Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp đã trải qua hai năm. Đông đảo người Hà Nội đã tản cư về các vùng nông thôn và lên chiến khu.

Gặp một ông hàng phở tản cư ở Việt Bắc, Nguyễn Tuân nhớ: "Bấy giờ là mùa hè 48. Nắng lắm. Thèm cái bóng me và sấu lùm buổi sớm của dốc Hàng Kèn, những giờ đi đả phở tập thể" ("Người Hà Nội đi kháng chiến", báo Văn Nghệ số 15-16, tháng 10-1949).

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 1.

Tôi nhớ đến chuyện đó khi tham dự Liên hoan văn học châu Á ở Gwangju (Hàn Quốc). "Hồ sơ" văn chương của tôi là nhà văn viết về đề tài Hà Nội, bắt mạch với chủ điểm "Những tương lai cổ xưa: Câu chuyện của truyền thống và hiện đại" trong loạt chương trình do Trung tâm văn hóa châu Á tổ chức.

Tôi được người chủ trì phiên tọa đàm, nhà phê bình văn học Ko Myeungjo, người đã từng tới Hà Nội, hỏi về sự tiếp nhận những sự đổi thay của Hà Nội của mình ra sao? Tôi có tiếc nuối không?

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 2.

Bên phố đi bộ một đêm mùa thu 2024. Ảnh: Nguyễn Quang Minh

Tôi bắt đầu trả lời bằng cách liên hệ với Gwangju.

Vốn được biết đến như là một địa điểm lịch sử của phong trào đấu tranh dân chủ chống chế độ độc tài quân sự trong thập niên 1980, giờ đây Gwangju chuyển mình thành một trung tâm triển lãm và giao lưu văn hóa lớn không chỉ của Hàn Quốc mà còn tham vọng vươn ra châu lục.

Gwangju nổi tiếng vì một "truyền thống mới" nhưng 44 năm kể từ cuộc nổi dậy 18-5-1980, thành phố đã nỗ lực đi tìm một câu chuyện mới để kể. Họ không muốn người ta biết đến Gwangju chỉ có vậy.

Một trong những cách đó, là họ mời các nghệ sĩ, nhà văn khắp nơi đến trình bày những câu chuyện của thế giới đa dạng.

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 3.

Câu hỏi của nhà phê bình văn học Ko Myeungjo khiến tôi nhận ra về mặt tư duy truyền thông văn hóa, các chủ đề của Hà Nội vẫn như bị mắc kẹt ở việc diễn giải các giá trị quá khứ.

Những người thực hành văn hóa ở Hà Nội chưa có một hệ sinh thái chuyện kể mới hiện diện trên truyền thông. Trăm lần như một, Hà Nội cứ là phở, ngõ nhỏ phố cũ, nhà tập thể, quán nước vỉa hè...

Tôi từng yêu cầu một vài phóng viên đến phỏng vấn về "vẻ đẹp" của sinh hoạt buôn bán vỉa hè và hàng quà rong, cần thay đổi cách tiếp cận.

Có một quán tính hay sự lười biếng nào đó trong lối diễn giải giá trị của Hà Nội. Nói đâu xa, chính tôi từng thích nói và viết kiểu ấy, vì nó khớp với những trải nghiệm đã có về một Hà Nội nhiều phần chấp nhận hoàn cảnh:

"Cái thành phố lam lũ mà chải chuốt. Cứng cỏi mà đau xót. Hay nhớ và hay quên" (Viết lại một bài thơ Hà Nội - Lưu Quang Vũ).

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 4.

Vấn đề là các hình thức như vậy tựa như lớp bọt sóng phù du, không rõ đóng góp bao nhiêu vào các thiết chế cơ sở hạ tầng lẫn định chế vận hành đô thị.

Chính tôi cũng từng nghĩ các hình thức sinh hoạt như vậy phản ánh sự mềm hóa các quy trình hoạt động của đô thị và sự linh hoạt của một đời sống văn hóa năng động mà vẫn bảo lưu một kiểu sống đậm nét cộng đồng, làm thành một bản sắc riêng của Hà Nội.

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 5.

Khi đọc những cuốn sách của hai tác giả cùng tham gia liên hoan văn học từng được lọt vào chung khảo Man Booker International là Wu Ming-Yi (Đài Loan) và Eka Kurniawan (Indonesia), tôi có một thao tác là kết nối khung cảnh những tác phẩm của họ với thực địa đất nước họ mà tôi đã ghé thăm. Tôi không ngạc nhiên vì dữ liệu quá khứ đầy ắp trong các cuốn sách.

Đó là những quá khứ không thật sự dễ chịu và ngăn nắp theo mô hình quy hoạch lý tính.

Vì sao tôi lại thấy thích ngay, như cuốn Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành, tập truyện ngắn vừa mới dịch ra tiếng Việt, mà khi tôi xin chữ ký, Wu Ming-Yi đã bất ngờ vì đã có quá sớm?

Vì các câu chuyện gợi nhớ đến Hà Nội, trong cách tác giả xâu chuỗi và phục hồi lại các ký ức rời rạc về đô thị.

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 6.

Hay tại bởi sống ở Hà Nội cũng dễ chịu biếng lười theo kiểu của nó mà người viết như tôi chẳng hạn không có thôi thúc bên trong để vượt khỏi vùng an toàn của mình?

Nhưng có một câu chuyện khác. Khi mạng xã hội trở nên phân mảnh nhiều hơn, các ý kiến về Hà Nội cũng đẩy tới các giới hạn: ca ngợi thì ca ngợi quá, tô vẽ đến phi thực, tô vẽ bằng cả lời mô tả đầy khuôn sáo lẫn các hình ảnh được chỉnh sửa quá đà; chê bai thì cũng hết nhẽ, có khi lấn sân sang lăng mạ người sống ở Hà Nội.

Tôi ngao ngán và bị tổn thương, dù biết rằng ngôn ngữ mạng xã hội không phản ánh hết tâm thế xã hội ở đời thực.

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 7.

Điều đó cũng có vẻ có lý. Nhưng tôi nhận thấy mình rất dễ nghĩ đến Hà Nội khi đi xa. Ngay chính tôi, cũng đã nhắc tới văn Nguyễn Tuân và thơ Lưu Quang Vũ, hai tác giả đã làm nên chân dung Hà Nội một thời.

Tôi hiểu lý do mình dễ nói về những màu sắc và đường nét nhiều hoài niệm của bức chân dung ấy, là bởi nó dễ chạm vào cảm xúc đã được bồi đắp bằng ký ức.

Trong cuộc tọa đàm, khi nhà thơ Mông Cổ Ulziitugs chia sẻ câu chuyện về việc viết những câu thơ sau sự ra đi của người mẹ, tôi cũng nói về việc mình muốn viết cuốn tiểu thuyết về người cha quá cố của mình như một cách làm lành với quá khứ.

Khi ông còn sống, tôi chỉ biết ông như một người cha chức năng với những phận sự thuần túy mà không biết đến thế giới tâm hồn của ông. Tôi cảm thấy rất khó để nói chuyện quá ba câu với ông, băn khoăn tự hỏi liệu ông có điều gì buồn nản ở tôi chăng?

Nếu có đôi lúc ông hé mở thì tôi cũng đã không đủ đồng cảm để đi sâu hơn. Nhưng ông là người đã chở tôi đi vòng quanh Hà Nội trên chiếc xe đạp cũ khi tôi còn bé.

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 8.

Và giờ là mùa thu 2024. Mưa và gió heo may như đã hẹn tạt vào phố. Năm nay thành phố không bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô, ngày những nhà văn như Nguyễn Tuân trở về, viết tiếp câu chuyện về phở.

Cơn bão Yagi tháng trước đã quật đổ hơn 4 vạn cây xanh, trong đó 13.600 cây đường phố. Những câu chuyện của ngổn ngang phố xá cùng mất mát nhiều nơi vì lũ lụt đầy ắp lo âu về cơn bão giá sắp tới, ai còn bụng dạ lễ lạt hoài niệm.

Đó là một hiện tại. Người viết sẽ ghi lại những gì?

Làm lành với Hà Nội - Ảnh 9.
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN KHÁNH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0