12/08/2024 10:35 GMT+7

Làm nước ép đóng chai, đổi phận cho cây chuối

Thay vì chặt bỏ hoặc làm thức ăn cho heo, nước ép thân chuối trở thành thức uống tốt cho sức khỏe hoặc làm sản phẩm thủ công và cả nhựa phân hủy sinh học…

Nước ép từ thân cây chuối được nhóm sinh viên Đà Nẵng giới thiệu tại một cuộc thi khởi nghiệp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Nước ép từ thân cây chuối được nhóm sinh viên Đà Nẵng giới thiệu tại một cuộc thi khởi nghiệp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đây là kết quả nghiên cứu mà nhiều nhóm bạn trẻ miền Trung đang hiện thực hóa ý tưởng đổi phận cho cây chuối, góp phần tạo thêm sinh kế cho nông dân vùng quê nghèo khó.

Nước ép thân chuối

Một nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã nghiên cứu, chiết xuất thành công nước ép thân chuối làm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nhóm trưởng Hà Thị Diệu Hiền cho hay ý tưởng làm nước ép nảy ra từ một lần đọc được tài liệu nghiên cứu về công dụng của nước từ thân cây chuối.

Tìm hiểu sâu hơn, nhóm nhận thấy nước từ thân cây chuối có nhiều hoạt tính dược học tốt cho sức khỏe con người. Thân cây chuối vốn có công dụng hỗ trợ tán sỏi thận, mật, đồng thời là bài thuốc hữu dụng cho nhiều chứng bệnh khác như béo phì, tiểu đường, táo bón, trào ngược dạ dày… cùng với công dụng giải nhiệt và thanh lọc cơ thể.

Bạn Nguyễn Trọng Nghĩa - thành viên của nhóm - nói nước trong thân cây chuối chỉ được mô tả trong dược điển như một bài thuốc đông y mà chưa được khai thác và thương mại hóa ở thị trường Việt Nam.

Trong dân gian, người ta có dùng phương pháp thủ công cắt thân cây chuối, sau đó đục lỗ lấy nước để sử dụng. Dựa theo đó, nhóm phát triển thêm bằng cách dùng máy ép công nghiệp ép thân cây chuối lấy nước rồi thêm các nguyên liệu khác để tạo thành thức uống dinh dưỡng.

Hiện nhóm đang cho bán thử hai sản phẩm gồm thạch chuối kỷ tử và nước thân chuối hạt chia đóng chai với thành phần chính là nước trong thân cây chuối. Để tạo vị ngọt, nhóm bổ sung đường cỏ ngọt cũng vốn là một loại dược liệu quý trong nước để tăng hương vị và tối ưu lợi ích cho sức khỏe người dùng.

"Giá bán thử nghiệm khoảng 25.000 đồng/sản phẩm. Nếu được sản xuất số lượng lớn sẽ giảm được giá thành. Trong tương lai nếu có nguồn lực, tụi mình sẽ đưa thành sản phẩm khởi nghiệp, nâng tầm lên một thương hiệu" - Nghĩa khoe.

Sau khi thu hoạch buồng chuối, cây chuối buộc phải đốn hạ vì nếu giữ lại thân cây có thể gây ra các bệnh nấm cho cây đời sau, ảnh hưởng đến môi trường. Nước ta có nhiều vùng trồng chuối bạt ngàn. Chúng tôi muốn biến lượng phế phẩm nông nghiệp này thành sản phẩm có giá trị.
HÀ THỊ DIỆU HIỀN

Nhựa từ bẹ chuối

Vượt qua nhiều nhóm khác, nhóm LC2 gồm ba nữ sinh Trường THPT Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã giành giải nhất Cuộc thi sinh viên khởi nghiệp Beehive Start-up Challenge 2024 với ý tưởng chế tạo nhựa phân hủy sinh học chiết xuất từ bẹ cây chuối.

Bạn Thái Thị Thùy Ngân - thành viên nhóm - cho biết thống kê cho thấy các nhóm tuổi từ thanh thiếu niên đến người trưởng thành đều có nhu cầu sử dụng nhựa phân hủy sinh học. Nhóm dùng kiến thức có được ứng dụng nghiên cứu, chế tạo ra nhựa phân hủy sinh học này. "Loại nhựa này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả tái sử dụng mà còn phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thói quen dùng sản phẩm thân thiện môi trường cho mọi người" - Thùy Ngân chia sẻ.

Bạn Nguyễn Hồng Ngọc - một thành viên khác - cho hay quy trình tạo ra sản phẩm gồm tách cellulose từ thân cây chuối, chế tạo tinh thể nanocellulose bằng phương pháp thủy phân, chế tạo nhựa phân hủy sinh học. Nhựa này có thể làm các vật dụng trang trí, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm… đều được.

Phải mất thời gian dài cùng nhiều thử nghiệm thất bại, cuối cùng các bạn đã tạm thành công và đang hoàn thiện sản phẩm. Ý tưởng này được giám khảo cuộc thi đánh giá cao vì khá tiềm năng, hiệu quả tích cực với xã hội và cả tính khả thi.

Điều đặc biệt, không chỉ được làm từ nguồn phế phẩm nông nghiệp, thời gian phân hủy các sản phẩm làm từ nhựa sinh học này chỉ mất khoảng sáu tháng sẽ giúp giảm gánh nặng cho môi trường.

"Nhựa sử dụng màng chitosan có tính chống thấm nước và khả năng kháng khuẩn, ức chế khả năng phát triển của một số vi khuẩn và sản phẩm từ nhựa này có thể đựng được đồ ăn ở nhiệt độ cao, an toàn với người dùng" - Ngọc lý giải.

Tăng sinh kế cho nông dân

Cùng với một vài sản phẩm đã ra mắt, các bạn trẻ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các sản phẩm từ cây chuối. Đó có thể là hộp đựng từ lá chuối, phân bón hữu cơ từ thân hay giỏ xách thay túi ni lông từ bẹ chuối khô kết thành…

"Tương lai nhóm hướng tới hỗ trợ nông dân thu mua nguyên liệu và tính việc chuyển giao công nghệ ép, chế biến nhằm tăng sinh kế cho người dân" - Trọng Nghĩa nói.

Chàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phíChàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phí

Vốn học ngành điện tử công nghiệp, Trịnh Hán Quang (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) bén duyên với công việc phục chế sách và dạy phục chế miễn phí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên