Người dân mua hàng tại siêu thị ở Matxcơva ngày 6-4 - Ảnh: AFP
Theo số liệu do cơ quan thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố ngày 8-4, trong tháng 3, tháng đầu tiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng thêm 7,5% so với tháng trước đó.
Lạm phát tăng gấp 4 lần dự tính
Ngân hàng trung ương Nga hồi đầu đặt mục tiêu lạm phát chỉ là 4%, nhưng nền kinh tế nước này đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ở mức phi tiền lệ, theo đó lạm phát trong tháng 3-2022 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái khi vọt lên 16,7%. Nhưng có thể đà tăng vẫn chưa dừng lại, theo ước tính của Ngân hàng Renaissance Capital (Nga), lạm phát có thể vọt lên 24% trong mùa hè năm nay.
Cũng theo Rosstat, giá thực phẩm trong tháng 3 cũng đã tăng lên 19,5%. Nếu xét ở từng nhóm hàng, mức tăng còn "choáng" hơn, mì tăng 25%, bơ tăng 22%, đường tăng 70%, rau quả tăng 35%. Một số mặt hàng khác cũng tăng giá mạnh là vật liệu xây dựng (tăng 32%) và đồ điện tử gia dụng (tăng 40%).
Lạm phát ở Nga đã tăng tốc trong nhiều tháng qua vì các nguyên do khác nhau, trong đó có hồi phục kinh tế sau đại dịch và giá nguyên liệu thô tăng. Việc xảy ra chiến sự tại Ukraine kéo theo nhiều trừng phạt và hệ quả là những gián đoạn, thách thức về kho vận, chuỗi cung ứng càng khiến mọi sự căng thẳng hơn.
Tại một khu chợ ở thành phố lớn thứ hai của Nga, Saint Petersburg, trong tuần này người dân đã bắt đầu cảm thấy rõ rệt những tác động tiêu cực của lạm phát. Anh Leonid Kabalin, một công nhân sản xuất 40 tuổi, than thở với Hãng tin AFP: "Giá đã tăng cao nhưng lương thì chưa".
Dữ liệu: Cơ quan thống kê quốc gia liên bang Nga - Đồ họa: N.KH.
Cắt giảm lãi suất
Ngân hàng trung ương Nga đã nỗ lực tìm giải pháp để ổn định các phương diện chủ chốt của nền kinh tế, từ đó ổn định đồng rúp, giúp tỉ giá của đồng nội tệ quay lại mức như trước khi xảy ra chiến tranh, theo Hãng tin AP trong ngày 8-4 là 77 rúp đổi 1 USD. Cùng với dòng tiền từ nguồn thu năng lượng, các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Chính phủ Nga cũng góp phần vực dậy đồng rúp. "Đồng rúp hiện rất mạnh - Hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế học Natalia Orlova tại Ngân hàng Alfa - Điều này làm giảm bớt các nguy cơ lạm phát".
Ngày 8-4, như để chứng tỏ các biện pháp kiểm soát đã có hiệu quả bất chấp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Ngân hàng trung ương Nga bất ngờ thông báo hạ lãi suất tiêu chuẩn từ 20% xuống 17%, có hiệu lực từ đầu tuần tới (11-4) và cho biết sẽ còn giảm nữa. Trước đó, ngày 28-2, Ngân hàng trung ương Nga từng phải tăng hơn gấp đôi lãi suất tiêu chuẩn từ mức 9,5% để kềm giữ không cho đồng rúp lao dốc thêm sau ngày 24-2 - ngày Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine.
"Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn đang thay đổi, vẫn đang là trở lực đáng kể với hoạt động kinh tế. Các nguy cơ với sự ổn định tài chính vẫn còn, nhưng hiện thời đã không còn tăng, trong đó có nhờ vào việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn", Hãng tin Bloomberg dẫn thông báo của Ngân hàng trung ương Nga.
Thực tế, bên cạnh các giải pháp "nóng" như việc Nga gây sức ép buộc các nước mua dầu và khí đốt của họ phải thanh toán bằng đồng rúp, cũng phải nói thêm là sau những đợt trừng phạt đầu tiên của phương Tây từ năm 2014, Matxcơva đã chủ động tách biệt nền kinh tế của họ khỏi các lệnh trừng phạt tài chính. Họ khuyến khích các doanh nghiệp Nga tìm kiếm nguồn cung vật liệu, linh kiện ngay trong nước, cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu để khuyến khích sản xuất nội địa.
Hãng tin AP dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài những ảnh hưởng ngắn hạn về kinh tế cũng như trì trệ kinh tế kéo dài, khả năng sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Nga là không có. Ngay từ đầu tháng 3, ông Richard Connolly, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia tại Anh, cho rằng Nga đã xây dựng "một nền kinh tế sẵn sàng ứng phó với xung đột".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận