Vậy tỉnh Bình Thuận sẽ đổi lại được gì khi hơn 600ha đất rừng phải "nhường" dự án này?
Vùng khô hạn nhất cả nước
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hồ chứa nước Ka Pet đã được phê duyệt, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) nằm trong vùng nhiều nắng, gió. Đây là khu vực khô hạn nhất nước, thời tiết diễn biến phức tạp. Mùa mưa thì ngập lụt, còn mùa khô dòng chảy rất nhỏ.
Các công trình thủy lợi ở khu vực hiện mới đáp ứng tưới khoảng 26% đất trồng cây hằng năm. Nếu chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, khu vực này đang thiếu khoảng 100 triệu/m3/năm.
Vì vậy để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô, việc xây dựng hồ Ka Pét để điều tiết nước trong năm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Dự án hồ chứa nước Ka Pét là công trình quy hoạch liên hoàn, có tính chất bổ trợ nguồn nước cho các công trình thủy lợi khác như: hồ Sông Móng, đập dâng Ba Bàu… để phát huy hết diện tích đất canh tác.
Dự án là một trong những công trình ưu tiên đầu tư theo chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Dự án còn nằm trong quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về lâu dài, hồ Ka Pét còn là nơi trung chuyển nước từ sông La Ngà về, bổ sung cho phía nam tỉnh Bình Thuận.
"Có tác động tiêu cực, nhưng tích cực vượt trội"
Vị trí của dự án nằm trên sông Ba Bích (còn gọi là sông Ta Da) thuộc hai xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Vùng lòng hồ là các thung lũng chi nhánh hai sông Ka Pét và Bà Bích.
Sự chuyển hướng của các dãy núi hai bờ sông chính và sông nhánh đã hình thành thung lũng tự nhiên rộng, thuận lợi tạo hồ chứa.
Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718ha, trong đó hơn 160ha là rừng đặc dụng. Tại thời điểm lập báo cáo, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn.
Hệ sinh thái khu vực dự án rất phong phú và đa dạng về số lượng loài. Tuy nhiên, dự án không ghi nhận loài thực vật nào quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Việc xây dựng hồ chứa, tác động chủ yếu là hệ thủy sinh và động thực vật trên cạn. Các loài thú động vật sẽ di chuyển qua các khu rừng lân cận, còn các loài thủy sinh sẽ bị suy giảm. Tác động này có thể diễn ra trong quá trình xây dựng và lâu dài sau này.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc xây dựng dự án sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, phân mảnh các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã. Quá trình xây dựng có thể tăng khả năng tiếp cận vào rừng của dân địa phương, dân săn trộm, công nhân…
Về lâu dài, mất rừng sẽ mang lại hệ lụy lớn như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất. Vì vậy, với dự án này cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và trồng rừng thay thế phù hợp.
"Việc tác động tiêu cực do chuyển đổi mục đích đất tại dự án là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn, như khắc phục hạn hán, thiếu nước trong mùa khô, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước thô cho sinh hoạt hoặc công nghiệp…", trích nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.
Diện tích trồng rừng thay thế gấp 3 lần dự án
Để hạn chế những tác động tiêu cực của dự án đối với hệ sinh thái, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp cho chủ đầu tư thực hiện như: bảo tồn rừng đầu nguồn để ổn định dòng chảy, dọn lòng hồ - quản lý nguồn thải.
Với diện tích rừng bị mất khi nhường lại cho dự án, chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù. Vị trí trồng bù lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam). Ưu tiên trồng các cây bản địa để tránh xáo trộn hệ sinh thái.
Tổng diện tích rừng trồng phải gấp 3 lần diện tích rừng của dự án. Phạm vi trồng thay thế có thể mở rộng vùng đất hoang hóa, đất sản xuất lâm nghiệp để bù lại đạt hiệu quả cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận