Thu hoạch lúa Tài nguyên tại huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: Ngọc Hân
Hội thảo "Phát triển sản phẩm lúa Tài nguyên an toàn ứng dụng phân hữu cơ sinh học" vừa được Sở Khoa học - công nghệ Bạc Liêu, UBND huyện Vĩnh Lợi và Công ty cổ phần Trương Việt đã đặt ra mục tiêu lớn cho sản phẩm được xem là "của quý" của Bạc Liêu.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi - nơi có diện tích trồng lúa đặc sản Tài nguyên lên đến 9.000ha, chiếm hơn một nửa diện tích sản xuất lúa của huyện, giống lúa này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2010, nhưng đến nay chưa phát huy được nhãn hiệu tập thể, sức tiêu thụ không ổn định do thiếu tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, giá lúa cũng chưa duy trì ở mức cao.
Một số nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra như: thiếu quy hoạch chung cho vùng trồng lúa Tài nguyên đặc sản có chất lượng cao, an toàn để tiến tới công nhận chỉ dẫn địa lý; người sản xuất lúa sử dụng phân bón, thuốc cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học (đặc biệt là thuốc có hoạt chất Paclobutrazol để điều hòa sinh trưởng) ngày càng tăng đã làm giảm chất lượng
lúa Tài nguyên, không đồng nhất về độ dẻo, thơm và đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
TS Nguyễn Đăng Nghĩa (chuyên gia nông nghiệp), cho rằng đúng là trong khoảng 5 - 6 năm nay gạo Tài nguyên không được người dân tiêu thụ nhiều vì cứng. Không chỉ giống lúa Tài nguyên, một số giống lúa mùa ở miền Nam vốn rất ngon nhưng việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã làm thoái hóa giống.
Ông Nghĩa nói: "Hiện cái buồn nhất của VN là chất lượng lúa gạo thua trên sân nhà. Tại TP.HCM - một thị trường 10 triệu dân mà người tiêu dùng phải mua gạo Thái Lan, Campuchia với giá cao. Mà sản xuất đạt an toàn, ngon thì giá mới cao được".
"Làm sao Vĩnh Lợi sản xuất lúa Tài nguyên có thương hiệu để người tiêu dùng ở TP.HCM không chỉ biết đến lúa Tài nguyên mà phải là Tài nguyên Vĩnh Lợi. Ta có lợi thế là có danh hiệu tập thể rồi, cần đi đến bước chỉ dẫn địa lý nữa. Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi sản xuất theo hướng hữu cơ thì đầu ra sẽ dễ dàng hơn", TS Nghĩa gợi ý.
Ông Huỳnh Văn Quậy, chủ tịch Hội sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, cho rằng cơ quan chức năng nên phục tráng giống Tài nguyên để thương hiệu này có tiếng bởi bản chất gạo này là ngon, mềm, dẻo chứ không cứng do thoái hóa và bị pha trộn với lúa khác trong quá trình kinh doanh. Theo ông Quậy, nếu sản xuất sạch thì chính quyền phải quy hoạch cánh đồng mẫu lớn để người dân hợp tác và phải có sự hướng dẫn của cơ quan liên quan. "Khi có lúa sạch thì giá mới cao hơn giá thị trường bây giờ", ông Quậy đề xuất.
Ông Huỳnh Văn Thanh, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết Chính phủ đã có định hướng chuyển dần từ sản xuất phân hóa học sang phân hữu cơ, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất an toàn và Bạc Liêu không thể đứng ngoài cuộc nên Tỉnh ủy cũng đã có định hướng chung đưa vào nghị quyết là tỉnh sẽ có từ 8.000 đến 10.000 ha lúa sản xuất sử dụng phân hữu cơ.
Định hướng trên sẽ từng bước lấy lại cân bằng hệ sinh thái, từ đó giảm được sâu bệnh, sức khỏe người dân, trong đó có người sản xuất sẽ được đảm bảo.
Bà Lê Thị Tuyết Hoa, giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Trương Việt, cho biết một số mô hình sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ của công ty này vừa triển khai tại các huyện Tân Hiệp, Kiên Lương, Hòn Đất và An Biên (Kiên Giang) cho thấy năng suất lúa tương đương với trồng lúa dùng phân vô cơ, mức độ sâu bệnh giảm nhiều hơn, chi phí sản xuất vì thế cũng giảm hơn (do giảm số tiền mua thuốc bảo vệ thực vật để phun).
"Dùng phân hữu cơ thì giai đoạn đầu lúa phát triển chậm hơn so với dùng phân vô cơ, nhưng đòng đòng giữ khỏe, nên năng suất vẫn bình thường", bà Hoa khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận