03/11/2014 08:57 GMT+7

“Lạm phát” nhân sự cấp phó

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Cứ mỗi đơn vị trong số 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách trên toàn quốc hiện nay giảm được một cấp phó, ngân sách sẽ tiết kiệm được trên 4.000 tỉ đồng.

Đó là chưa tính tiền lương, mới chỉ tính các loại phụ cấp như xăng xe, điện thoại, điện nước, công tác phí... cho các cán bộ cấp phó hằng năm (khoảng 30 triệu đồng/năm).

Con số mà đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã nêu tại nghị trường thật đáng suy nghĩ, càng suy nghĩ càng giật mình trước xu hướng “lạm phát” cấp phó.

Ở các nước có nền hành chính hiện đại, không đâu nhiều cấp phó như ở ta. Có thể nói ta chẳng giống ai.

Ví dụ như ở xứ người, các bộ chỉ có 1-2 thứ trưởng, ta thì bộ nào cũng 5-6 thứ trưởng, thậm chí 7-8 thứ trưởng hoặc nhiều hơn.

Chúng ta không đơn giản đánh đồng tất cả cấp phó. Trong một tổ chức có cấp trưởng thì phải có cấp phó, nhiều cán bộ cấp phó là “linh hồn” về mặt nghiệp vụ chuyên sâu của cơ quan vì cấp trưởng đóng vai trò người đứng đầu phải xử lý nhiều việc chung, bao quát hơn.

Nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều vị cấp phó chỉ chuyên nghề đi họp, lĩnh vực phụ trách của các cấp phó chồng chéo, giẫm chân nhau, không loại trừ có những cấp trưởng ở địa phương làm ăn bê bết lại “chạy” về trung ương làm cấp phó để chờ hưu...

Cấp phó nhiều nhưng không hẳn tỉ lệ thuận với hiệu quả của nền hành chính, nếu không muốn nói là ngược lại.

Dư luận xã hội và nhiều văn bản chính thức đã nhận xét tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu lực, hiệu quả thấp, đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung chưa ngang tầm nhiệm vụ, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất...

Điều đáng lo ngại đối với tình trạng nhiều cấp phó không đơn giản là kê thêm “ghế”, mà phải “thêm mâm, thêm bát”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách phải vay để đảo nợ, không có tiền để tăng lương theo lộ trình, việc tiếp tục duy trì cung cách “lạm phát” cấp phó là không thể chấp nhận được.

Đúng như đại biểu Quốc hội đã nói là cử tri đóng thuế sẽ rất biết ơn nếu Quốc hội ngăn chặn được tình trạng “lạm phát” cấp phó để tiết kiệm ngân sách.

Mỗi đơn vị trên cả nước giảm được một nhân sự cấp phó không cần thiết, ngân sách có thêm hơn 4.000 tỉ đồng, nếu giảm được 2, được 3 nhân sự cấp phó thì ngân sách có thêm một khoản không nhỏ cho biết bao nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Trước mắt, như đại biểu Trần Đình Nhã đã đề nghị là Quốc hội cần ban hành nghị quyết quy định việc bố trí cấp phó trong các cơ quan, đơn vị không quá ba người, trường hợp cần thiết tăng thêm cấp phó phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Biện pháp này nếu được áp dụng sẽ giúp ngăn một thực trạng quan sát được ở bề mặt. Còn muốn “chữa lành” tận gốc rễ phải tiến hành xây dựng một nền quản trị đất nước hiện đại theo hướng nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội lớn.

Lạm phát trong kinh tế làm giảm giá trị đồng tiền, và “lạm phát” cấp phó trong nền hành chính chắc chắn làm giảm giá trị của chính vị trí này.

NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG
(nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên