Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi công nhân Phan Thị Tuyết Sương và hứa sẽ cùng Tổng liên đoàn Lao động VN tặng mẹ con chị một căn hộ - Ảnh: V.Hùng |
Ông Bùi Văn Cường, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, nhấn mạnh: một năm từ lần đối thoại 2016, Chính phủ đã hành động quyết liệt để đáp ứng nhiều mong muốn chính đáng của công nhân.
Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tăng mức lương cơ sở, yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng cường trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, nâng mức xử phạt nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Nghĩ về căn nhà cho công nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông rất vui vì được gặp gỡ các anh chị em công nhân miền Trung, những người trưởng thành từ vùng đất khó nhưng luôn có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Thủ tướng chia sẻ: “Năm 2016, tôi đã có cuộc trò chuyện với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cảm xúc ngày hôm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Không phải chỉ là những tình cảm yêu quý tôi được đón nhận từ công nhân, mà canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng, phát triển đất nước”.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp không chỉ tìm thấy người lao động là nguồn nhân lực mà còn nhận rõ những giá trị cao quý hơn.
Ông nói rằng Chính phủ cũng mong muốn mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập không ngừng, rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, doanh nghiệp và đất nước.
Nhiều công nhân giơ tay đặt câu hỏi với Thủ tướng với nhiều vấn đề, từ hỗ trợ học nghề, sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, việc “né” đóng bảo hiểm xã hội đến nhà ở, an toàn thực phẩm, chính sách lao động nữ, việc làm lao động lớn tuổi...
Sau mỗi câu trả lời và hướng giải quyết rõ ràng của Thủ tướng thì nhiều tràng pháo tay vang lên không dứt.
Rồi Thủ tướng rời bục phát biểu, xuống trao đổi với chị Phan Thị Tuyết Sương, công nhân Công ty TNHH điện tử Foster. Chị Sương hôm nay đi cùng 2 con nhỏ, có hoàn cảnh rất khó khăn, căn nhà nhỏ xây trên mảnh đất người khác, thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, thiếu tiền ăn, tiền học cho các con thì ước mơ ngôi nhà quá xa vời.
Thủ tướng đã hiểu gia cảnh chị Sương trên clip chiếu đầu buổi gặp mặt và ông hứa sẽ cùng với Tổng liên đoàn Lao động tặng chị Sương một căn hộ khiến cả hội trường vỗ tay liên hồi.
Thủ tướng cũng nhìn nhận trong số 2,7 triệu lao động của 344 khu công nghiệp - khu chế xuất cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ đáp ứng 5-10% nhu cầu. Ông chỉ đạo Tổng liên đoàn Lao động phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng nhà ở có Nhà nước hỗ trợ rồi bán mức giá ưu đãi, giảm giá tối đa cho công nhân. Có như vậy công nhân mới có thể có nhà ở.
Lưu ý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Anh Nguyễn Đình Quyết, công nhân Công ty CP Nhựa miền Trung, đặt câu hỏi việc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận hiện nay quỹ này tồn dư lớn, chỉ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề.
Hiện mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ quỹ để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý quỹ phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này.
Chị Cao Thị Thắm, công nhân Công ty giày Rieker (Quảng Nam), phản ảnh: dù đời sống khó khăn, công nhân vẫn cố gắng đóng các chế độ bảo hiểm đầy đủ.
Trái lại, nhiều doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm của mình, khiến cho có công nhân không được hưởng các chế độ bảo hiểm.
Thủ tướng nhìn nhận tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội là đáng lo ngại, làm hàng trăm ngàn công nhân có nguy cơ bị mất quyền lợi.
Ông cho biết Chính phủ đã tích cực xây dựng nhiều quy định pháp luật, xử cao nhất đến 7 năm tù, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bị xử phạt đến 3 tỉ đồng, khởi kiện ra tòa. Đồng thời, sẽ có những giải pháp đủ sức răn đe những doanh nghiệp có ý định trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thực hiện nhanh các yêu cầu người lao động phản ảnh. Tập trung vào công tác an toàn bữa ăn cho công nhân, nơi nào xảy ra thực phẩm bẩn thì từ chủ doanh nghiệp đến cán bộ lãnh đạo các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.
Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ công nhân Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 20 ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” giá trị 1 tỉ đồng cho 20 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng chứng kiến và hoan nghênh lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Tổng liên đoàn Lao động VN với 8 doanh nghiệp trên các lĩnh vực giao thông, thực phẩm, thép, ximăng, gạch... để hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Trong các gói hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ công nhân, đáng chú ý là ký kết chương trình phúc lợi giữa Tổng liên đoàn Lao động với NutiFood. Đó là chương trình bán hàng ưu đãi giảm giá cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp vào các kỳ lĩnh lương, lễ tết... với mức ưu đãi giảm giá đặc biệt dành riêng cho công nhân thấp nhất là 15% tùy theo từng sản phẩm. NutiFood cũng có chính sách ưu đãi đặc biệt cho công đoàn cơ sở khi mua sản phẩm của NutiFood phục vụ các bếp ăn công nhân. Đặc biệt, công ty cũng sẽ trích lại một phần doanh thu từ việc bán sản phẩm cho công đoàn cơ sở để hỗ trợ các hoạt động xã hội, như thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tặng nhà mái ấm công đoàn, tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn... Ông Lâm Văn Hải, giám đốc điều hành Công ty NutiFood, cho biết NutiFood rất vinh dự trở thành một trong những đơn vị đồng hành cùng Tổng liên đoàn Lao động chăm lo đời sống của công nhân lao động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận