05/07/2010 07:51 GMT+7

"Làm luật" tại các trung tâm đăng kiểm: Chung chi đủ kiểu

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Một chiếc xe mới xuất xưởng hoặc đầy “thương tích” muốn được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn lưu hành phải “lót tay” cho đăng kiểm viên (ĐKV). Tại các trung tâm đăng kiểm, tất cả công đoạn kiểm tra kỹ thuật nhanh hay chậm, dễ hay khó đều được quy ra tiền.

vhMtvzkW.jpgPhóng to
Chiếc xe tải với ba lỗi chính: thay bình thắng hơi, thay đổi vỏ xe, gắn còi hơi nhưng vẫn được Trung tâm Đăng kiểm 60-04D chứng nhận “đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật” khi được “bôi trơn” 800.000 đồng - Ảnh: H.K.

Nhiều tài xế cho biết xe nào cũng phải chung chi cho ĐKV nếu không muốn bị hành tới hành lui hoặc bị đánh rớt, thậm chí xe còn rất “cứng” hoặc lỗi nhẹ cũng phải “bồi dưỡng” từ 300.000-500.000 đồng mới được cho qua. Xe con bốn chỗ hoặc xe du lịch bảy chỗ mới đi xét lần đầu phải “biết điều” ít nhất 200.000 đồng; xe khách 16 chỗ trở lên từ 500.000-800.000 đồng; xe tải, xe đầu kéo có thêm rơmooc “bèo” lắm từ 500.000-2 triệu đồng. Các loại xe “bệnh nặng” (sai thiết kế thùng, thắng, vỏ...) muốn đi khám trong túi phải có không dưới 3 triệu đồng mới “nói chuyện” được với các ĐKV. Đối với những xe sắp hết đời, xe cũ nát thì giá... vô chừng.

Nhân viên đăng kiểm... làm “cò”

Sáng 29-6, tại Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 50-04V, một tài xế xe tải gặp ông Bình, nhân viên trung tâm, nhờ xét chiếc xe gần hết đát. Khi nghe tài xế kể rõ “bệnh”, ông Bình đề nghị: “Đưa qua chỗ khác làm đi. Nếu chịu làm thì tao gọi điện báo tụi nó”. Tài xế hỏi giá cả, ông Bình nói: “3 triệu, lệ phí tự đóng”.

Sáng 30-6, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng ông Bình vẫn bỏ nhiệm sở dẫn tài xế đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03V. Tại đây, ông Bình tay bắt mặt mừng với các ĐKV và nhờ họ làm giúp. Trước khi vào khám, tài xế xin bớt chút đỉnh để ăn cơm, ông Bình hào phóng: “Bớt cho mày 100.000 đồng”.

“Bệnh” cỡ nào cũng qua

Chiều 29-6, chúng tôi theo một chiếc xe tải sắp hết đời đi kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-06V (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM). Một nhân viên sà tới hỏi: “Xe bị lỗi gì không?”.

Tài xế khai: “Xe em nát quá, sai vỏ, sai thắng tùm lum, đại ca có cách nào cứu em với?”. Người này đi vòng quanh chiếc xe để “bắt mạch, kê toa” (nắm bắt lỗi của xe) rồi cầm sổ kiểm định đến chỗ các ĐKV đang làm việc. Lát sau anh nhân viên ra báo tin “vào xét đi, mấy ổng gật đầu rồi” và không quên dặn “nhớ đưa tao 5 thùng” (ngoài tiền chung chi cho ĐKV còn phải bồi dưỡng riêng cho nhân viên này 50.000 đồng).

Cũng sáng 29-6, chúng tôi theo xe anh P. đến Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 50-04V (xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức) để khám chiếc xe tải đã hết hạn lưu hành. Do không quen biết các ĐKV nên anh P. phải nhờ qua “cò” T.. Sau khi đi một vòng coi ngó chiếc xe, T. ra giá: “Chắc giá 8 “xị” (800.000 đồng), bảo đảm làm lẹ”.

Biết “cò” chưa nắm hết “bệnh” của xe, anh P. khai thật: “Xe tui lên thắng, lên vỏ (sai thiết kế về thắng và vỏ xe), số khung mất, đèn yếu...”. T. thốt lên: “Vậy thì bệ rạc quá. Để tui vào hỏi sếp trong trạm”. Không đầy 2 phút sau, T. đi ra báo giá: “2,2 triệu đồng, bao luôn lệ phí”. Thấy anh P. còn lưỡng lự, T. trấn an: “Mấy ổng chịu làm rồi, dán tem xong mới lấy tiền”.

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) sáng 30-6, chúng tôi thấy nhiều xe du lịch còn rất mới nhưng vẫn bị đánh rớt. Sau khi chịu khó tìm hiểu, các chủ xe tỏ ra “biết điều” với ĐKV mới được cho qua. Trong khi đó, nhiều xe tải, xe khách “bệnh tình” rất nặng nhưng do “bốc thuốc” từ trước nên dễ dàng được cho qua ngay từ lần đầu vào khám. Tài xế D. cho biết xe anh bị rơ nhíp, thắng yếu, rơ bạc đạn vào khám cả hai lần đều rớt. Trước khi vào khám lần 3, anh D. phải thông qua “cò” bồi dưỡng cho ĐKV 5 xị mới lấy được cái tem lưu hành.

Khi CSGT đang tăng cường kiểm tra, xử lý ôtô sử dụng còi hơi, thắng hơi không đúng quy định thì tại các trung tâm đăng kiểm lập tức tìm kiếm lỗi sai thiết kế bình thắng hơi (thay loại lớn hơn) và còi hơi để... hành cho ra tiền. Theo tìm hiểu, hầu hết xe tải, xe khách chạy tuyến đường dài đều sử dụng bình thắng hơi lớn hơn so với thiết kế và thay còi điện bằng còi hơi loại cực đại.

Biết được “bệnh” của các loại xe này, các ĐKV ra giá “chặt chém” rồi thản nhiên xác nhận “đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật”. Anh B., chủ xe tải 54N..., cho biết: “Nếu mấy tháng trước xe lên thắng (thay bình thắng hơi lớn hơn), lên còi chỉ đưa 5 xị là vui vẻ thì nay đội giá lên 2-3 chai (2-3 triệu đồng) chưa chắc họ chịu cầm”.

Ra giá

Tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, việc mặc cả, chung chi cho ĐKV không còn “ý tứ” hoặc thông qua “cò” như trước đây mà diễn ra công khai ngay tại nơi làm việc.

Sáng 29-6, chúng tôi lên một chiếc xe tải “nát” đến Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 50-04V để xét xe. Quan sát, chúng tôi thấy nhiều ĐKV rất “nhiệt tình” trong việc chỉ ra “bệnh” và trả treo giá cả với các tài xế, chủ xe. Một ĐKV nhìn “xác” chiếc xe lắc đầu chê: “Xe bệ rạc quá, lên thắng, lên vỏ sao mà đậu”. Thấy tài xế chưa hiểu ý, anh này mở đường: “Nếu xuống phanh (thay lại thắng cho phù hợp thiết kế) thì anh làm cho mày được ngay”.

Hỏi giá bao nhiêu, nhân viên này nói: “Mày đưa tao 500.000 đồng là làm cho mày từ A-Z, nhưng lệ phí tự đóng”. Qua kiểm tra, chúng tôi được biết nhân viên này tên Bình.

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03V (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) sáng 29-6, chúng tôi gặp anh P. đang chờ khám chiếc xe tải biển số 79H... Vừa đánh xe vào dây chuyền, một ĐKV bước đến giới thiệu tên Linh và nhanh nhảu ra giá 400.000 đồng. Anh P. khai thật: “Xe em lên thắng, lên vỏ lớn, vô xét là rớt chắc”. Linh nhẩm tính rồi hét: “Đúng ra lấy 2 chai nhưng chỗ anh em lấy anh chai rưỡi thôi. Nếu chịu thì sáng mai đưa xe đến khám vì hôm nay đang có thanh tra”. Linh cho số điện thoại và dặn: “Mai mốt vô xét gọi điện trước tui làm cho”.

Chiều 29-6, chúng tôi theo một chiếc xe tải đến kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-06V. Trong lúc kiểm tra xe, một ĐKV thông báo: “Xe ông lên mâm, lên vỏ, lên thắng. Tính sao?”. Tài xế phó thác: “Em biết lỗi rồi, tính giùm em”. ĐKV gợi ý: “Lần trước khám bao nhiêu?”, tài xế nói mới khám ở TP.HCM lần đầu nên không biết giá. ĐKV ra giá: “1,2 triệu. Được thì làm”.

Đăng kiểm tư nhân cũng “làm luật”

Theo số liệu, hiện cả nước có chín trung tâm đăng kiểm tư nhân. Riêng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có đến năm trung tâm đăng kiểm được các doanh nghiệp đầu tư. Ngay từ khi mới ra đời, nhiều người kỳ vọng các trung tâm đăng kiểm tư nhân sẽ giải tỏa áp lực cho các trung tâm đăng kiểm nhà nước và giải quyết được vấn đề tiêu cực. Thực tế cho thấy sau một thời gian hoạt động, các trung tâm đăng kiểm tư nhân đã gây quá nhiều tai tiếng trong hoạt động nghiệp vụ (kiểm tra không đúng quy trình, hạ thấp tiêu chuẩn, gây khó dễ, nhận tiền của chủ phương tiện, thực hiện sai quy định để thu hút khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh...) cũng như về khoản tiêu cực.

BgQMtW4k.jpgPhóng to

Nhân viên trạm đăng kiểm nhận tiền chung chi - Ảnh: Hoàng Khương

Chiều 30-6, sau khi bị đánh rớt tại một trung tâm kiểm định của nhà nước (do lỗi lên thắng, lên vỏ, không có số khung), tài xế xe tải 79H... được các đồng nghiệp tư vấn đưa xe ra Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (thuộc Công ty TNHH Quốc Tuấn, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) để khám định kỳ ba tháng/lần (xe có thời hạn sử dụng năm năm trở lại). Theo hồ sơ, chiếc xe này sản xuất năm 1990, đã qua nhiều năm “cày xới” khắp các tuyến đường Bắc - Nam. Một nhân viên đăng kiểm sau khi kiểm tra phần thắng và hồ sơ thực tế hỏi tài xế:

- Thay thắng có bản vẽ không?

- Dạ không.

- Không có sao làm được.

- Bó tay hả anh?

- Làm được nhưng giá cả như thế nào chứ bèo quá là không làm đâu.

- Bao nhiêu thì làm được anh?

- Vỏ làm 5 xị (vỏ sai thiết kế), thắng 3 xị nữa (thắng sai thiết kế), tổng cộng 8 xị. Giá bèo, nói để cho mày làm đó.

- Lấy mỗi cái 3 xị, tổng cộng 6 xị được không?

- Đúng 8 xị mới làm, không thì thôi. Giá cả thị trường vậy rồi.

- Thôi 7 xị đi.

- Không được...

Đến nước này tài xế đành phải cho xe vào chuyền để xét. Hai ĐKV chia nhau tìm số khung nhưng chẳng thấy. Một ĐKV nói: “Xe này đâu có số khung”. Tài xế phân trần xe cũ quá nên khung bị mục, mòn mất số. ĐKV nghi ngờ: “Có khi nào lấy xác xe khác thay thế vào không?”. Tài xế thề sống thề chết “không dám”. Sau một hồi tìm kiếm không thành, một ĐKV không đeo bảng tên xuê xoa “làm cho ông lần này”.

Quan sát, chúng tôi thấy hầu hết công đoạn thử thắng, khói, đèn... đều làm qua loa. Một ĐKV chê “thắng phụ yếu lắm” nhưng cũng ký cho qua. Vừa đánh xe ra khỏi dây chuyền, một nhân viên đăng kiểm đi theo ra xe hối thúc “lấy tiền đưa đây lẹ lên”. Sau khi nhận tiền, nhân viên này ra hiệu cho tài xế chạy đường phía sau trạm đăng kiểm (đường số 14 KCN Biên Hòa 2) chờ có người ra dán tem.

Tại đây chúng tôi thấy hai chiếc xe tải khác cũng lấp ló chờ người của trạm ra dán tem. Hỏi tại sao phải lén lút ra đây dán tem, anh nhân viên đăng kiểm trả lời “sợ thanh tra”. 30 phút sau, một nhân viên đăng kiểm bịt khẩu trang đi xe máy đến dán tem, giao sổ. Xong việc, anh này cộc lốc “cho 10.000 đồng”. Không có tiền lẻ, anh tài xế đưa luôn tờ 50.000 đồng.

Đình chỉ hoạt động 3 trung tâm đăng kiểm

Theo Cục Đăng kiểm, qua ba năm thực hiện đề án xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới, hiện có chín trung tâm được doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra mới đây đã phát hiện nhiều hành vi tiêu cực, thực hiện sai quy định để thu hút khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh... Cục Đăng kiểm đã đình chỉ chức danh 17 ĐKV, đình chỉ hoạt động ba trung tâm đăng kiểm để khắc phục sai phạm.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên