Anh là Lê Thanh Hải ở thôn Đồng Tâm, xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Phóng to |
Lê Thanh Hải làm giàu ngay trên vùng đất khô cằn của quê hương - Ảnh: Phước Tuần |
Được tín nhiệm Ngoài làm kinh tế giỏi, sau khi trở về địa phương lập nghiệp Lê Thanh Hải từng làm bí thư chi đoàn thôn Đồng Tâm, phó bí thư xã đoàn Nam Hóa, và mới đây Hải được luân chuyển sang công tác tại văn phòng Đảng ủy xã Nam Hóa. Tháng 12-2010, Hải được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của 2010. |
Từ thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) theo quốc lộ 12 ngược dòng sông Gianh chừng 45km thì tới xã Nam Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa. Vùng đất nằm sâu trong những dãy núi đá vôi sừng sững.
Thanh niên trong làng lớn lên lại bỏ xứ, kéo nhau vào miền Nam làm ăn. Hải cũng vậy, sau khi tốt nghiệp THPT theo bạn vào Bình Dương làm thuê kiếm sống suốt hai năm, sau đó về Huế vừa làm vừa học nghề sửa chữa điện tử, rồi lại ra Hà Nội quyết tâm làm giàu bằng nghề điện tử. Nhưng Hải lại thất bại và quyết định trở về vùng núi đá khô cằn ở quê hương lập nghiệp.
Về quê nhà, ban đầu Hải cũng lấy nghề sửa chữa điện tử làm kế mưu sinh nhưng ở vùng núi hoang vu, ít dân lâu lâu mới có đồ cần sửa. Suy nghĩ cách thoát nghèo, Hải chợt nghĩ đến 15ha đất vườn nằm dưới lèn núi đá khô cằn của gia đình có thể “làm nên chuyện”.
“Đi nhiều, tôi thấy ở đâu cũng có thể khai hoang trồng trọt, chăn nuôi. Điều quan trọng là cây trồng vật nuôi có phù hợp với mảnh đất và khí hậu không. Bởi thế mới đầu ngoài trồng 12 hecta rừng keo tai tượng, tràm hoa vàng, tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn trái như nhãn, cam tàu, chanh voi, vải thiều, bưởi... xen lẫn vào nhau. Rồi xây thêm chuồng nuôi heo, thả vịt, đào ao nuôi cá...”, Hải kể lại.
Nhằm lấy ngắn nuôi dài, Hải dành một khoảng đất trồng rau cải, sả, bông lý... hằng tháng lại có thứ đem ra chợ bán. Thu hoạch từ cây ngắn ngày, chăn nuôi heo, vịt đã giúp Hải có vốn để tiếp tục đầu tư bưởi, chanh tàu, cam voi, nhãn... Sau hai năm khai phá, mảnh đất hoang hóa được Hải biến thành một trang trại phì nhiêu đủ loại cây trồng và vật nuôi. Hải trồng thêm hơn 200 gốc tiêu, đào hai ao nuôi cá trắm, cá mè...
Cơ ngơi vững vàng
“Ở đây mùa hè khô cằn, nắng nóng nên dù tưới nước thường xuyên cũng phải để cỏ nhằm giữ ẩm cho đất. Mùa đông lại rét buốt suốt hơn hai tháng khiến cây chẳng ra trái nhiều. Khắc nghiệt vậy nên tôi trồng đa dạng loại cây, mỗi loại cho thu hoạch vài chục triệu đồng/năm nhưng nhiều loại gộp lại cũng nhiều. Trồng như vậy tránh rủi ro loại này mất mùa thì vẫn còn nhiều loại cây khác cho thu nhập”, Hải chia sẻ cách lập nghiệp của bản thân. Sắp tới Hải dự định khoanh rào vườn thử nghiệm thả nuôi heo rừng tự do ngay trong vườn và nuôi ba ba hoặc dế.
Gần năm năm lập nghiệp, Hải đã biến vùng đất chết của quê hương thành cơ ngơi trang trại lớn với 12ha rừng keo, tràm hoa vàng đang chuẩn bị thu hoạch cùng 3ha trái cây, 6ha ao cá và chuồng trại. Với trang trại của mình, hằng năm Hải giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương cùng hơn 40 lao động theo mùa vụ. Sự thành công của Hải đã giúp nhiều thanh niên địa phương nhận ra có thể làm giàu ngay trên mảnh đất khô cằn của quê hương.
“Lập nghiệp ở nông thôn cái chính là phải kiên trì, chịu khó. Mình phải nhẫn nại đợi chờ thành quả sau nhiều năm chứ không thể thành công liền. Chịu khó tìm hiểu kiến thức về chuyên môn cây trồng, vật nuôi để biết cách phòng bệnh, tránh rủi ro trong sản xuất. Có ý chí chắc chắn ắt thành công”, Hải chia sẻ bí quyết của bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận