15/06/2018 16:16 GMT+7

Làm giàu từ lươn biển sống

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Lần đầu tiên, ngư dân miền Trung áp dụng kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cho phép đưa thủy sản đánh bắt được ở Biển Đông cập bờ trong điều kiện còn sống.

Làm giàu từ lươn biển sống - Ảnh 1.

Tàu ĐNa 90938 trên đường ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt lươn sống - Ảnh: BÌNH PHÚ

Mô hình đánh bắt của anh em ngư dân Thái Vinh Ngộ và Thái Vinh Nhơn (trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là mang 100% sản phẩm còn sống vào bờ. Không những vậy, hai anh em này còn "xuất sống" lươn biển ra thế giới.

Ra khơi không mang theo... đá

Nếu đến cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) và nghe ai đó nghêu ngao lời bài hát "chế" ai ra khơi không mang theo... đá, đích thị đó là thuyền viên của đội tàu thế hệ mới do hai anh em ngư dân Ngộ - Nhơn quản lý.

Nhìn bề ngoài, con tàu ĐNa 90938 (công suất gần 1.000 CV) của anh Ngộ trông chẳng khác tàu vỏ gỗ là mấy. Nhưng khi bước lên tàu, sự khác biệt rõ rệt được thể hiện ở hệ thống dây nhựa chằng chịt nối vào khoang chứa phía trước.

"Đây là hệ thống chiếm 1/2 giá thành đóng tàu, biến nó trở nên đặc biệt hơn so với những con tàu khác. Bể nuôi cá này cho phép điều chỉnh nhiệt độ về tới 00C, có chức năng tương tự một tủ đông đá.

Đặc biệt hơn, nó còn cho phép bơm oxy và điều chỉnh các thông số nước" - anh Ngộ giới thiệu về con tàu không có khoang đá của mình.

Con tàu có công nghệ khá hiện đại này cũng có một phương thức đánh bắt khác thường. Tàu không có lưới, thay vào đó là hơn 1.000 chiếc lồng bẫy hình trụ dài gần 70cm, đường kính 25cm có khoét lỗ phía đáy.

Anh Ngộ giới thiệu đây là những chiếc lồng bẫy được chế riêng cho tàu đi câu lươn biển mà anh nhập về từ Hàn Quốc.

Làm giàu từ lươn biển sống - Ảnh 2.

“Lươn biển là loài sống ở tầng đáy, vậy nên khi đưa lên khỏi mặt nước phải thả vào bể nuôi. Nếu không thì lươn biển sẽ chết

Anh THÁI VINH NHƠN

Bỏ bờ xuống biển

Vốn là nhân viên ngành điện, nhưng cách đây 3 năm anh Ngộ bỏ ngang để đi học nghề câu lươn biển. Lý do khiến anh bỏ việc là vì bị "khiêu khích" bởi những đơn đặt hàng từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật...

"Gia đình tôi có nhà máy chế biến hải sản. Một thời gian dài bạn hàng liên tục hỏi về nguồn lươn biển với lời gợi ý rằng: "Có bao nhiêu lấy bấy nhiêu".

Nhưng , thậm chí cả nước, không ai có nghề này. Nếu tàu nào đi về có gom được cũng chỉ dăm ba con lươn chết do vô tình mắc vào lưới, nên chất lượng coi như bỏ. Đơn đặt hàng của đối tác phải là lươn sống" - anh Ngộ nói.

Thấy đầu ra quá "ngon ăn" nhưng nhiều ngư dân chịu thua, hai anh em Ngộ - Nhơn quyết định bỏ bờ xuống nước, chia nhau người mang cặp đi học nghề, người đi vay tiền đóng tàu. Anh Ngộ cơm đùm gạo gói sang Hàn Quốc "tầm sư học đạo" từ những tàu bẫy lươn ở TP cảng Incheon.

Kiến thức đạt đến chín muồi cũng là lúc chiếc tàu đầu tiên của gia đình được đóng xong. Anh háo hức cho tàu thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa. Những chiếc lồng bẫy lươn được cho cá nục, loại thức ăn ưa thích, để dụ lươn biển chui vào.

Tàu ra tới ngư trường, gần ngàn chiếc lồng bẫy thả theo dây xuống nước với độ sâu 800-1.000m trong 1-2 ngày rồi kéo lên thuyền.

Chuyến đi ấy, những chiếc bẫy kéo lên từ đáy biển cho hơn 1 tấn lươn... vàng rộp. Những ngư dân xưa nay quen tay lưới giữa trùng khơi cũng phải trố mắt vì lần đầu chứng kiến cảnh tượng này.

Lý do khiến nghề bẫy lươn trở thành mới mẻ đối với họ cũng vì người tiêu dùng trong nước không ưa chuộng, nên không ai chú tâm đánh bắt loại thủy sản ở tầng đáy. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước Đông Á, khi người dân xem lươn biển là một đặc sản.

Theo anh Ngộ, điểm mấu chốt và khó nhất của nghề này là phải đưa được lươn sống vào bờ.

"Lươn biển là loài sống ở tầng đáy, rất dễ chết, chỉ chịu được nhiệt độ 5-100C. Vậy nên khi đưa lươn biển lên khỏi mặt nước thì trong vòng một phút phải thả vào bể nuôi được điều chỉnh các thông số nhiệt độ, oxy, độ mặn thích hợp. Nếu không thì lươn biển sẽ chết" - anh Nhơn nói.

Làm giàu từ lươn biển sống - Ảnh 4.

Kiểm tra lồng bẫy trước khi ra khơi - Ảnh: TR.TRUNG

Xuất khẩu sống ra nước ngoài

Vì điều kiện bảo quản và phương thức đánh bắt khá mới nên sau mỗi chuyến đi biển khoảng 20 ngày, trung bình mỗi tàu mang vào bờ 1-3 tấn lươn khỏe mạnh. Sản lượng dù khiêm tốn so với các hình thức đánh bắt khác nhưng giá trị thương phẩm cao gấp nhiều lần so với cá mực.

Hiện gia đình anh Ngộ đang có trong tay đến 3 con tàu hiện đại chuyên nghề bắt lươn biển sống. Đây là những con tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên trong cả nước ra khơi nhưng không mang theo đá ướp đông hải sản.

Theo ngư dân, hiện mỗi ký lươn sống xuất đi Hàn Quốc có giá 9-10 USD. Như vậy chỉ cần 1 tấn lươn sống là giá trị mang về cao gấp 5 lần lươn chết.

Những chuyến đi biển thử nghiệm đầu tiên cuối năm 2016, dù ý thức được điều này nhưng ba con tàu của anh Ngộ vẫn không thể "thắng lớn". Nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm, nên khi tàu cập bờ "lươn chết nhiều hơn lươn sống".

Mang mẫu nước và mẫu lươn đến trung tâm kiểm định chất lượng thủy sản, kết quả cho ra là do mẫu nước còn tồn đọng nhiều loại tạp chất.

"Loài này nhạy cảm lắm, môi trường nước phải cực kỳ tinh khiết. Thành ra bể nuôi ngoài việc cần tẩy rửa sau vài chuyến biển còn phải được thay nước thường xuyên" - anh Nhơn rút ra bài học "tiền tỉ" sau nhiều vụ thất thu.

Gần hai năm làm quen với loại nghề mới. Giờ đây cứ mỗi chuyến ra khơi, khi vào bờ tàu nào cũng đầy ắp lươn sống loại lớn. "Trong quá trình đánh bắt nếu gặp phải lươn nhỏ, chưa đủ trọng lượng... tôi đều nói anh em thả xuống biển" - anh Nhơn nói.

Không những làm chủ kỹ năng đánh bắt trên biển, anh Nhơn còn làm chủ đầu ra cho sản phẩm của mình. Giờ đây, nguồn hải sản tươi sống của họ đã có mặt tại nhiều quốc gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến lãnh thổ Đài Loan...

Theo anh Nhơn, ban đầu lươn sống vào các nước này gặp khó vì phải chờ kiểm dịch. Nhưng khi đã có thương hiệu thì chỉ mất đúng 36 giờ, hàng đã đến tận tay đối tác.

Làm giàu từ lươn biển sống - Ảnh 5.

Những chiếc lồng bẫy lươn được thả xuống biển ngoài khơi xa của gia đình anh Thái Vinh Ngộ - Ảnh: BÌNH PHÚ

Trả lương "cứng" cho ngư dân

Ông Phạm Ba - ngư dân huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), người làm thuê trên tàu của anh Nhơn - cho biết do máy móc trên tàu đã hoàn thiện nên công việc trên biển tương đối nhẹ nhàng. Bản thân những ngư dân cũng làm quen với việc đọc hải đồ trên màn hình.

Hiện mỗi tháng, ông Ba cùng các ngư dân được chủ tàu bao lương "cứng" với mức hơn 12 triệu đồng.

Mô hình phát triển bền vững

Ông Nguyễn Lại, tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết đây là một hướng đánh bắt mới, hiện đại, phù hợp với tình hình hiện nay.

"Bởi lâu nay, ngư dân Việt có thói quen "gặp gì cào đó" khiến nguồn tài nguyên biển bị suy kiệt. Tôi nghĩ tương lai ngư dân phải áp dụng hình thức này, chứ không thể đánh bắt tràn lan.

Có như thế giá trị lao động của ngư dân mới được nâng lên, hải sản mới phát triển bền vững" - ông Lại nói.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên