14/07/2018 14:23 GMT+7

Làm giàu với thủy sản dưới tán rừng ngập mặn

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm TP.HCM vào năm 2010, cô gái xứ dừa Bến Tre - Trịnh Thị Ngọc Hiện lại chọn cho mình một ngã rẽ: lặn lội vào những cánh rừng ngập mặn để bắt đầu khởi nghiệp.

Làm giàu với hải sản dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 1.

Ngọc Hiện giới thiệu với khách du lịch về công việc của những người giữ rừng và những sản vật dưới tán - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đến giờ, cô gái tròn 30 tuổi đã làm chủ một công ty với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Trời hửng sáng, Ngọc Hiện vội chạy xe máy lên chợ huyện để mua sắm vài thứ đồ cần thiết trước khi chiếc vỏ lãi đưa hai vợ chồng cô vào sâu trong lõi ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

"Ở trỏng chưa có điện, chưa có nước sạch và cũng không có ai bán đồ gì cả nên phải chuẩn bị chu đáo, phải mua sắm những thứ cần thiết cho một vài ngày" - Ngọc Hiện vừa nói vừa đẩy chiếc vỏ lãi thoát khỏi bãi sình rồi chồng cô - anh Tấn Vàng - nổ máy chiếc vỏ lãi lao vun vút trên dòng sông Xẻo Lớn và nhanh chóng mất hút giữa màu xanh của rừng mắm, đước.

Điều quan trọng và thành công nhất của mô hình khởi nghiệp của Ngọc Hiện là ý thức bảo vệ môi trường và tư duy bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong quá trình khai thác.

Ông PHAN VĂN MÃI (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre kiêm chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre)

Sinh ra và lớn lên tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre - một huyện nằm trong đất liền nhưng Hiện sớm để ý đến những cánh rừng ngập mặn đang bị thiên tai và cả con người xâm hại ở các huyện biển của Bến Tre như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và cô mong một ngày được góp sức mình khai thác có hiệu quả và phục hồi những mảng xanh đó.

Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên môi trường Trường đại học Nông lâm TP.HCM, Ngọc Hiện tham gia cùng nhóm thực hiện dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và nộp đơn làm việc tại Trung tâm chuyển giao công nghệ - dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam).

"Chúng tôi vận động được nguồn vốn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tài trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Thạnh Phú. Đây là thời gian đánh dấu bước ngoặt cuộc đời và chặng đường khởi nghiệp của tôi.

Nhận thấy dưới các tán rừng ngập mặn không chỉ có thủy sản sạch phong phú mà cảnh vật còn đẹp nữa nên tôi lóe lên ý nghĩ: tại sao không giúp những người giữ rừng tăng thêm thu nhập bằng cách khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sẵn có, từ chỗ họ có thu nhập ổn định thì công việc giữ rừng cũng sẽ đảm bảo hơn" - Ngọc Hiện nói về niềm trăn trở ban đầu của mình.

Từ đó, ý tưởng "Kinh doanh với người giữ rừng" của cô ra đời và đoạt giải 3 cuộc thi "Dự án khởi nghiệp lần 2" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu khoảng 5 triệu đồng, Ngọc Hiện mua lại tôm, cá... của người giữ rừng với giá cao hơn giá thị trường từ 10-15% rồi bán lại kiếm lời.

Ban đầu bán cho những bạn bè quen biết, bán qua mạng xã hội và mới đây, sau khi thành lập Công ty AnFoods, hai vợ chồng cô đã bắt đầu mở rộng kênh phân phối vào những cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại TP.HCM.

Hiện giờ, mỗi tháng công ty cô cung cấp ra thị trường gần 2 tấn thủy sản sạch với doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Với khát khao của người khởi nghiệp trẻ, Ngọc Hiện cho biết tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn thu cho công ty cô và cho người giữ rừng, người dân có điều kiện bảo vệ, giữ rừng hơn.

Kinh doanh bằng cả tấm lòng

Khoảng 30 phút chạy vỏ lãi, bên dòng sông Xẻo Lớn, huyện Bình Đại xuất hiện những căn nhà lá lợp tạm của những người giữ rừng - đây vừa là nhà che nắng che mưa vừa là "đại bản doanh" của Công ty AnFoods do Ngọc Hiện làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Cạnh những dãy nhà lụp xụp của người giữ rừng, một dãy nhà mới được cất lên khá sạch sẽ, bài trí gọn gàng.

"Đây là homestay của công ty chúng tôi. Từ đầu năm đến nay, bình quân cứ hai ngày lại có một đoàn khách vào tham quan rừng ngập mặn và có một số đoàn đã ngủ lại trong rừng để trải nghiệm" - Ngọc Hiện nói.

Việc kết hợp du lịch và phân phối thủy sản sạch, theo Ngọc Hiện, có rất nhiều lý do. Nhưng lý do chính là muốn khách của mình tận mắt thấy quá trình bắt tôm, bắt cá hoàn toàn sạch của những người giữ rừng, vừa tăng thêm thu nhập cho những người giữ rừng khi chính họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch.

Ông Trương Văn Chín được Nhà nước giao khoán giữ 15 mẫu rừng ngập mặn. Nếu như trước đây thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng kể cả tiền coi rừng và tiền bán sản vật thì nay đã tăng lên khoảng 9 triệu đồng do giá bán cá, tôm cho Ngọc Hiện cao hơn trước.

"Hơn nữa, lâu lâu tôi lại chèo ghe chở khách du lịch đi tham quan rừng, đánh bắt thủy sản nên được thêm một khoản đáng kể" - ông Chín phấn khởi nói.

Theo Ngọc Hiện, bình quân mỗi người giữ rừng được Nhà nước giao khoán khoảng 10-20ha rừng và được trả khoảng 100.000 đồng mỗi năm trên mỗi hecta.

"Thu nhập đó là quá ít ỏi nên họ phải khai thác thêm thủy sản để bán. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là thủy sản họ khai thác là hoàn toàn sạch nhưng bán với giá như cá, tôm nuôi nên thu nhập tăng thêm không đáng kể. Từ đó, tôi nghĩ mọi cách để gia tăng thêm thu nhập cho họ" - Ngọc Hiện nói.

Ngoài việc làm trung gian bán thủy sản cho những người giữ rừng, Ngọc Hiện còn vận động họ tham gia chèo xuồng đưa khách du lịch vào rừng tham quan, tận tay bắt cá, tôm và nấu nướng ăn tại chỗ.

Ngọc Hiện cho biết hiện mạng lưới cung cấp nguồn lợi thủy sản cho công ty cô khoảng 20 người ở huyện Thạnh Phú và Bình Đại, đảm bảo nguồn hàng tươi sạch bán ra thị trường mỗi tháng lên đến vài tấn.

Là người học ngành quản lý tài nguyên môi trường, hơn ai hết, cô hiểu được nguồn tôm, cá rồi sẽ cạn kiệt nếu khai thác không đúng mức và môi trường sẽ bị hủy diệt nên song song với khai thác, cô đã vận động người giữ rừng thả những con cá, con tôm cỡ nhỏ.

"Bên cạnh đó, tôi đã nhờ các anh chị, thầy cô là những chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, thủy sản về những cánh rừng ngập mặn ở Bến Tre để nghiên cứu, đánh giá nhằm đưa ra phương án phục hồi những loài cá, tôm có nguy cơ cạn kiệt" - Ngọc Hiện cho biết thêm.

"Doanh nghiệp" nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh

TTO - Ở tuổi 33, không chỉ nuôi mình, Thoan đang hỗ trợ 4 người cùng cảnh ngộ tại một “doanh nghiệp” mà lương chủ bằng lương nhân viên và những người thuê trọ không phải trả tiền nhà.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên