Vẫn còn nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi khó khăn. Nơi bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Ảnh: T.M |
Rất nhiều người cùng gặp nhau ở suy nghĩ: Làm “Lục Vân Tiên” thời nay chẳng dễ đâu. Có khi giúp người còn bị nghi ngờ đủ thứ, để rồi lòng tin của chính mình cũng bị tổn thương.
Vì sao làm người tốt quá khó?
Chú Lý Văn Nguyễn, 61 tuổi, một người chạy xe ôm quanh khu vực Bệnh viện Từ Dũ cho biết mình cùng những người chạy xe ôm, vá xe ở đây thỉnh thoảng “thấy chuyện bất bình” cũng nhảy vào bênh vực, can ngăn nhưng điều họ nhận lại là sự hồ nghi của những người được giúp.
“Có người còn nói “không cần”, “phải giúp thiệt không đây?” khi chúng tôi vô tư giúp họ”, chú Nguyễn kể.
Còn bạn đọc Phạm Tuấn thì cứ trăn trở mãi không tìm được câu trả lời vì sao một bà cụ anh gặp trên đường cứ từ chối không cho anh chở về nhà dù trời đang mưa.
“Cụ cứ đi về phía trước, tôi lái xe đạp tới gần cụ và mong muốn được chở cụ về nhưng bà cụ vẫn cứ không chịu và đi bộ trong mưa về nhà. Trên đường về, tôi vẫn không hiểu tại sao?”, anh Tuấn tự hỏi.
Một bạn đọc khác là anh Hồ Văn Phú thì bị nói là “sao dại thế, những việc như vậy dễ chuốc họa vào thân” khi đưa giúp một người gặp tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu.
Nhiều bạn đọc chia sẻ với TTO lý do vì sao họ chùn tay khi giúp đỡ người bị nạn.
Có một buổi tối trên đường đi làm về, một em thanh niên hỏi đường nhưng tôi không dám trả lời. Tôi cố gắng vượt xe nhanh hơn, em ấy cố đuổi theo. Tôi rất sợ đó là ăn cướp nên lắp bắp trả lời “không biết, không biết đâu!”.
Em thanh niên ấy la lên như muốn khóc: “Con mới ở quê lên đây tìm người quen, làm gì cô sợ dữ vậy. Trời ơi, sao cứ phải nghi ngờ thấy ghê vậy hả cô?”. Tôi thấy thương em ấy nhưng cũng thấy thương mình. Bao nhiêu nguy cơ rình rập, biết làm sao?
“Thật tình muốn làm người tốt cũng không dễ” là chia sẻ của anh Trường Giang. Có lần, anh Giang thấy một người bị té bất tỉnh, co giật, chảy máu miệng nằm trên đường nên đề nghị chở anh này vào bệnh viện. Tuy nhiên, những người dân xung quanh đã ngăn cản bởi “cho rằng tôi dàn cảnh để lấy hết tiền của nạn nhân. Sau đó người dân ở đó nói tôi đừng nên dính vô”, anh kể.
Tương tự, chị Chiêu Hoa cho biết người thân mình từng giúp đỡ hai người phụ nữ bị tai nạn giao thông nhưng hai người này lại la lên rằng: Sao gây tai nạn rồi bỏ mặc người ta chạy trốn, bớ người ta...
“Từ đó, ra đường nhiều khi tui nhắm mắt, không phải vì vô cảm mà vì sợ hãi”, chị Hoa viết.
Có người nói từng chân tình giúp đỡ một người hết xăng nhưng sau khi cho tiền rồi đứng lại quan sát thì thấy người đó giở chiêu bài cũ để xin tiếp. Có người bỏ cả việc đưa nạn nhân tai nạn giao thông vào bệnh viện để rồi bị người nhà nạn nhân cho là hung thủ đụng trúng con họ.
Khi lòng tốt bị thử thách Lý giải tại sao làm người tốt cũng lắm gian nan như hiện nay, thạc sĩ (ThS) Xã hội học Lê Minh Tiến đánh giá lòng tin của con người ngày càng xuống thấp vì đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy gian dối, từ thực phẩm đến thành tích. Điều này phản ánh một thực trạng xã hội là lòng tin của con người vào người khác, vào những giá trị truyền thống tốt đẹp đã không còn như ngày xưa. Bây giờ người ta xem người có lòng tốt và những lời nói thật lòng như "động vật quý hiếm", 1 hành động tốt, 1 lời nói thật sẽ bị nghi ngờ hoặc bị ví như đang lợi dụng để đạt được 1 việc gì đó. Chỉ mong sao lòng tốt và lời nói thật sẽ không bị coi là sắp "tuyệt chủng". Đinh Dũng |
“Dần dần, người ta không còn tin vào điều gì nữa. Ngay cả lòng tốt cũng không đáng tin, làm “Lục Vân Tiên” cũng bị ngi ngờ là có ý đồ gì không”, ThS Lê Minh Tiến nói.
Một “thử thách” khác của lòng tốt, theo ThS Lê Minh Tiến chính là những rắc rối về mặt hành chính đôi khi xảy đến sau khi giúp người.
“Các thủ tục hành chính cũng gây khó khi người ta làm điều tốt, bên cạnh sự nghi ngờ giữa người với người”, ThS Lê Minh Tiến nhận xét.
Bên cạnh đó, những tin tức về lừa đảo đăng khắp các mặt báo, lan truyền trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân làm nhiều người luôn trong trạng thái hoài nghi cao độ khi ra đường.
“Các phương tiện truyền thông đưa tin cảnh giác cho công chúng là một điều tốt nhưng mặt khác, nếu lạm dụng việc đưa tin loại cảnh giác tội phạm quá nhiều thì lại gây bất an cho xã hội”, một bạn đọc viết.
Vừa giúp người thanh niên nhặt tiền, chị Sơn bán hàng rong vừa kêu gọi mọi người “giúp người ta đi, đừng hôi của” - Ảnh: C.Thành |
Không vì bị nghi mà thôi giúp người
ThS Lê Minh Tiến cho rằng “phải thông cảm” với sự nghi ngờ của những người được giúp đỡ vì “bây giờ người ta bị lừa nhiều quá”. Và những “Lục Vân Tiên” cũng chỉ buồn một chút rồi thôi bởi người ta hiểu rằng điều mình làm là tốt, là biểu hiện của lòng nhân ái.
Cũng cho rằng sự nghi ngờ là điều dễ hiểu bởi “giữa bao nhiêu dối giá, làm sao biết người tốt thật hay giả” nhưng chú Vân (61 tuổi, Q.1) cho biết mình sẵn sàng giúp người trong khả năng cho phép.
“Chuyện người ta nghi ngờ là đương nhiên, ngay cả mình khi được giúp cũng còn dè chừng. Nhưng thấy người ta bị nạn, mình giúp được thì mình vẫn sẵn sàng. Giúp rồi xem phản ứng của người được giúp thế nào, người ta thấy mình giúp thật thì cũng sẽ hiểu và cảm ơn mình thôi”, chú Vân chia sẻ.
Biết rằng “làm người tốt không dễ” nhưng bạn Minh Nhật Trương vẫn tin rằng còn rất nhiều người tốt ở quanh ta và mong mọi người hãy xích lại gần nhau, chân thành cởi mở với nhau hơn bởi “đó cũng là cách diệt đi cái xấu”.
Chia sẻ về những lần giúp người của mình, bạn đọc Thành Trọng khẳng định vẫn còn nhiều người tốt lắm.
“12g đêm tôi đi xe hơi ra sân bay, gặp một chị dắt bộ xe nhờ gọi điện thoại cho người thân nhờ mang tiền ra đổ xăng. Không ai nghe máy, chị cảm ơn và tiếp tục dắt bộ. Đi khoảng 500m, tôi áy náy tấp xe vào lề cho chị 50.000đ đổ xăng.
Cùng lúc một đôi nam nữ chạy xe mang tới cho chị một chai xăng, thì ra họ cũng áy náy như tôi nên mua xăng đuổi theo cho chị này. Tôi về mà vui cả tuần vì thấy còn nhiều người tốt!”, bạn đọc chia sẻ.
Thùng bánh mì miễn phí cho người dân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mỗi ngày nơi đây cung cấp từ 100-150 ổ bánh mì đặc ruột, bánh mì cứ được cho vào liên tục, nhất là những thời điểm người dân đến lấy nhiều - Ảnh: T.M |
Phải trung thực để bồi đắp lòng tin
ThS Lê Minh Tiến cho rằng khi mọi thứ trong xã hội trung thực thì lòng tin của con người mới tròn đầy.
“Trước hết, Nhà nước phải trung thực với người dân. Các cơ quan truyền thông phải đưa tin tích cực hơn, vẫn còn rất nhiều điều tốt trong xã hội. Thầy giáo ở trường cũng phải dạy học trò sống trung thực. Phải thay đổi hết thì lòng tin mới được khôi phục lại”, ThS Lê Minh Tiến nói thêm.
PGS.TS Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Nghiên cứu con người nhận định bồi đắp lại lòng tin không phải là chuyện một sớm một chiều mà làm được.
“Bồi đắp lòng tin cần có sự vào cuộc của mọi người trong xã hội. Tiên phong là pháp luật. Pháp luật định hướng cho hành vi của xã hội và khi pháp luật lấy được lòng tin của cộng đồng thì lòng tin trong mỗi người sẽ dần được gia tăng”, PGS.TS Trịnh Thị Kim Ngọc nói.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Chú Lý Văn Nguyễn
>> Chú Vân
[AUDIO id=1452674095338 alt=""]//static.tuoitre.vn/tto/r/2016/01/13/chu-van-62-tuoi-mp3-1452674041.mp3[/AUDIO]
>> Thạc sĩ Lê Minh Tiến
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận