Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Quan Huy còn nhận định những phương thức sản xuất nông nghiệp của chúng ta mới chỉ đang ở mức "tiệm cận" với nền nông nghiệp 4.0 của thế giới.
Nông dân Võ Quan Huy tại trang trại chuối của ông ở Long An - Ảnh: SƠN LÂM
Là người đầu tiên đưa trái chuối VN xuất khẩu thành công vào thị trường cực kỳ khó tính Nhật Bản bằng hình thức sản xuất được xem là hiện đại, đáp ứng được mọi hàng rào xuất khẩu, ông Huy cho biết:
“Tôi luôn ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào việc làm nông. Tuy nhiên, vẫn khó để có thể bắt kịp thế giới vì công nghệ thì luôn phát triển rất nhanh và không ngừng
- Là người gắn bó với nông nghiệp từ thời còn sản xuất theo hình thức có phần "sơ khai", đơn giản là đào lỗ chôn cây xuống, chờ lớn và thu hoạch bằng tay cho đến khi sở hữu những mô hình sản xuất lớn như vườn chuối hơn 180ha hiện nay, tôi luôn tự so sánh với nền sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới một cách khách quan nhất.
Ví dụ bằng việc thu hoạch và chọn lựa chuối tại nông trại tôi, hiện tại trên thế giới đã có nhiều loại máy tuyển lựa trái cây công nghệ tiên tiến hoàn toàn tự động, có thể phát hiện được những tổn thương tiềm ẩn của trái cây khi vừa thu hoạch. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa ứng dụng loại máy này vì giá cả còn quá cao và phải thay đổi lại quy trình thu hoạch mà chúng tôi đang thực hiện.
Thế giới thay đổi, sao mình lại không?
* Nhiều người vẫn nói ông thường thay đổi, ứng dụng nhiều mô hình khoa học, công nghệ vào sản xuất bởi đơn thuần vì ông là một người thích khai phá những phương thức sản xuất mới?
- Tôi là một nông dân, nhưng cũng có thể nói hiện tại tôi như một doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì phải tính toán dựa trên lợi nhuận. Cơ nghiệp làm nông của tôi bắt đầu từ việc trồng mía, trồng ớt… Người làm nông lâu năm đều nhận thấy việc nông sản VN đang bị chi phối khá nhiều bởi thị trường Trung Quốc. Việc thị trường lớn và kề bên như Trung Quốc dễ đáp ứng qua đường tiểu ngạch, lâu dần trở thành nếp sản xuất dễ dãi, ngoài việc tỉ lệ lợi nhuận ít thì còn tăng nguy cơ bị chèn ép và rủi ro cao. Chỉ khi tạo ra một sản phẩm đáp ứng được các thị trường xuất khẩu chính ngạch thì mới có thể phát triển bền vững.
“Tôi thấy tại một số nước, việc họ đưa ra tiêu chuẩn rất cao cho việc nhập khẩu hàng hóa vào nước họ, không hoàn toàn là vì họ đã sản xuất đúng tiêu chuẩn như vậy, mà còn vì để bảo vệ nền sản xuất của họ là chính
Và để đáp ứng được thị trường quốc tế, chúng ta cũng phải có những phương thức sản xuất tương đồng với quốc tế. Điều đó bắt buộc tôi phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ, chứ không chỉ đơn thuần vì sở thích. Đó cũng là lý do mà từ lâu, tôi nghĩ nền nông nghiệp 4.0 là một đích đến tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp.
* Cụ thể, chuyện xuất khẩu chuối sang Nhật Bản của ông là như thế nào?
- Hiện tại, với việc tự động hóa hoàn toàn quy trình thu hoạch chuối, tôi có thể làm tốt hơn bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến mà thế giới vừa phát minh ra. Nhưng khi đó chắc chắn giá thành sẽ cao hơn, trong khi hiện tại lao động vẫn cần việc làm và sản phẩm tạo ra phải đáp ứng nhu cầu của người Nhật.
Nền nông nghiệp nào thì cũng phải bán được sản phẩm mới tồn tại. Nếu đã giải được bài toán đầu ra ổn định, thì các quy trình sản xuất cũng sẽ phát triển đi theo. Năm 2014, tôi chọn trồng cây chuối bởi đơn thuần xác định đó là loại cây nhanh thu hoạch, dễ thử nghiệm và quan trọng là thị trường Nhật Bản đang cần đến 2 triệu tấn/năm. Tôi sản xuất để có thể xuất khẩu chuối sang Nhật Bản, do đó tôi phải ứng dụng công nghệ sao cho có thể đáp ứng.
Bảo vệ danh tiếng nông sản Việt vốn đã bị thương tổn
* Nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp của ta phần lớn vẫn lạc hậu so với trình độ phát triển của các nước tiên tiến, thưa ông?
- Rất nhiều vấn đề về nông nghiệp còn phải tháo gỡ. Tuy nhiên, nếu để có một nền "nông nghiệp 4.0" trong tương lai gần, tôi nghĩ việc trước mắt vẫn là tiếp tục khuyến khích xây dựng, tạo điều kiện cho những thương hiệu riêng, đủ bảo vệ danh tiếng chất lượng. Khi các thương hiệu riêng càng mạnh thì mặt bằng chung chất lượng hàng Việt sẽ được nâng cao, kéo theo phương thức sản xuất tiên tiến đủ để đáp ứng. Để làm được điều này, chúng ta phải tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý mạnh sao cho đủ răn đe những đối tượng làm ăn không đàng hoàng.
* Đầu ra sản phẩm luôn là một vấn đề của nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, bài toán "được mùa, mất giá" có thể giải quyết bằng cách nào?
- Theo tôi, cần tăng cường cảnh báo thị trường. Hiện tại, có vẻ chúng ta chưa cảnh báo được một cách khoa học quy luật thị trường đối với người nông dân.
Tôi lấy ví dụ cụ thể như đợt mất giá chuối mà chúng ta phải ra sức kêu gọi "giải cứu" vào đầu năm 2017. Trước đó đầu năm 2016, Trung Quốc gặp phải đợt lạnh nghiêm trọng sau mấy chục năm trời. Lúc đó cây chuối tại Trung Quốc không thể phát triển được, thì khoảng giữa năm 2016 trở đi thị trường chuối Trung Quốc khan hiếm, và chuối Việt tăng giá. Nhưng ngay thời điểm đó cũng cần có cảnh báo không tăng diện tích trồng chuối, bởi sau đợt lạnh, thị trường chuối Trung Quốc trở về hiện trạng ban đầu và rõ ràng chuối ở Việt Nam rơi vào tình trạng rớt giá…
Ngoài chữa lành “thương tổn” cho danh tiếng nông sản Việt thì việc ngăn chặn những cách thức sản xuất thiếu đạo đức các sản phẩm nông sản cũng là một nhiệm vụ mà chúng ta phải làm để bảo vệ nhân loại.
Cái chính là người nông dân khó mà biết được những diễn biến thị trường mang tính quốc tế như vậy, nên không thể đổ thừa cho nông dân trong việc tăng diện tích mà phải tăng cường năng lực cảnh báo của Nhà nước.
* Ngoài chuyện tự động hóa thì lao động cũng là việc cần bàn để đáp ứng được nhu cầu của nền nông nghiệp 4.0. Chuyện này theo ông thì sao?
- Đây cũng là một vấn đề mà tôi nghĩ cần quan tâm ngay từ bây giờ. Hiện tại, theo tôi thấy thì kỹ sư nông nghiệp đang thiếu thực hành rất nhiều. Đa số các kỹ sư khi ra trường còn hoàn toàn xa lạ với thực tế. Với nhiều doanh nghiệp lớn, khi tuyển về thường phải đào tạo lại thêm thực tế. Nhưng như thế thì nông dân đâu được lợi với tầng lớp kỹ sư hiện nay.
Tuy nhiên, điều này vẫn có thể khắc phục được. Và tôi vẫn tin tưởng là những sinh viên VN nếu được đào tạo bài bản thì thừa khả năng tiếp thu để đáp ứng với những kỹ thuật tiên tiến nhất của nền nông nghiệp 4.0.
“Nông dân, hay doanh nghiệp nhỏ thì không thể nuôi một kỹ sư, dạy họ để họ dạy lại. Do đó, hiện tại người nông dân, hay những người sản xuất nông nghiệp cỡ nhỏ, vẫn chưa hưởng lợi được nhiều về những tầng lớp kỹ sư đào tạo ra. Vẫn còn thiếu nguồn nhân lực kỹ sư nông nghiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận