09/05/2022 09:41 GMT+7

Làm kính thiên văn ‘khủng’ để dùng tia vũ trụ thăm dò đại kim tự tháp

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Các nhà khoa học đang lên kế hoạch phát triển một kính thiên văn công suất cao, qua đó có thể điều hướng các hạt vũ trụ nhằm tìm hiểu cấu trúc bên trong đại kim tự tháp Giza.

Làm kính thiên văn ‘khủng’ để dùng tia vũ trụ thăm dò đại kim tự tháp - Ảnh 1.

Quần thể kim tự tháp Ai Cập - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo NBC News (Mỹ), đây là nỗ lực mới nhất để khám phá những bí ẩn còn ẩn sâu trong đại kim tự tháp.

Sau hàng ngàn năm, giới khoa học và khảo cổ vẫn chưa hiểu tường tận mọi ngóc ngách trong lòng kim tự tháp hùng vĩ ở Ai Cập. Việc mô phỏng cấu trúc không gian bên trong một cách chính xác cũng là thách thức.

Tiến sĩ Alan Bross - nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Fermi (Mỹ) - cùng các cộng sự đã lên kế hoạch thiết lập một kính thiên văn công suất lớn.

Kính thiên văn sẽ quét qua kim tự tháp bằng các “hạt muon” - loại hạt năng lượng cao được tạo ra khi các tia vũ trụ từ bên ngoài không gian đi vào bầu khí quyển Trái đất.

Làm kính thiên văn ‘khủng’ để dùng tia vũ trụ thăm dò đại kim tự tháp - Ảnh 2.

Các hạt muon vào khí quyển Trái đất - Ảnh: ĐẠI HỌC SHEFFIELD

“Đó là một dạng bức xạ tự nhiên”, tiến sĩ Bross nói. “Các hạt muon vẫn đang liên tục 'xâm nhập' vào Trái đất nhưng ứng dụng loại hạt này vẫn còn khá hạn chế”.

Theo tiến sĩ Bross, các hạt muon vũ trụ có thể đi xuyên qua những vật thể rắn hiệu quả hơn tia X - loại tia thường được dùng để chụp X-quang. Vì vậy, các hạt muon có thể di chuyển vào bên trong của kim tự tháp, tương tác với các vật liệu như đất, gạch, đá, làm lệch hướng năng lượng và ánh sáng.

Theo dõi sự tương tác giữa hạt muon và các cấu trúc này có thể giúp nhóm nghiên cứu phác họa được những hình ảnh bên trong kim tự tháp, đặc biệt những vị trí bí ẩn mà trước nay các nhà khảo cổ chưa biết đến như các khoang, đường hầm, mật thất... 

Có thể hình dung kính thiên văn quét hạt muon cũng giống như đang chụp X-quang kim tự tháp, nhưng bằng hiệu suất mạnh và độ chính xác cao hơn.

Làm kính thiên văn ‘khủng’ để dùng tia vũ trụ thăm dò đại kim tự tháp - Ảnh 3.

Khám phá kim tự tháp bằng tia vũ trụ - Ảnh: PBS

Đại kim tự tháp Giza hiện lớn nhất trong quần thể kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại. Các nhà Ai Cập học nhìn chung đồng ý rằng kim tự tháp được xây trong khoảng thời gian 24 năm từ khoảng năm 2560 TCN.

Cao 140m và nằm trong danh sách 7 kỳ quan thế giới cổ đại, đại kim tự tháp hiện vẫn còn nhiều bí ẩn đang chờ được khám phá.

Năm 1960, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ Luis Alvarez lần đầu nảy ra ý tưởng dùng một loại tia vũ trụ để thăm dò kim tự tháp.

Theo Hiệp hội Vật lý Mỹ, nhóm của Luis Alvarez đã quét tia vũ trụ qua khoảng 19% diện tích kim tự tháp nhưng không tìm ra được những chi tiết nào mới như các hầm, khoang hay những vật thể lạ.

Hiện tại, tiến sĩ Alan Bross và cộng sự vẫn khá lạc quan về kế hoạch dùng hạt muon thăm dò kim tự tháp Giza của mình.

Nhóm của ông hiện đang kêu gọi tài chính từ những doanh nghiệp, tổ chức lớn ở Mỹ để sớm hiện thực hóa tham vọng này.

Lời giải nào cho bí ẩn xây dựng Kim Tự Tháp? Lời giải nào cho bí ẩn xây dựng Kim Tự Tháp?

TTO - Mới đây, các nhà khảo cổ học cho rằng đã có thể lý giải phần nào bí mật lớn nhất của Kim Tự Tháp: làm thế nào những người Ai Cập cổ đại có thể vận chuyển những khối đá cực nặng lên cao.

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên