TTCT - Càng về cuối 2021, câu chuyện lạm phát càng trở nên đáng lo ở nhiều nền kinh tế chính trên thế giới. Lạm phát tháng 10 tại Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ, cao hơn dự đoán của giới phân tích lạc quan nhất và vượt xa mức mục tiêu dài hạn 2%. Đây là mức tăng giá tiêu dùng kỷ lục trong vòng 31 năm ở Mỹ. Những người chỉ trích rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã sai trong đánh giá lạm phát có lẽ ngày càng đúng. Lạm phát không có vẻ gì là “tạm thời” như nhận định của một số lãnh đạo, bao gồm cả chủ tịch FED Jerome Powell, người vừa được tổng thống Mỹ đề cử tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Chẳng hạn, Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Hãng tài chính Allianz và chủ tịch Trường Queens’ College của Đại học Cambridge, cho rằng những nhận định của FED thời gian qua rằng “lạm phát là tạm thời” đang làm tổ chức này mất uy tín. Ảnh: Business Insider FED nhận định sai?Ông El-Erian nói hết tháng này qua tháng khác suốt năm 2021, FED cứ nhấn mạnh “lạm phát là tạm thời” nhưng giá cả tiếp tục leo thang, phá nhiều kỷ lục và làm thị trường bất ngờ vào tháng 10-2021.FED nhận định nguyên nhân chủ yếu của lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng và lượng cầu tăng đột biến, như lò xo bị nén chặt bật trở lại sau phong tỏa. Họ tin đó chỉ là các yếu tố tạm thời, sức cầu sẽ bình ổn trở lại và các chuỗi cung ứng sẽ được khôi phục.Nhưng đến tháng 10, FED đã sai, ít ra là với chuỗi cung ứng. Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng chẳng những không giảm mà còn có dấu hiệu xấu hơn ở châu Âu và Mỹ. Thời gian giao hàng kéo dài, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng phá sản, các công ty còn hoạt động không thuê được nhân công.Phát biểu hồi cuối tháng 9, chủ tịch Powell thừa nhận lạm phát có thể tiếp tục kéo dài qua năm sau và điều đáng “bực mình” là chuỗi cung ứng không cho thấy dấu hiệu cải thiện như kỳ vọng. Có thể nói, FED cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác, ví dụ Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB, đã đặt cược vào khả năng chuỗi cung ứng sẽ được khôi phục vào cuối năm nay và lạm phát sẽ giảm. Nhưng cho đến nay, điều đó đã không diễn ra.Ông El-Erian chỉ ra rằng FED đã phớt lờ những bằng chứng ngày một nhiều về những nhân tố “không tạm thời” của lạm phát. Đầu tiên là hành vi của các công ty và người tiêu dùng. Vì chuỗi cung ứng đứt gãy lâu hơn kỳ vọng, hành vi của các công ty và người tiêu dùng đang thay đổi. Công ty thì bắt đầu tăng giá hàng bán vì không còn nguồn hàng thay thế. Người tiêu dùng lo sợ thiếu hàng đã đặt mua hàng sớm và gia tăng trữ hàng.Tiếp theo là lương nhân công tăng khắp nơi, nhất là ở những khu vực đang thiếu nhân lực mùa lễ hội như nhà hàng, tiệm ăn, siêu thị. Ở Mỹ và châu Âu, hiện tượng “đại nghỉ việc” (great resignation) đang diễn ra khắp nơi. Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, tính đến tháng 8, hơn 4 triệu lao động đã chủ động nghỉ việc. Tình hình ở châu Âu còn xấu hơn vì nhiều người về hưu sớm và an sinh xã hội tốt hơn. Thiếu lao động, tất yếu lương sẽ còn tăng nữa. Một vòng xoáy tăng giá đang diễn ra.Một nhân tố quan trọng khác cũng khiến lạm phát cao là giá năng lượng. Giá năng lượng sau khi giảm về mức thấp nhất nhiều thập niên trong nửa đầu 2020 đã nhanh chóng hồi phục và trong năm 2021 đã tăng ở mức 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước. So với cuối quý 3-2020, giá năng lượng của Mỹ hiện đã tăng gần 25%, một số thành phần tăng hơn 50%. Các nước thuộc khu vực đồng euro cũng có mức giá tăng năng lượng xấp xỉ 18%. Các nước xuất khẩu năng lượng chính này như Nga và thế giới Ả Rập thì vẫn đang từ tốn trong kế hoạch tăng nguồn cung, bởi đây là lá bài chính trị quan trọng và cũng vì họ lo sợ tăng cung quá nhanh sẽ khiến giá năng lượng giảm nhanh, làm lợi ích của họ suy giảm.Bức tranh lớn hơnNếu chỉ nhìn vào những yếu tố đó, rất dễ tin rằng 2022 sẽ là một năm lạm phát cao và do đó đã có những cảnh báo “coi chừng lạm phát” ở Việt Nam.Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách kinh tế cần phải tính tới bức tranh lớn hơn. Trường phái “lạm phát tạm thời” đang yếu thế và đã sai đến lúc này, nhưng luận điểm cốt lõi của họ vẫn có cơ sở và có lý do để hy vọng khi mọi thứ bắt đầu trở lại bình thường thì lạm phát sẽ tự động hạ nhiệt.Sức cầu hồi phục sau phong tỏa ở một số nước không thể kéo dài mãi. Lực cầu rồi sẽ bắt đầu yếu đi, sau khi hầu hết các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng kết thúc. Những gói chi tiêu hạ tầng ở Mỹ và châu Âu sẽ mất một thời gian nữa mới phát huy tác dụng. Ở Mỹ, đầu tư tư nhân đang bắt đầu hồi phục, nhưng chi tiêu công đã giảm nhanh.Trong khi đó, giá cả tăng cao và kỳ vọng về lạm phát tiếp tục kéo dài sẽ từng bước “ăn dần” vào chi tiêu tiêu dùng của người dân. Những khoản tiết kiệm và tích lũy trong dịch COVID-19 của nhiều gia đình đang cạn dần. Sau vài tháng bung ra chi tiêu hậu phong tỏa, những của để dành này sẽ sớm hết. Tất cả chỉ ra sức cầu ở các nền kinh tế phát triển có thể đang dần đạt đỉnh và khó mà tăng đột biến nữa.Vấn đề còn lại nằm ở chuỗi cung ứng và giá năng lượng. Đây là hai nhân tố rất khó đoán vì là vấn đề toàn cầu và không hoàn toàn nằm trong khả năng khống chế của bất kỳ quốc gia nào. Một trong những vấn đề thấy rõ nhất là Trung Quốc, một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn đang thực thi mục tiêu “zero COVID” và do đó các cảng biển, vận đơn từ phía họ thường xuyên đứt gãy mỗi khi có một đợt dịch mới. Bên cạnh đó, việc tăng tích trữ hàng khiến năng lực sản xuất của nhiều công ty không theo kịp mà lĩnh vực chip là một ví dụ.Nhưng tích trữ hàng đến một mức nào đó sẽ tạo ra dư thừa, và năng lực sản xuất sẽ tăng lên. Nói cách khác, khi mặt bằng giá cả 2021 đã cao, sẽ khó lặp lại một đợt tăng giá mạnh nữa trong năm 2022 trên phạm vi toàn cầu. Một số hàng hóa sẽ giảm giá sau khi tăng quá mạnh, còn một số thứ khác có thể vẫn tăng nhưng không nhanh như năm 2021.Vì vậy, IMF dự báo tính bình quân thì lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh vào năm 2021 và sẽ hạ nhiệt dần từ 2022. Cụ thể, họ dự đoán lạm phát bình quân toàn cầu sẽ giảm từ đỉnh trên 4% năm 2021 về còn khoảng 3,8% năm 2022 và khoảng 3% các năm sau đó. Nói vậy tức là đỉnh của lạm phát ở các nền kinh tế phát triển có lẽ là 2021.Hàm ý chính sách cho Việt NamVấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam và một số nước châu Á hiện tại là sự lệch pha so với các nước phát triển. Trong khi những nước phát triển đa số đều mở cửa từ giữa 2021 và không có phong tỏa cho đến tận tháng 11, nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam, đã gặp những đợt dịch nặng muộn hơn và phải thực hiện nhiều biện phán giãn cách xã hội ngặt nghèo từ tháng 4-2021 đến tận gần đây.Điều đó dẫn đến lo ngại rằng Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát cao trong năm 2022 khi nền kinh tế từng bước trở về bình thường. Lo ngại đó có cơ sở. Thứ nhất là áp lực nhập khẩu lạm phát từ các nước do nhiều nguyên liệu đầu vào của sản xuất ở Việt Nam là nhập khẩu. Thứ hai là chi phí sản xuất ở Việt Nam có dấu hiệu tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nguy cơ thiếu lao động ở một số ngành khi một lượng lớn người lao động đã rời khỏi các trung tâm kinh tế để về quê. Thứ ba là kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng cùng thông tin về gói kích thích kinh tế 800.000 tỉ đồng được lan truyền.Tuy nhiên, đây chỉ mới là nỗi lo chứ không chắc trở thành sự thật. Như thảo luận ở trên, nếu lạm phát thế giới 2022 không mạnh như 2021, Việt Nam chưa chắc cần phải đưa ra những phản ứng chính sách mạnh ngay từ lúc này. Nói cách khác, các chính sách về lãi suất, thanh khoản chưa cần phải thay đổi để khống chế lạm phát từ sớm.Cần tránh trường hợp quá sợ lạm phát mà để nền kinh tế bị siết chặt hơn mức cần thiết, khiến những gói chi tiêu hỗ trợ nền kinh tế bị giới hạn. Bản thân một số thành phần trong các gói kích thích kinh tế thực chất có thể “kích cung”, tức giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp để họ tiếp tục sản xuất và giảm bớt áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng. Quá sợ lạm phát mà hạn chế các gói đó có thể lại dở.Chúng ta không chủ quan với lạm phát, nhưng không cần quá sợ.Giá năng lượng được dự báo có thể vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc có tăng thì cũng không lặp lại cú tăng sốc của năm 2021. Ví dụ, giá dầu được các ngân hàng đầu tư dự báo ở mức bình quân 80 USD/thùng trong năm 2022 và sau đó sẽ giảm dần về mức 70 USD/thùng trong các năm sau. Dù dự báo này có sai đi nữa và giá dầu tăng lên 100 USD/thùng chẳng hạn, mức tăng giá đó vẫn là thấp so với việc tăng đột biến trong năm 2021 (tăng gần gấp đôi từ 40 lên 80 USD/thùng từ tháng 10-2020 đến tháng 10-2021). Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Giá xăng, tăng trưởng & lạm phát Tiếp theo Tags: Lạm phátFedGiá nhiên liệuGiá năng lượng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.