Một góc giao lưu giữa ba nhà văn và bạn đọc - Ảnh: L.Điền
Chủ đề cũng là một câu hỏi rất đỗi quen thuộc, nhưng với cả những nhà văn thành danh và những ai đang bắt đầu nghiệp viết, trả lời câu hỏi này là không đơn giản.
Nghề văn không hứa hẹn, nhưng...
Bằng hồi ức cá nhân, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho biết sau khi in tác phẩm đầu tiên khoảng 3 năm và vẫn tiếp tục viết, câu hỏi " dễ hay khó" nổi lên và trở đi trở lại với chị như một sự tự vấn.
Cũng theo chị, câu trả lời sẽ là khó, khi ta đặt ra những cách nhìn như: ta đang làm người viết hay là nhà văn? Ta viết văn hay làm nghệ thuật? "Và cho đến nay, trở thành nhà văn vẫn là một thử thách đối với tôi", Phan Hồn Nhiên khẳng định.
Đồng ý với Phan Hồn Nhiên, nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói thêm rằng, thật ra không cứ gì nghề văn, việc dễ hay khó trong làm nghề phụ thuộc vào thái độ của mình đối với công việc.
Theo ông, cứ hình dung làm nhà văn như làm một người yêu lý tưởng, "rất nhiều người muốn tìm kiếm một người yêu lý tưởng, như vậy thì để trở thành một người yêu lý tưởng là dễ hay khó?".
Còn Phạm Bá Diệp tự nhận mình bắt đầu sự nghiệp văn chương chỉ mới 7 năm nay, cầm bút liên tục và đi lên từ Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi hai mươi, với anh, viết văn là công việc khó, bởi anh kiếm sống bằng một nghề khác, nên việc phải dung hòa niềm đam mê viết lách với cuộc sống thường nhật là không đơn giản.
Từ vấn đề "làm nhà văn dễ hay khó", một phụ huynh nêu vấn đề liệu các diễn giả có thể trả lời câu hỏi "làm nhà văn để làm gì" như một cách chia sẻ với các bạn học sinh đang định lập thân bằng con đường văn chương?
Không trả lời trực diện, nhưng nhà văn Phan Hồn Nhiên chia sẻ vấn đề này bằng nhận định: Ở Việt Nam, ý muốn làm nghệ thuật nói chung hoặc làm văn chương từ các bạn trẻ thường đưa đến viễn cảnh cho các bậc cha mẹ là nghề này không có hứa hẹn gì về kinh tế cả.
"Tuy nhiên, nhà văn là những người rất giàu có về tâm hồn và hạnh phúc với thế giới bên trong của họ. Cho nên, nếu phụ huynh hiểu được điều này thì nên ủng hộ con em mình trong những ước mơ theo đuổi nghệ thuật như vậy", Phan Hồn Nhiên kêu gọi.
Về vấn đề này, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng có cách tiếp cận khác, ông thẳng thắn chia sẻ: "Với tôi, kể cả người thân trong gia đình hoặc ai hỏi tôi về ý định trở thành nhà văn, tôi đều khuyên họ nên có một nghề kiếm sống chắc chắn đã rồi mới làm nhà văn. Văn chương không mang lại thu nhập ổn định nên phải giải quyết việc ấy bằng nghề khác, còn đam mê văn chương thì nên theo đuổi, và như vậy, bạn phải chuẩn bị cả hai".
Khó hay dễ trong việc viết
Điều ngạc nhiên cho không riêng các nhà văn là có rất đông bạn đọc đến với chương trình. Và trong tư cách những người yêu văn chương, họ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề liên quan đến việc viết.
Chia sẻ cho luồng suy nghĩ ấy, Trần Tiễn Cao Đăng đưa ra một quan niệm thực tế: Viết văn là phải kể cho được một câu chuyện, dù là dở. Đây là mấu chốt, khi có ý tưởng có động lực viết, là bắt tay để kể lại thành một câu chuyện trọn vẹn cái đã. "Điều này cần phải dành thời gian, siêng năng và lì, người càng lì càng đi được xa, thực tế là vậy", ông Đăng bộc bạch.
Để hình dung cụ thể hơn, nhà văn Phan Hồn Nhiên lưu ý với các bạn đang bắt đầu sự nghiệp cầm bút rằng, hãy lưu ý điều gì thôi thúc mình cầm bút. Và nhà văn bao hàm hoạt động nghệ thuật, cho nên, càng viết, ý nghĩ về "viết văn như cuộc chơi" sẽ dần co lại và ý thức làm nghề sẽ mạnh dần lên.
Lúc này, người viết đào sâu kỹ năng, hướng tới những tầm mức, những nấc thang để tiến bước... "Tâm lý của người viết trưởng thành qua các bước như vậy. Còn việc thành công của một tác phẩm thì cứ để cho công chúng, bạn đọc đánh giá".
Đông đảo bạn đọc đến dự và đặt câu hỏi về công việc viết văn - Ảnh: L.Điền
Từ phía công chúng, có ý kiến đặt vấn đề về quan niệm dấn thân của người viết hiện nay như thế nào. Ở điểm này, Phạm Bá Diệp thừa nhận một thực tế giới trẻ ngày nay ít gắn với đời sống. Một thế hệ trẻ như vậy thì việc dấn thân khi họ viết văn là chuyện rất nên đặt ra.
Nhưng ông Trần Tiễn Cao Đăng đã hướng mọi người đến một quan niệm sâu hơn về dấn thân. Với các nhà văn, dấn thân còn là việc nhìn thấu vào bên trong các vấn đề của thế giới. Và như vậy, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể dấn thân vào thực tế xung quanh chứ không phải nghe nhìn như đám đông thông qua sản phẩm truyền thông.
Và ý nghĩa của dấn thân chính là chỗ cốt tử của việc viết văn. Trước ý kiến của một bạn đọc đề cập đến khả năng trí tuệ nhân tạo sẽ tham gia viết văn, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể phát triển đến mức làm ra các tác phẩm giải trí, truyện trinh thám hoặc các thể loại đáp ứng nhu cầu thị hiếu đám đông, một kiểu như máy tính đánh cờ thắng kiện tướng vậy.
"Nhưng ở ý nghĩa văn chương đích thực, văn học là nghệ thuật mổ xẻ thế giới nội tại của con người, thì trí tuệ nhân tạo không can dự được" - Phan Hồn Nhiên khẳng định.
"Tôi cũng không tin có một cỗ máy viết được như Dostoyevsky hay Kafka, vì những nhà văn như vậy phải có một linh hồn để sáng tạo. Các nhà phát minh trong tương lai có thể mô phỏng tâm tính con người nhưng những mô phỏng đó không thể thay thế linh hồn con người", nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng biểu đồng tình.
Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng (phải) cho rằng trở thành nhà văn cũng như làm một người yêu lý tưởng - Ảnh: L.Điền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận