09/06/2020 11:19 GMT+7

Làm ngã tư đèn đỏ, đèn xanh trong sân trường để học sinh học luật giao thông

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Một mô hình giao thông với đầy đủ đường sá, đèn tín hiệu, biển báo như ở phố thị được gói gọn trong khuôn viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Làm ngã tư đèn đỏ, đèn xanh trong sân trường để học sinh học luật giao thông - Ảnh 1.

Đèn tín hiệu, biển báo như ở phố thị để học sinh học luật giao thông - Ảnh: LÊ TRUNG

Học sinh miền núi người Ca Dong được hướng dẫn luật giao thông đường bộ, lái xe trò chơi điện thỏa thích trong sân. Ý tưởng này được thầy Lê Huy Phương - hiệu trưởng nhà trường - ấp ủ. Điều thú vị là mô hình này được xây dựng mà không tốn ngân sách. Tất cả do thầy hiệu trưởng lên mạng Facebook kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ.

Thầy Phương chia sẻ những năm gần đây mặc dù hạ tầng giao thông vùng cao này được đầu tư xây dựng đến từng thôn bản, song nhận thức về luật giao thông đường bộ của học sinh, người dân vẫn còn hạn chế vì học sinh của trường miền núi đều là người dân tộc Ca Dong, khó tiếp cận với tình hình giao thông ở khu vực phố thị. "Vì vậy nhà trường đưa ra ý tưởng xây dựng một mô hình giao thông thực tế đặt trong sân trường để nâng cao hiểu biết cho học sinh" - thầy Phương kể.

Làm ngã tư đèn đỏ, đèn xanh trong sân trường để học sinh học luật giao thông - Ảnh 2.

Nhà trường mua 10 chiếc xe điện trò chơi để học trò thực hành chạy trên phố - Ảnh: LÊ TRUNG

Sau một thời gian ấp ủ, đầu năm 2020 với số tiền 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, lại tận dụng thời gian học sinh nghỉ học do dịch COVID-19, trường bắt tay vào thực hiện mô hình này. Nhà trường thuê thợ xây dựng mô hình này, bao gồm hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đường một chiều, vòng xuyến, dải phân cách, vỉa hè. Trong hệ thống này còn trồng thêm cây xanh, rau nên rất xanh, sạch, đẹp.

Làm ngã tư đèn đỏ, đèn xanh trong sân trường để học sinh học luật giao thông - Ảnh 3.

Ngã tư đèn đỏ trong sân trường - Ảnh: LÊ TRUNG

Sau nhiều tháng thi công, đến tháng 4-2020 một mô hình giao thông giống như ở phố thị được gói gọn trong sân trường đã hoàn thành. Sau khi có mô hình, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tìm hiểu thực tế luật giao thông đường bộ, an toàn giao thông cho các em mỗi tuần một tiết. 

Với mô hình giao thông này, các thầy cô hướng dẫn học sinh đi lại đúng làn đường và theo tín hiệu đèn. "Muốn giảm tai nạn giao thông thì phải giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ. Thông qua mô hình này sẽ giúp các em nắm vững hơn pháp luật về giao thông" - thầy Phương nói.

Làm ngã tư đèn đỏ, đèn xanh trong sân trường để học sinh học luật giao thông - Ảnh 4.

Sân trường được chia làn đường để học sinh làm quen văn hóa giao thông - Ảnh: LÊ TRUNG

Thầy Phương kể, mới đây thầy cũng đã lặn lội xuống phố để đặt mua 10 chiếc xe điện trò chơi gồm xe máy, ôtô điện và xe đạp (gần 18 triệu đồng) để học sinh lái xe trong mô hình giao thông, vừa trải nghiệm thực tế vừa vui chơi. "Được hướng dẫn luật giao thông, lái xe trò chơi nên chúng em thích thú lắm" - em Hồ Tuấn Vũ, học sinh lớp 4/3, nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo cho biết mô hình giao thông làm sinh động thêm sân trường, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt thực tế luật giao thông thay vì những lý thuyết suông trong sách báo nên các em rất thích, háo hức chờ đợi mỗi khi đến tiết dạy giao thông. "Tất cả đều là tâm huyết của thầy Phương đối với học sinh nhà trường" - cô Thảo tâm sự.

Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú

TTO - Dưới chân núi Ra Nhua (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có một ngôi trường xanh sạch đẹp chẳng kém gì dưới xuôi. Cô Nguyễn Thị Hồng Nguyên mong ước giúp bọn trẻ đồng bào Ca Dong có được con chữ, thẳng bước vào đời.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ca Dong