08/12/2022 18:15 GMT+7

​Làm giàu trên mảnh đất quê hương

KHÁNH MY
KHÁNH MY

Đồng Nai là một trong số các địa phương có hệ thống sông, rạch lớn bao quanh. Thế nhưng những năm gần nay tình trạng nước mặn xâm lấn đã dẫn tới một số nơi chuyển thành nước lợ. Trước thực trạng đó, người dân đã có những biến đổi, thích ứng phù hợp.

​Làm giàu trên mảnh đất quê hương - Ảnh 1.

Nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai

Nuôi hàu nước lợ trên sông Đồng Nai

Từ năm 2016 đến nay, nuôi hàu trên khu vực ngập mặn bắt đầu phát triển dọc theo các tuyến sông Thị Vải, Đồng Kho, Bà Hào, Gò Gia và các con rạch lớn trên địa bàn các xã Phước Thái, Long Phước (huyện Long Thành) và Phước An (huyện Nhơn Trạch). 

Đây là đối tượng nhuyễn thể dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Điều quan trọng là khu vực nuôi hàu thích hợp với những nơi có nguồn nước sạch, tránh nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, có dòng chảy nhẹ và nhiều sinh vật phù du là thức ăn tự nhiên của hàu.

Hiện nay, hai hình thức nuôi chủ yếu được bà con áp dụng trên khu vực này là nuôi bè và nuôi lồng chìm. Đối với hình thức nuôi bè, bè nuôi gồm một khung bằng gỗ, tre, kết nối với nhau bằng dây thừng và được làm nổi bằng phao. 

Mỗi bè có kích thước 4 x 10 m thường treo được khoảng 24 dây treo tấm fibrociment làm giá thể cho hàu giống bám vào. Ngoài ra, hàu giống còn được đưa vào các khay, rổ; được bọc lưới và treo vào các khung bè.

Với hình thức nuôi lồng chìm, người dân dùng can, phi nhựa, cây để làm giàn nổi trên mặt nước, sau đó hàu giống được thu hoạch từ các cọc trên bãi bồi, thả vào lồng nuôi. Lồng đặt ở độ sâu thích hợp, ít bị ảnh hưởng tầng đáy, yếu tố môi trường ổn định, nguồn thức ăn phong phú nên hàu sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao.

​Làm giàu trên mảnh đất quê hương - Ảnh 2.

Nuôi hàu trên sông Bà Hào, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch

Hàu giống tại sông Bà Hào, Đồng Kho, Gò Gia sinh sản quanh năm nhưng có hai mùa đẻ rộ là giai đoạn tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 âm lịch. Việc nắm bắt đặc điểm sinh học của hàu đã giúp người nuôi chủ động thả giá thể vào thời điểm số lượng con giống nhiều nhất nhằm thu hoạch được sản lượng cao nhất. Trung bình sau khoảng từ 17- 24 tháng nuôi là có thể thu hoạch.

Theo ông Võ Văn Lan, một người nuôi hàu cho biết: Hàu ăn lọc, thức ăn dựa vào nguồn sinh vật tảo, các chất lơ lững có sẵn trong nước nên không phải tốn chi phí thức ăn như nuôi tôm, cá. 

Người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Nuôi hàu nước lợ lớn nhanh, tỷ lệ thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Hiện tại, hàu loại 3 - 4 con/kg được thương lái thu mua từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hàu phát triển và cho thu nhập khá nên số lượng lồng bè nuôi hàu tăng khá nhanh

​Làm giàu trên mảnh đất quê hương - Ảnh 3.

Chăm sóc và kiểm tra chất lượng thịt hàu

Ông Trương Thanh Tâm, phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết: "Đối với nuôi hàu, trong thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều hộ nuôi tự phát dọc theo các tuyến sông Bà Hào, Gò Gia và các con rạch lớn. 

Hiện nay huyện đang xây dựng chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung định hướng vùng nuôi hào và nghiên cứu quy chế quản lý để nuôi thuỷ sản tại vùng ngập mặn trên địa bàn huyện không để đối tượng này phát triển tràn lan, gây ảnh hưởng đến giao thông thủy".

Kỹ sư trẻ nuôi tôm giống

Cơ sở của anh Nguyễn Tấn Lợi  ở ấp 4 xã Sông Trầu, H.Trảng Bom được biết đến là cơ sở duy nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chuyên sản xuất tôm càng xanh giống. Nhờ kiên trì bám trụ, cần mẫn với nghề, gia đình người kỹ sư trẻ đã phất lên với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2010, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, chàng kỹ sư trẻ về tiếp quản công việc  làm ăn của gia đình. Tự tin về kiến thức chuyên môn ở đại học, cùng với sự nhạy bén về tiềm năng của nghề sản xuất tôm càng xanh giống, anh Lợi đã mạnh dạn cải tạo các ao nuôi cá và chuồng nuôi heo của gia đình để chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh giống.

​Làm giàu trên mảnh đất quê hương - Ảnh 4.

Một trong các trại tôm giống của gia đình anh Nguyễn Tấn Lợi

Anh Nguyễn Tấn Lợi  cho biết: "Nói đúng ra con tôm càng ở đây là nuôi ngược vùng, xa vùng nuôi, xa vùng nước mặn, lý do là nhà có đất và nuôi heo, chuồng heo bỏ chống bỏ phí mình ương tạo từ từ rồi phát triển như bây giờ".

Thế nhưng khi bắt tay vào mẻ nuôi đầu tiên, anh Lợi đã thất bại. Không nản chí, anh đã tìm đến cơ sở sản xuất tôm giống ở Đồng Tháp để xin làm chân phụ việc và học hỏi kinh nghiệm. 

Cơ may đến với anh khi năm 2013, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 tại TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu thành công và giới thiệu giống tôm càng xanh toàn đực. Đây là loại tôm giống đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn cả chục lần so với làm giống tôm thường; kỹ thuật nuôi cũng khó hơn, rủi ro lại cao.

Không ngần ngại, anh Lợi sớm mua về nuôi thử. Thành công với giống mới, sau khi thu hoạch, giá tôm toàn đực này được khách hàng ưa chuộng và bán được giá cao hơn rất nhiều. Anh chia sẻ rằng mình may mắn khi tại địa bàn có nguồn nước ngầm nguồn khoáng, kiềm cao hơn các nơi khác nên con tôm nó chắc khỏe, phát triển tốt hơn.

Không chỉ trụ vững tại thị trường Đồng Nai mà đến nay cơ sở của anh Lợi còn xuất trở lại các tỉnh, thành vốn là vựa tôm, cá giống ở miền Tây, như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... Đặc biệt những tháng cao điểm từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 6, cơ sở của anh Lộc có thể sản xuất trên 15 triệu con giống đi nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Sau hơn 10 năm xây dựng, hiện cơ sở của anh Lợi có 6 trại dưỡng tôm giống với 120 bể ấp cùng 8 ao rộng 4 héc ta nuôi trên 40 ngàn con tôm hậu bị. Nhờ đó, nhiều năm qua, từ trang trại quy mô này, kinh tế gia đình của người kỹ sư trẻ ngày càng khấm khá và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

KHÁNH MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên