23/05/2021 11:10 GMT+7

Làm hàng chục nghìn đôi vớ từ sợi chai nhựa tái chế

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Re.socks chỉ là một phần trong ước mơ của Bình về một cộng đồng tiêu dùng xanh. Bạn đang ấp ủ nghiên cứu các sản phẩm khác như quần áo, ví, balô, túi xách... làm từ rác tái chế, hoặc từ các chế phẩm nông nghiệp như bã ngô, lá dứa...

Làm hàng chục nghìn đôi vớ từ sợi chai nhựa tái chế - Ảnh 1.

Hoàng Quý Bình (giữa) cùng các thành viên trong nhóm dự án Re.socks - Ảnh: BÌNH MINH

Với mong ước góp phần truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường, cách đây 7 tháng, Hoàng Quý Bình (26 tuổi) đã bắt tay thực hiện dự án táo bạo biến chai nhựa thành những đôi vớ. Đến nay, hơn 9.000 đôi vớ làm từ sợi chai nhựa tái chế được hình thành với hơn 27.000 chai nhựa có vòng đời ý nghĩa hơn thay vì bị thải ra môi trường.

Tái chế chai nhựa

"Rác được phân loại có thể trở thành tài nguyên quý giá. Chúng tôi muốn đưa thông điệp tái chế rác trở nên gần gũi, thiết thực và hiệu quả hơn bằng cách làm ra những chiếc vớ mà cộng đồng có thể sử dụng từ chính chai nhựa", Quý Bình chia sẻ.

Quy trình làm ra một đôi vớ thân thiện với môi trường bắt đầu bằng công đoạn thu thập chai nhựa, rửa sạch và loại bỏ tạp chất. Sau đó, các chai được cắt nhỏ, nung ở nhiệt độ nhất định để tạo thành các hạt nhựa. Cuối cùng, hạt nhựa này sẽ được kéo thành sợi polyester tái chế và dệt thành những đôi vớ.

Ngoài thị trường Việt Nam, sản phẩm đặc biệt trên còn đến với thị trường Anh và Úc. Để đảm bảo tiêu chí chất lượng dành cho sản phẩm may mặc cũng như chứng minh quy trình tái chế không gây tác động tiêu cực lên môi trường, Quý Bình cùng cộng sự mất nhiều tháng xin giấy chứng nhận quốc tế Global Recycled Standard (GRS) từ New Zealand.

"Nhiều người thường nghĩ đồ dùng tái chế thiếu an toàn. Chúng tôi nỗ lực xin giấy chứng nhận nhằm tạo sự an tâm, niềm tin ở khách hàng. Đồng thời, sản phẩm có thể xuất khẩu qua các nước khác", Bình nói.

Sau sản phẩm vớ làm từ chai nhựa tái chế, Re.socks tiếp tục cải tiến chất lượng với mẫu vớ dệt bằng sợi từ bã cà phê. So với "đàn anh" chỉ dùng cho dân văn phòng và học sinh, sinh viên ít phải vận động, loại vớ mới này có khả năng kháng khuẩn, hút ẩm cao, phù hợp với người chơi thể thao.

Cậu bạn thông tin mỗi sản phẩm ra đời mất khoảng 3 tháng để nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển. Nhờ ưu thế các thành viên trong nhóm đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật sinh, hóa, truyền thông... nên việc sản xuất và quảng bá sản phẩm ra cộng đồng thuận tiện hơn.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, Re.socks mới tổ chức được 2 sự kiện "Đổi chai nhựa lấy vớ tái chế". Với 6 chai nhựa, các bạn trẻ có thể đổi lấy một đôi vớ. Nhiều bạn tỏ ra bất ngờ khi biết những đôi vớ mềm, mịn lại được làm từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng.

Trần Lê Huỳnh Trang, sinh viên Trường đại học Văn Lang, bộc bạch: "Có người đặt vấn đề vớ tái chế sẽ không hút mồ hôi tốt như các loại vớ khác. Tuy nhiên, khi đã quyết định chọn vớ tái chế, tôi nghĩ ý nghĩa lớn nhất mà chúng ta mang lại chính là giá trị tích cực cho môi trường".

"Tôi mong các sản phẩm xanh của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến và chúng ta có thể xây dựng một nền thời trang bền vững hơn. Nếu biết cách sử dụng, mọi thứ xung quanh đều có giá trị.

Hoàng Quý Bình

Giấc mơ về tiêu dùng xanh

Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Quý Bình rẽ hướng sang làm những dự án cộng đồng. Đến nay, bạn đã sáng lập ra một số dự án bao gồm Câu lạc bộ Ngày mai tươi sáng (2014), Thư viện D Free Book (2016), Vườn cây chữa lành (2016), D Free Learning (2017), Green Life (2018), Nhà Nhiều Lá (2020) và Re.socks (2020). 

Sau khi sáng lập từ 6 tháng đến 3 năm, Bình chuyển giao dự án cho ban quản trị mới và lui về vị trí cố vấn. 

Hiện nay, tất cả dự án đều đang hoạt động, chủ yếu tại địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Hằng quý, Bình nhận báo cáo của từng dự án, theo dõi và đưa ra lời khuyên, hướng dẫn phù hợp cho ban quản trị.

Ý tưởng sáng tạo và cách làm mới là điều Bình luôn hướng tới. Trong một sự kiện đổi chai nhựa lấy vớ, nhiều bạn trẻ tham dự không khỏi ngạc nhiên trước trang phục của thành viên nữ trong ban tổ chức. Cô gái mặc chiếc áo tương tự áo dài, với màu xanh cốm mát mắt, dịu dàng. Đó là áo tấc, còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, áo lễ hoặc áo thụng - cổ phục Việt Nam.

"Ngày nay, rất ít người biết đến trang phục truyền thống thời xưa. Thông qua sự kiện, chúng tôi mong ngày càng nhiều người trẻ biết đến nét văn hóa của ông cha ta, có cơ hội tiếp cận và thấy được sự hấp dẫn, đa dạng của trang phục Việt Nam qua năm tháng", Quý Bình chia sẻ.

Re.socks chỉ là một phần trong ước mơ của Bình về một cộng đồng tiêu dùng xanh. Bạn đang ấp ủ nghiên cứu các sản phẩm khác như quần áo, ví, balô, túi xách... làm từ rác tái chế hoặc từ các chế phẩm nông nghiệp như bã ngô, lá dứa, phôi nấm, bã cà phê... Đồng thời, phát triển sản phẩm mang nhiều màu sắc của Việt Nam hơn như họa tiết về đời sống, lịch sử và văn hóa đất nước.

Kết hợp làm việc với chơi thể thao

Tại văn phòng ở đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), Quý Bình tận dụng chiếc bàn dài giữa phòng, mua thêm vợt, bóng và lưới, tạo sân chơi bóng bàn cho các thành viên trong nhóm thư giãn. Giờ làm việc vì vậy nhẹ nhàng và nhiều màu sắc hơn.

"Chúng tôi đề cao niềm vui và ý nghĩa trong công việc, biến nơi làm việc thành sân thể thao để mọi người giải phóng năng lượng, thoải mái, từ đó nâng cao hiệu quả lao động. Bất cứ lúc nào các bạn đều có thể nghỉ tay, chơi vài ván bóng bàn", cậu bạn tiết lộ.

Chàng trai... Chàng trai... 'biến rác thành tiền'

TTO - Làm các vật dụng tái chế từ rác thải không hiếm, nhưng để biến công việc ấy thành hướng khởi nghiệp cho lợi ích kinh tế cao và bền vững thì lại là chuyện khó.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên