô, như quặng sắt và thép, khi dư thừa thì “tống” ra thị trường nước ngoài. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã tiết chế hơn. Là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, Trung Quốc gần đây đã cắt giảm kinh phí cho khâu nấu chảy quặng, vì nó vốn thải ra rất nhiều khí nhà kính.Hẳn là những việc làm đầy thiện chí để bảo vệ môi trường. Nhôm là một trong những kim loại “bẩn” nhất khi xét đến quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những kim loại quan trọng nhất đối với các dự án năng lượng xanh. Ngân hàng Thế giới dự báo nhu cầu về nhôm sẽ tăng vọt mạnh mẽ trong tương lai gần.Tóm lại, những nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế sạch đang thúc đẩy nhu cầu của một số nguyên liệu và khoáng sản, trong khi nguồn cung của chúng cũng đồng thời bị thắt chặt, dẫn đến lạm phát xanh. Năm 2021, giá các kim loại như thiếc, nhôm, đồng, niken, coban đã tăng từ 20% lên 91%. Ảnh: iStockVẫn cần nhiên liệu “bẩn”Thế giới đang tồn tại một nghịch lý cung - cầu khác: việc kiến thiết nền kinh tế xanh giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch vẫn cần tiêu thụ nhiều dầu mỏ trong giai đoạn chuyển đổi, và giá dầu toàn cầu thì vừa lập đỉnh mới trong vòng 7 năm.Châu Âu cũng đang ở trong tầm ngắm của một cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên nghiêm trọng, vốn đang làm chao đảo các thị trường năng lượng trên toàn thế giới. Chưa hết, nhu cầu toàn cầu về than đá - cái tên bẩn nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch - đã tăng lên mức cao kỷ lục khi các nền kinh tế phục hồi từ sau đại dịch.Ngay cả khi chúng ta đã có các nhà máy năng lượng tái tạo đua nhau đi vào hoạt động, thế giới nhìn chung sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều năm tới, cho tới khi ta có đủ năng lượng sạch cho tất cả nhu cầu.Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng đầu tư vào sản xuất dầu khí đã giảm mạnh trong vài năm qua. Tuy nhiên, Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh), đã cảnh báo rằng giá dầu tăng cao có thể hấp dẫn các công ty năng lượng đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án khoan mới.Nếu thiếu sự quản lý cẩn thận, giá năng lượng sẽ biến động. Và khi đó, nó có thể sẽ làm suy yếu ý chí của cuộc chiến ngăn chặn biến đổi khí hậu. Ảnh: Christian Charisius/Getty ImagesNhìn vào dài hạnNhững người lạc quan về tình trạng lạm phát xanh đã đặt niềm tin vào một khái niệm gọi là “kinh tế theo quy mô” (economy of scale). Nôm na là: nếu sản xuất với quy mô càng lớn, thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, nhờ đó lợi nhuận gia tăng.Như vậy, việc sản xuất những tấm pin mặt trời với số lượng lớn hơn hiện tại cùng chi phí đầu vào ít hơn, là một kế hoạch khả thi. Ngoài ra, chi phí chung sẽ được giảm nhờ mở rộng quy mô, chẳng hạn như chi phí giấy phép, chi phí nhân công để lắp đặt và chi phí quảng cáo để tìm kiếm khách hàng mới.Vì vậy, sự tăng giá, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng với một số mặt hàng và hàng hóa cần thiết cho các dự án xanh, “sẽ không phải là mối đe dọa lâu dài đối với khả năng sinh lời của năng lượng sạch”, theo nhận định của các nhà cố vấn tại Diễn đàn thị trường toàn cầu Reuters vào năm ngoái.Ở một cách nhìn khác, giá xăng dầu cao không phải lúc nào cũng là tin xấu đối với năng lượng sạch. Chẳng hạn, tình trạng này có thể thúc đẩy mọi người mua xe điện và nhờ đó làm giảm nhu cầu xăng dầu. Năm ngoái, ôtô điện chiếm 20% tổng doanh số xe bán ra ở châu Âu và 15% ở Trung Quốc, theo nhóm nghiên cứu BloombergNEF.Năm 2021, thế giới chỉ đầu tư 755 tỉ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo bất kỳ thước đo lịch sử nào, đó là một số tiền khổng lồ… Nhưng chúng ta cần tới 4.000 tỉ USD trong thập niên tới để nhiệt độ hành tinh không tăng hơn 1,5oC, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, theo IEA.Xây dựng một hệ thống mới phải chấp nhận tốn kém. Nhưng trong suốt quá trình ấy, các quốc gia cần có những chính sách thận trọng và hợp lý, tránh việc loại bỏ những hệ thống cũ quá nhanh, nhanh đến mức chúng làm suy yếu nền móng cho sự canh tân.Biến đổi khí hậu và giá cảThời tiết khắc nghiệt và sự bất ổn về năng lượng đã khiến giá cả tăng vọt khắp nơi trên thế giới, theo cây bút Robinson Meyer của The Atlantic.Hè năm ngoái, ở phía bắc đại bình nguyên Bắc Mỹ, nắng nóng gay gắt, kết hợp với hạn hán kỷ lục, trở thành điều kiện lý tưởng cho nạn châu chấu phá hoại cây lúa mì. Hệ quả là giá lúa mì bị đẩy lên đỉnh. Giá ngô cũng tăng 45%.Hoặc ở Brazil, quốc gia vừa thoát khỏi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm, mực nước ở sông Paraná, một huyết mạch giao thông chính, xuống thấp đến mức việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn. Sau đó, vào tháng 7, một đợt sương giá bất ngờ ập đến vành đai cà phê của Brazil, làm tổn thương những cây cà phê arabica vốn đã suy yếu vì khô hạn. Giá cà phê nhảy vọt theo tin tức; ngày nay cà phê đắt gấp đôi mức của năm 2020. Các công ty đứng sau thương hiệu Nescafé, Folgers và Café Bustelo dự định sẽ tăng giá...Tại Canada, đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1961 đã làm giá hạt đậu tăng gấp đôi. Mùa hè nóng kỷ lục và ngập úng của nước Pháp cũng góp phần đẩy giá đậu toàn cầu. (Các sản phẩm “thịt giả” đã khiến nhu cầu đậu cao hơn bao giờ hết). Còn ở Đức và Bỉ, những ngày lũ lụt xối xả đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ khoai tây, góp phần làm giá tăng 180% vào năm ngoái.Biến đổi khí hậu thậm chí còn ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ cao, theo Mohamed Kande - lãnh đạo của công ty kiểm toán hàng đầu PwC. Hơn một nửa lượng chất bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Nền công nghiệp này sử dụng ít nhất 140 triệu lít nước mỗi ngày, nên đã gặp khủng hoảng vào mùa xuân năm ngoái khi Đài Loan trải qua đợt hạn hán lớn nhất trong nửa thế kỷ qua.Dẫu khó khăn chồng chất khó khăn, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng tình trạng giá tiêu dùng tăng không thể ngăn cản các chính sách xanh để có thể đảm bảo tương lai bền lâu cho nhân loại. Tags: Lạm phátBiến đổi khí hậuNăng lượng sạchNăng lượng xanhLạm phát xanh
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.