31/01/2018 14:00 GMT+7

Làm giàu từ cây ăn quả

THẾ TRUNG
THẾ TRUNG

Một nhà máy chế biến cam ép, nhãn, chanh leo cô đặc vừa chính thức được khởi công hôm 25-1 tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La, mang lại hy vọng làm giàu cho bà con Vân Hồ và cả tỉnh Sơn La.

Làm giàu từ cây ăn quả - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (thứ 6 từ trái qua) cùng Lãnh đạo tỉnh Sơn La và Tập đoàn TH tại lễ khởi công nhà máy chế biến quả và nước ép quả công nghệ cao TH hôm 25-1

Hóa giải nỗi lo "được mùa thì mất giá"

Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, cho hay năm 2017 nguồn thu từ nông nghiệp chiếm xấp xỉ 30% tổng thu của tỉnh, lên đến 6.000 tỉ đồng. Với các tỉnh có thế mạnh thâm canh thì 6.000 tỉ đồng "không là gì", nhưng với một tỉnh miền núi địa hình bị chia cắt, nhiều đồi dốc như Sơn La, đó là một thành công.

Theo kế hoạch của tỉnh, tới năm 2020 quy hoạch đất dành cho nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái của tỉnh này sẽ tăng gấp 3, lên tới khoảng 120.000 ha. Khi đó, đầu ra cho trái cây Sơn La là một nỗi lo.

Thực tế ở Sơn La đã từng trải qua nhiều nỗi lo mở rộng sản xuất nhưng không có nơi tiêu thụ. Tháng 9-10 năm 2017, bà con huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được mùa bí đỏ. Với gần 200 ha bí cho hàng trăm tấn quả thu hoạch gần như cùng lúc, giá bí đỏ ở Sơn La đang từ 15.000 đồng/kg tụt nhanh chóng, có lúc xuống còn 1.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Sơn La rất xót xa. "Nếu bà con có kho bảo quản hay có nhà máy chế biến thì giá không rớt thảm hại như vậy. Chỉ sau mấy tháng, giá bí lại lên 18.000 đồng/kg nhưng không có bí mà bán. Có nhà máy chế biến mới thôi cảnh được mùa mất giá".

Làm giàu từ cây ăn quả - Ảnh 2.

Các cô gái Thái ở Lóng Luông vui mừng trong ngày khởi công nhà máy

Anh Tráng A Cao, bí thư chi bộ bản Hua Tát, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cho biết trước đây bà con chỉ biết trồng ngô, sắn cho năng suất rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân của dân bản chỉ dưới 10 triệu đồng/người/năm. Giờ bà con trồng thêm nhiều loại nông sản khác, thu nhập đã tăng lên 17 triệu đồng/người/năm.

Tất cả số thu này đều từ những loại cây mới được bà con trồng như bưởi, cam, chanh dây. Riêng hộ gia đình nhà anh Cao hiện đang trồng thêm hàng trăm gốc bưởi, chanh, cam… Dự kiến đến năm 2019 bắt đầu bói quả, khi đó nếu không có nhà máy, anh Cao lo cam lại mất giá như mùa cam ở Cao Phong năm nay, giá xuống thấp trên 10.000 đồng/kg so với năm 2016 - 2017.

Bởi vậy, khi nhà máy chế biến trái cây công suất 100 tấn nguyên liệu một ngày khởi công xây dựng, anh Cao vui mừng cho biết: "Có nơi tiêu thụ ổn định, chúng tôi mới có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả mà không lo sụt giá, tiêu thụ ở đâu".

Làm giàu từ cây ăn quả - Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bắt tay bà con

"Phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc quê hương"

Đây là điều bà Thái Hương, người sáng lập tập đoàn TH mong mỏi khi phát biểu tại Lễ Khởi công nhà máy chế biến quả và đồ uống hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH hôm 25-1.

"Tôi mong bà con phát triển các loại cây ăn quả đặc sản bản địa, vừa giữ được bản sắc của quê mình, của dân tộc mình vừa để làm giàu" - bà Hương chia sẻ.

Khí hậu Sơn La quanh năm mát mẻ và phù hợp nhiều loại cây ăn quả. Tại khu vực Mộc Châu, Vân Hồ đã trồng được cả những loài cây nhiệt đới và ôn đới. Hiện tỉnh Sơn La đã có kế hoạch tập trung vào 5 loại cây thế mạnh là cam, nhãn, xoài, chanh dây và sơn tra.

"Tôi rất mừng khi TH đầu tư nhà máy tại Vân Hồ, khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động trong 11 tháng tới, bà con Sơn La sẽ đỡ lo về đầu ra và chỉ tập trung vào sản xuất để trái cây thành phẩm đạt tiêu chuẩn về độ ngon và sạch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu" - bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội vui mừng cho biết.

Chọn công nghệ Đức

Nhà máy chế biến quả và nước quả công nghệ cao TH lựa chọn công nghệ của Đức.

Kỹ sư trưởng người Đức phụ trách công tác xây dựng nhà máy, cho hay công nghệ này có những ưu việt vượt trội như nhận diện được trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm ra lò tươi ngon.

Hiện nay Sơn La có những vùng trồng cây có múi và các loại cây như nhãn, xoài năng suất cao và cho trái chất lượng tốt, một phần do khí hậu ưu đãi, đất tốt và công nghệ ghép cây giống mới vào các giống xoài, nhãn, cam cổ truyền. 11 tháng nữa, bà con trồng cây ăn quả tại Sơn La sẽ có đầu ra cho sản phẩm rất ổn định, và lúc đó họ sẽ làm giàu ngay trên quê hương mình.

Tạo 1000 việc làm cho lao động Sơn La

Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh này đã hình thành được các vùng nguyên liệu rau, củ quả tập trung, an toàn tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã, trong đó các sản phẩm xoài, nhãn, chanh leo đã xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Úc, Mỹ.

Năm 2017 đã có trên 320 hộ trồng cây ăn quả (trong tổng số trên 1050 hộ) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Khi Tập đoàn TH đầu tư vào trồng và chế biến rau củ quả tại Sơn La, Sơn La và TH sẽ cùng phối hợp để phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng đầu tư nhà máy khoảng 1.200 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 1.000 người lao động và nhà máy sẽ chính thức cho ra mắt sản phẩm vào năm 2019 tới.

THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên