Chợ Bà Lê hiện nay đông vui, tưng bừng không kém chợ chính của TP Hội An.
Trước đây ngôi chợ là một khu mồ mả lộn xộn. Sau đó ông Nguyễn Hữu Phước - nguyên chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Cẩm Châu - đã điều xã viên đến cải táng đem lên nghĩa trang, để thành lập một sân bóng đá. Ai ngờ cầu thủ (toàn của HTX) đến đá bóng bị trặc chân quá nhiều khiến người mê tín cho là do oan hồn người chết bẻ gãy chân (!?).
Thế rồi khi cầu thủ ít đến đá bóng, có ba bà già mạnh dạn đến, một bà bán bánh kẹo, một bà bán rau, đậu và một bà bán cá bày bán ở một góc sân. Từ đó người ta đến mua bán ngày càng đông làm “sân bóng đá” bỗng nhiên trở thành một cái chợ. Thoạt đầu muốn hỏi đồ mua ở đâu thì câu trả lời thường là “gần nhà bà Lê”. Dần dần để ngắn gọn câu trả lời, người ta lược bỏ hai chữ “gần nhà”, rồi thay chữ “nhà” thành chữ “chợ”, riết rồi thành “chợ Bà Lê”.
Ngày nay, chợ Bà Lê là cái tên không thay đổi được. Từ anh xe thồ đến tất cả người dân, ngay các cấp chính quyền đều thản nhiên và... hãnh diện gọi đây là chợ Bà Lê. Riêng tôi và ông Phước thắc mắc hết mực. Tôi nhiều lần gặp ông Phước, ông ấy tức giận đỏ mặt hỏi tôi: “Chợ Bà Lê! Bà Lê! Bà Lê!... Tại sao không gọi chợ ông Phước, người đã táo bạo quyết định dời mả để có được cái chợ!?”.
Tôi muốn... an ủi ông Phước. Vì tôi sực nhớ lại hồi ở Đà Nẵng trước năm 1975, có mấy bà đến ngồi trên một khu mả bày cá ra bán. Cảnh sát đuổi kiểu gì, mấy bà cũng lén lút vì người mua ngày càng đông. Cuối cùng không thể giải tỏa được, ông thị trưởng Đà Nẵng lúc bấy giờ phải ra lệnh hốt mả (nguyên ngày xưa là một cồn cát) để lập chợ. Chợ có tên là chợ Cồn chứ không có tên chợ... ông thị trưởng! Còn ngày nay, chợ Cồn phát triển nhất Đà Nẵng.
Tôi viết bài này không nhằm nhắc lại cho vui, mà để lưu ý các nhà quy hoạch, xây dựng chợ quy mô hoành tráng mà chợ không đông, bỏ hoang phế.
Do đó, khi xây dựng chợ phải tìm cách thử trước, coi nơi đó người ta có thích muốn đến chợ đông hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận