12/10/2023 15:48 GMT+7

Làm gì sau vụ doanh nghiệp hủy mua đu đủ của nông dân?

CHÍ TUỆ
và 1 tác giả khác

Từ vụ việc doanh nghiệp hủy mua đu đủ của nông dân ở Nghệ An, người dân mong muốn làm sao để liên kết bền vững, hạn chế 'bẻ kèo'.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: C.TUỆ

Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: C.TUỆ

Nội dung này được một nông dân đặt ra tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 8 với chủ đề Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, do Trung ương Hội Nông dân tổ chức sáng 12-10.

Làm thế nào để các hợp đồng liên kết có giá trị hơn?

Cụ thể, nông dân Nguyễn Kim Thành - giám đốc Hợp tác xã Trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước) - cho biết hợp tác xã có quy mô 20ha, sản lượng măng tre tươi đạt 750 tấn/năm, măng tre khô đạt 650kg/năm.

"Chúng tôi hiện đã xây dựng lò sấy, nhà kho với kinh phí trên 1 tỉ đồng và đang có kế hoạch mở rộng thêm quy mô sản xuất về diện tích, đầu tư thêm máy móc hiện đại.

Tuy nhiên, qua truyền thông chúng tôi thấy có sự rạn nứt, 'bẻ kèo' của doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến dù đã ký kết hợp đồng hợp tác, bao tiêu sản phẩm.

Mới nhất là trường hợp đu đủ của bà con nông dân ở Nghệ An bị chín rụng gốc, không được doanh nghiệp thu mua. Dù sau đó doanh nghiệp có khắc phục, hỗ trợ, song ít nhiều vẫn làm mất niềm tin của người dân trong chuỗi liên kết này" - ông Thành nói.

Từ vụ việc trên, ông Thành đặt câu hỏi làm thế nào để các hợp đồng liên kết có giá trị hơn, tạo niềm tin vững chắc giữa nông dân với doanh nghiệp trong mối liên kết thông qua các hợp tác xã.

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn - Ảnh: C.TUỆ

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn - Ảnh: C.TUỆ

Hạn chế hợp đồng chỉ mua và bán

Trả lời câu hỏi của ông Thành, ông Lê Đức Thịnh - cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết về mặt pháp lý, nghị định 98-2018 của Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hạn chế đôi bên, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể "bẻ kèo".

Ví dụ trong liên kết các bên doanh nghiệp và hợp tác xã cùng đồng hành đầu tư, khi hai bên không chỉ có mua và bán thì hợp tác sẽ bền chặt hơn, cho nên trong nghị định 98 luôn luôn có nguyên tắc trong liên kết hợp tác là hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ, chứ không hạn chế hợp đồng mua bán.

"Tất nhiên không phải cái gì cũng tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ, nhưng chức năng của hợp tác xã là sản xuất nguyên liệu, khi bắt đầu từ gieo giống đến chăm sóc, thu hoạch nếu như có quy trình do doanh nghiệp đặt hàng, đủ tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí hướng dẫn về kỹ thuật, đầu tư một phần giống, vốn thì hợp đồng sau này sẽ không bị 'bẻ kèo'. Đây là yếu tố quan trọng nhất" - ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng cho biết trong Luật Dân sự, cũng như nghị định 98 có đưa ra các pháp chế chống bẻ kèo. Ví dụ như xử phạt hoặc vận động hòa giải, thế nhưng những yếu tố đó rất hạn chế, khi đưa ra pháp luật vấn đề theo đuổi tòa rất khó.

Giải pháp quan trọng nhất, đó là đồng hành với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hạn chế chỉ ký hợp đồng mua và bán, bởi khi có yếu tố giá gần như không kiểm soát được, còn khi thực hiện yếu tố liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ có nhiều giải pháp để gắn kết với nhau hơn.

Trên thực tế hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thí điểm mô hình về phát triển vùng nguyên liệu, trong đó tổ chức lại sản xuất, nông dân, đại diện cho hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và Nhà nước, các cấp, tổ chức cung cấp dịch vụ công cho các chuỗi giá trị này, kể cả các vấn đề cung cấp mã số vùng trồng, vay vốn tín dụng…

Các hợp tác xã phải đổi mới cách nghĩ, cách làm

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái gợi mở, đặt ra 8 nhiệm vụ giải pháp để Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, phó thủ tướng đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp.

"Hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng..." - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng giao Hội Nông dân Việt Nam khẩn trương trình đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Nội dung đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia, phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.

Trong đề án phải đề xuất các giải pháp để "gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Ảnh: C. TUỆ

Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Ảnh: C.TUỆ

Phó thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã.

"Các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu OCOP..." - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nông dân khốn khổ vì doanh nghiệp Nông dân khốn khổ vì doanh nghiệp 'bẻ kèo' thu mua lúa

TTO - Hàng trăm hécta lúa đông xuân của nông dân huyện Phú Tân, An Giang bị doanh nghiệp bẻ kèo khiến bà con khốn khổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên