Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giới thiệu những điểm mới của các bộ luật - Ảnh: Tâm Lụa |
Viện trưởng Viện KSND tối cao đã lưu ý như trên tại hội nghị triển khai thi hành các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp tổ chức sáng 3-4.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu chính là Viện KSND Tối cao tại Hà Nội với tất cả các viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh trên cả nước.
Không tập huấn hời hợt, hình thức
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, tại kỳ họp thứ 10, Quốc Hội đã thông qua 7 Bộ Luật quan trọng có liên quan đến lĩnh vực tư pháp bao gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức điều tra cơ quan hình sự.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình lưu ý các kiểm sát viên cần nắm được tất cả các quy định mới để tránh xảy ra sai sót khi làm nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể cho rằng nếu các cán bộ ngành kiểm sát không nắm được những điểm mới của luật thì rất khó triển khai công tác.
Vì vậy, việc tập huấn các điểm mới của 7 Bộ luật trên đây phải đến được với tất cả các cán bộ của ngành kiểm sát, kể cả những người không làm nghiệp vụ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp quán triệt một số nội dung mới của Hiến pháp và các Bộ luật, kèm theo đó là các lưu ý cho kiểm sát viên khi thực thi công vụ.
Ông Bình nhắc lại 4 tiêu chí của nền tư pháp tiến bộ bao gồm hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhân đạo, dễ thực hiện; tổ chức các cơ quan tư pháp hợp lý, kiểm soát lẫn nhau, phân cấp phân quyền, mạch lạc; cán bộ tư pháp công tâm và sự hiểu biết của công chúng về pháp luật và tuân thủ pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị do Viện KSND tối cao tổ chức - Ảnh: Tâm Lụa |
“Nguyên tắc của Hiến Pháp là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế bởi các quy định của Luật. Những văn bản như thông tư, nghị định không được điều chỉnh các hành vi liên quan đến quyền con người.
Với những hành vi như phong tỏa tài sản, giữ người… mà chúng ta căn cứ thông tư, nghị định để viết cáo trạng thì sẽ bị các luật sư, bị can, bị cáo bác bỏ ngay.
Hay đối với nguyên tắc tòa án phải đưa ra xét xử kịp thời, trước đây các nhà hoạt động tố tụng có thủ thuật cao thủ, họ trả hồ sơ điều tra bổ sung rất nhiều lần nhưng không ai bị kỷ luật vì thời hạn quy định như thế, bây giờ quy định chặt chẽ hơn…”, ông Bình dẫn các quy định mới kèo theo khuyến nghị.
Không để xảy ra sai sót
Nói về Bộ luật hình sự, ông Bình cho biết có nhiều điểm mới như quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, giảm tội tử hình, quy định áp dụng hình phạt tử hình cũng chặt chẽ hơn, không tử hình người trên 75 tuổi, giảm nhẹ hình phạt với 25 tội danh, mở rộng hình phạt tiền, mở rộng áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, thay đổi chính sách hình sự đối với tội tham nhũng…
“Cần lưu ý chỉ truy tố đối với các pháp nhân kinh tế, việc truy tố này phải gắn liền với 31 tội danh về kinh tế. Việc truy tố pháp nhân cũng phải thỏa mãn 4 điều kiện theo quy định”, ông Bình cho biết.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý theo quy định mới của Bộ luật hình sự, các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tố tụng bị coi là tội phạm như: Đối với quyết định giam giữ người không có căn cứ pháp luật, bắt người không có lệnh hoặc có lệnh nhưng chưa có hiệu lực thi hành, chưa được viện kiểm sát phê chuẩn, không thay đổi, hủy bỏ hoặc gia hạn các quyết định tạm giam tạm giữ.
“Tôi yêu cầu nếu hết lệnh các đồng chí phải thả người ngay lập tức, chúng ta phải làm cho nghiêm. Nếu không gia hạn hoặc hết thời hạn tạm giam mà không áp dụng tiếp biện pháp ngăn chặn vẫn giữ người thì chúng ta phạm tội.
Chúng ta phải ngẫm lại xem trong đời làm kiểm sát đã bao nhiêu lần gặp lỗi này rồi. Trong quá khứ đã “phạm tội” nhiều lần thì chúng ta phải khắc phục trong tương lai”, ông Bình nhắc nhở.
Với các đạo Luật này, ông Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo lãnh đạo viện kiểm sát các cấp phải tham mưu cho các tỉnh ủy, HĐND ban hành chỉ thị về học tập và triển khai luật, tổ chức tập huấn về việc thi hành các đạo luật trước ngày 1-7, rà soát loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ…
Theo ông Bình: “Cứ để những vụ như ông Nén, ông Chấn xảy ra dài dài thì chúng ta rất khổ. Cải cách tư pháp phụ thuộc vào trình độ của các cán bộ tư pháp. Nếu làm oan, làm bậy bạ thì mình phải chịu trách nhiệm”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận