Lưu ý khi ăn lẩu sao cho an toàn?
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia - lưu ý nên thay nước lẩu sau 60 phút vì nước lẩu càng về cuối bữa sẽ càng mặn. Lúc này, lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người bị bệnh gout.
Nên đợi nước lẩu sôi mới thả thực phẩm vào để bảo đảm đồ ăn đã được chín kỹ. Ăn thực phẩm chưa chín kỹ không bổ hay ngon, ngọt hơn. Thực phẩm chưa chín kỹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn.
Không dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống, đồ chín. Làm như vậy, vi khuẩn trong thức ăn sống sẽ thâm nhập vào miệng.
Thói quen ngồi ăn lẩu kéo dài vài giờ đồng hồ, vừa ăn vừa nói chuyện sẽ khiến dạ dày, đường ruột liên tục làm việc dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Không nên kéo dài bữa lẩu quá 2 tiếng đồng hồ.
Lẩu hấp dẫn nhưng cũng không nên ăn liên tục, vì ăn liên tục như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng... Để điều độ, chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian từ 1 - 2 tuần một lần.
Ngoài ra, theo bác sĩ Hưng, nên hạn chế sử dụng bếp gas du lịch để ăn lẩu. Nếu sử dụng bếp gas du lịch, cần chọn những bình gas mới, không hoen gỉ để tránh hiện tượng nổ bình gas. Lưu ý, luôn để mắt tới trẻ nhỏ để tránh xảy ra tai nạn bỏng ở trẻ.
Lưu ý khi ăn món nướng
Cũng như món lẩu, món nướng có thể chế biến từ các loại thực phẩm phong phú như: thịt bò, thịt lợn, tôm, hải sản…
Món nướng có thể thực hiện bằng cách nướng sẵn và bày ra mâm tiệc hoặc vừa nướng bằng bếp nướng, vừa ăn ngay tại chỗ. Vì vậy, món nướng có thể huy động được các thành viên của buổi liên hoan cùng tham gia chế biến.
Nhưng bác sĩ Hưng lưu ý: Tất cả thực phẩm dù nướng dưới các hình thức khác nhau như than hoa hoặc bếp điện, từ, lò nướng đều phát sinh ra độc tố có hại cho sức khỏe. Lưu ý tuyệt đối không nên nướng thực phẩm bằng ngọn lửa gas.
Khi nướng, thực phẩm sản sinh ra chất AGE, dù là chất tạo ra vị thơm và màu sắc hấp dẫn cho món ăn nhưng chính chất này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương cho các mạch máu, gây các bệnh tim mạch, xương khớp, thần kinh...
Để hạn chế độc hại khi nướng thực phẩm, nên dùng thịt nạc, loại bỏ mỡ, bỏ da để hạn chế tối đa mỡ rơi xuống ngọn lửa khi nướng gây nên độc tố.
Nên nướng thực phẩm ở nhiệt độ thấp hoặc vừa phải để hạn chế khói. Thường xuyên trở qua lại các món nướng để thịt có thể chín đều, tránh cháy sém một phía. Tốt nhất không nên để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.
Khi nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp từ, cần nướng ở chỗ thoáng, không nên nướng thực phẩm khi ngồi trong phòng, nhất là phòng kín.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý thêm không nên ăn những phần thịt bị cháy sém vì đó là nơi chứa nhiều chất độc nhất trong món nướng. Phần nước chảy ra từ thịt, cá nướng đọng lại trong giấy bạc gói thực phẩm cũng không nên dùng. Phần nước này tuy thơm, ngọt nhưng lại chứa nhiều chất độc.
Món nướng tuy ngon nhưng một tuần không nên ăn quá 1 bữa nướng. Sau khi ăn đồ nướng dịp này, ít nhất khoảng 1 tuần sau bạn mới nên ăn lại món nướng để cơ thể thải hết độc tố.
Dùng đũa riêng gắp đồ sống, đồ chín
Khi ăn lẩu, mọi người thường dùng chính đôi đũa của mình nhúng vào nồi lẩu chung để gắp thức ăn trong nồi lẩu vào bát, đưa lên miệng ăn.
Trong các mâm cỗ liên hoan, bát nước chấm cũng vẫn được dùng chung cho cả mâm cơm và mọi người thường dùng đũa của mình để cùng chấm. Các gia đình nên chú ý để mỗi người cần có bát nước chấm hay đĩa gia vị riêng để dùng tùy theo sở thích và bảo đảm an toàn hơn.
Cũng không nên dùng đũa của mình để gắp cho người khác hoặc gắp thức ăn cho thẳng vào miệng. Nên gắp thức ăn vào bát rồi mới đưa lên miệng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận