20/06/2007 09:10 GMT+7

Làm nghề phát báo ở Nhật - Kỳ 1: "Chạy đua" giữa Tokyo

ĐOÀN TỪ DUY
ĐOÀN TỪ DUY

TT - Tưởng chừng công việc phát báo ở Nhật cũng đơn giản như mấy cảnh trong phim: người phát báo sáng sáng đạp xe thong thả hoặc chạy xe máy cầm tờ báo ném vào cửa nhà độc giả rồi huýt sáo hay hát vu vơ chạy đi phát nơi khác. Nhưng khi nhận làm người phát báo tại Tokyo, tôi mới thấy đó chỉ là chuyện trên phim.

Tại Nhật Bản, đất nước phát triển nhất nhì thế giới về công nghệ, mỗi buổi sáng - chiều nhiều tờ báo vẫn phát hành đều đặn hàng triệu bản, thậm chí hơn chục triệu bản. Số lượng bạn đọc vẫn ổn định và ngày một tăng.

Mời bạn cùng phóng viên Tuổi Trẻ vào vai người phát báo ở Tokyo, cùng tìm hiểu chuyện “bếp núc” của hành trình đưa báo đến độc giả.

lHKvfWFn.jpgPhóng to
Xếp các tập quảng cáo để lồng vào báo sáng hôm sau. Ngày mai là thứ bảy, phải lồng tổng cộng năm tập vào một, nặng chịch - Ảnh: Đ.T.DUY
TT - Tưởng chừng công việc phát báo ở Nhật cũng đơn giản như mấy cảnh trong phim: người phát báo sáng sáng đạp xe thong thả hoặc chạy xe máy cầm tờ báo ném vào cửa nhà độc giả rồi huýt sáo hay hát vu vơ chạy đi phát nơi khác. Nhưng khi nhận làm người phát báo tại Tokyo, tôi mới thấy đó chỉ là chuyện trên phim.

Trong điều kiện tuyển dụng của một tiệm báo, đòi hỏi đầu tiên với nhân viên phát báo bao giờ cũng yêu cầu thể lực tốt và có sự cẩn thận, kiên nhẫn. Sau đó là học, học cho đến lúc thuộc lòng mọi ngõ ngách Tokyo!

Học và kiểm tra

Cái gì cũng phải học và học một cách nghiêm túc những gì liên quan đến công việc phát báo nếu thật sự muốn trở thành nhân viên phát báo. Đó là học thuộc tên tất cả khách hàng (các tiệm báo ở Nhật gọi độc giả là khách hàng), thuộc tên loại báo mà từng khách hàng yêu cầu. Tiếp theo phải hiểu được vô số những ký hiệu về lộ trình hướng dẫn cách tìm nhà khách hàng, thuộc lòng số lượng các đầu báo, nơi đặt báo, các yêu cầu cụ thể và riêng biệt của từng khách hàng theo một cuốn sổ lộ trình được thiết kế riêng cho từng khu vực phát báo.

Trong thời gian học việc, để đảm bảo độ chính xác đến từng chi tiết ghi trong sổ lộ trình, mỗi nhân viên phải dành ít nhất 2-3 giờ mỗi ngày với sổ lộ trình trên tay đạp xe lòng vòng đến hơn 300 địa chỉ mà mình chuẩn bị tiếp nhận nhìn tận mắt để ghi nhớ. Người phát báo phải học cả cách chào khách hàng nếu gặp họ trên đường phát báo, học ghi sổ sách, học cách buộc báo vào xe, xếp báo vào giỏ xe, chỗ dựng xe, cách dựng xe khi phát, rồi cách buộc báo thành từng chồng sao cho nhanh và chắc chắn để chuyển nhanh đến khách hàng (vì báo quá nặng, phải chở 3-4 hoặc năm lần mới hết trên 300 tờ mà mỗi người nhận giao).

xZuwv4vm.jpgPhóng to

Người mới vào nghề như tôi còn phải trải qua “màn” chất chồng báo cũ lên xe thật nặng, chạy lòng vòng để quen với việc chở báo. Nhưng ấn tượng nhất là những ngày phải tập lồng quảng cáo vào báo.

Ngày thường còn đỡ vì số trang quảng cáo ít, nhưng đến tối thứ sáu hằng tuần thì như một cực hình: lồng 4-5 xấp quảng cáo vào một, xóc lại cho thật đều và thật đẹp để sáng thứ bảy lồng vào báo chính trước khi đi phát. Quảng cáo cho một ngày thứ bảy gồm hai chồng, mỗi chồng cao 1,5m (cho khoảng 300 tờ báo), nặng chịch.

Đã học, thực hành thì tất nhiên phải có kiểm tra. Không phải ai sau thời gian học việc cũng có thể trở thành người phát báo nếu không vượt qua bài kiểm tra này: phải kết thúc công việc phát báo sáng thứ bảy (báo nặng nhất trong tuần) trước 6g30 sáng (tính đến thời điểm về đến tiệm báo) và tuyệt đối không có bất cứ một lời than phiền nào từ phía khách hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội Điều tra số lượng phát hành báo chí, tạp chí Nhật Bản (Japan Bureau of Circulations), tính từ tháng 1 đến tháng 6-2006, trung bình mỗi sáng tờ Yomiuri phát hành 10.024.619 tờ. Tiếp theo là nhật báo Asahi với 8.093.885 tờ, báo Mainichi là 3.479.559, báo Tokyo 3.508.716 tờ, chưa kể 843.480 bản thể thao cũng của báo này. Tất cả các loại báo trên còn có thêm báo ra buổi chiều cũng với số lượng hàng triệu tờ mỗi chiều.

Thống kê theo hộ và dân số về nhu cầu đọc báo tại Nhật cho thấy số lượng nhật báo (chưa kể tạp chí) hằng ngày ở Nhật in 52.310.478 bản, tính trung bình mức tiêu thụ nhật báo là 1,02 hộ/tờ, theo đầu người là 2,43 người/tờ. Dân số của Nhật hơn 127 triệu người, dân số tại Tokyo hơn 12 triệu người.

Nhà nhà đọc báo, người người đọc báo

Trong sự phát triển của công nghệ (đặc biệt điện thoại di động ở Nhật có thể kết nối đọc báo là chuyện quá dễ dàng), vậy tại sao số lượng các đầu báo ở Nhật vẫn duy trì được con số bản in hàng triệu? Theo Moria - một nhân viên đang thực tập tại tiệm tôi để về quê ở một tỉnh phía bắc Nhật mở tiệm báo cho riêng mình (làm chủ tiệm), đó là do thói quen đọc báo của người Nhật.

Trong một dãy phố hầu như nhà nào cũng có ít nhất một tờ báo. Chính vì thế đường phố Tokyo từ lúc 2-3 giờ sáng trở đi, bất kể điều kiện thời tiết thế nào cũng trở nên tấp nập hơn với những chuyến xe đạp, xe máy chở báo lao vun vút trên những con đường rộng thênh trước các cao ốc chọc trời hay với những người phát báo hì hục chạy lên xuống tại những khu chung cư cũ, những khu nhà trọ sàn gỗ ọp ẹp...

Theo thống kê, mỗi sáng riêng Tokyo tiêu thụ hơn 6 triệu tờ báo, trong đó đa số được phân phối theo hình thức giao tận nhà khách hàng. Như thế, cứ nhẩm tính mỗi người phát báo phát 300 tờ, mỗi sáng có khoảng 20.000 người phát báo chạy khắp các ngả đường. Các cơ quan cảnh sát cũng nhận ra lực lượng rất hùng hậu này để mời các tiệm báo hợp tác, cùng phát hiện và tố giác tội phạm (nếu bắt gặp) trên đường phát báo.

Một bất ngờ khác: những người bận rộn với công sở nhất mới chính là những người đọc báo nhiều nhất. Thời gian và kỷ luật làm việc nghiêm ngặt của người Nhật không cho phép nhân viên văn phòng có thể thảnh thơi để lên mạng đọc báo, thế là trên những chuyến xe điện, xe buýt chật cứng vào mỗi buổi sáng có rất nhiều người với tờ báo gấp dọc trên tay (chữ Nhật trên báo chí được in theo hàng dọc nên cứ gấp dọc lại, đọc từ cột này sang cột khác) say sưa đọc cho đến bến, đến công sở hay khi buồn ngủ mặt gục xuống chạm vào tờ báo.

nSulR2d0.jpgPhóng to
Cảnh đọc báo thường thấy trên các phương tiện giao thông công cộng của Nhật vào buổi sáng

Những tờ báo tổng hợp của Nhật hầu như có thể dành cho tất cả mọi người cũng là lý do để giải thích về số lượng phát hành khổng lồ. Trên những tờ báo ấy có chuyện chính trị, kinh tế, xã hội, thể thao, thiếu nhi, mua sắm, tiểu thuyết... gần như thu hút được tất cả mọi thành viên trong gia đình.

Bởi thế khách hàng của tôi bao gồm cả những thanh niên tóc xù, quần rách (mốt của giới trẻ Nhật) đến những cặp vợ chồng tóc bạc phơ. Thậm chí cả những khách hàng lớn tuổi neo đơn, phát báo cả mười mấy ngày không thấy nhận cho đến một buổi sáng thấy một chiếc xe hụ còi, nhấp nháy đèn ghé vào nhà và khiêng ra một tấm thân người bất động.

Đọc báo vì báo có nhiều quảng cáo. Quảng cáo ở Nhật ít chữ, nhiều hình và đặc biệt luôn đầy ắp các thông tin khuyến mãi, giảm giá... khiến các chị em chỉ cần xem quảng cáo có thể yên tâm xách giỏ đi siêu thị và ước lượng được số tiền phải chi tiêu từ nhà.

Và có lẽ cũng chính những người này “nghiền ngẫm” báo chí kỹ lưỡng nhất nên đến 90% các cuộc gọi mỗi ngày đến tiệm báo nơi tôi làm việc để than phiền, la mắng là phụ nữ. Thậm chí có khách hàng khi mua tờ báo về chẳng biết sẽ đọc mấy dòng, chỉ biết thường xuyên gặng hỏi người phát báo về những chiến dịch khuyến mãi của tờ báo.

Các tiệm báo còn liên kết với các cửa hàng dịch vụ trong khu vực để có thể đưa ra những “dây chuyền giảm giá” chỉ dành cho khách hàng tiêu thụ tờ báo của mình. Vì thế, con số hàng triệu tờ báo mỗi ngày của mỗi tờ báo vẫn cứ duy trì đều đặn. Và cũng vì thế, mỗi sáng sớm thức dậy, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến một chuyện duy nhất: làm sao chạy cho nhanh!

___________________________

Luôn giữ hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng, lấy tiệm báo làm nhà... xem ra vẫn chưa đủ. Công việc “chạy” của người phát báo ở Tokyo thường bắt đầu từ 2-3g sáng và kết thúc lúc 22-23g khuya!

Kỳ tới: Một giây cũng là muộn

ĐOÀN TỪ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên