Những lần thức giấc giữa đêm thường chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra quá thường xuyên trong một đêm, hoặc khiến bạn khó ngủ lại, đó có thể là một vấn đề.
Vì sao bạn thức giấc nửa đêm?
Trang CNN dẫn lời tiến sĩ Brandon Peters-Mathews, nhà thần kinh học của trung tâm Virginia Mason Franciscan Health ở bang Seattle (Mỹ), cho biết cấu trúc giấc ngủ gồm bốn giai đoạn mà mọi người trải qua trong đêm, với khoảng thời gian từ 90 đến 120 phút.
Chu kỳ bắt đầu bằng giấc ngủ nhẹ, chuyển sang giấc ngủ sâu hơn, và sau đó là giấc ngủ sâu nhất xảy ra ở giai đoạn thứ ba, thường được gọi là "giấc ngủ sóng chậm", Peters-Mathews nói. Trong giai đoạn thứ tư, được gọi là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), hoạt động của não đạt đến mức gần như hoạt động bình thường khi thức. Sau giai đoạn này, mọi người thường thức dậy một cách tự nhiên, và một khi họ ngủ lại, chu kỳ mới lại bắt đầu.
Peters-Mathews cho biết: "Bởi vì chúng ta có xu hướng đi ngủ vào cùng một thời điểm hàng đêm và các chu kỳ này có độ dài gần như nhau, nên chúng ta có thể thức dậy vào cùng một thời điểm trong đêm".
Hầu hết những lần thức giấc này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và dễ quên, nhưng "có thể có một hoặc hai chu kỳ trong đêm mà chúng ta thức dậy, nhìn đồng hồ và nhận thức được thời gian".
Làm sao để ngủ ngon hơn?
Tiến sĩ Michelle Drerup, giám đốc chương trình Thuốc ngủ hành vi tại Phòng khám Cleveland, cho biết việc thức dậy nhiều lần trong đêm thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của một người, miễn là việc ngủ lại xảy ra trong vòng khoảng 5 đến 10 phút.
Mặt khác, khi mọi người thấy mình thức dậy nhiều lần trong vòng một giờ, điều đó có thể khiến chu kỳ giấc ngủ bị ngắt quãng và chúng ta không có giấc ngủ sâu. Những lần thức giấc thường xuyên này có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ hoặc tiểu đêm.
Khi mọi người thức dậy vào ban đêm một cách tự nhiên, họ có nhiều khả năng nhớ điều đó xảy ra vào nửa sau của đêm. Đó là khi mọi người thường có giai đoạn REM dài hơn, giấc ngủ nhẹ, trong khi nửa đầu của đêm có những giai đoạn ngủ sâu dài hơn.
Peters-Mathews cho biết phản ứng cảm xúc của một người đối với việc thức giấc nửa đêm thường có thể đặt ra những thách thức. Họ có thể phát triển chứng mất ngủ thứ phát nếu phản ứng khi thức giấc khiến họ tỉnh táo kéo dài, thay vì nhanh chóng ngủ lại.
Một số lời khuyên để có giấc ngủ ngon hơn bao gồm lên lịch cho giấc ngủ, tạo thành thói quen nghỉ ngơi vào cùng một thời điểm. Tránh ngủ trưa quá lâu và kết hợp nhiều phương pháp thư giãn để dễ chìm vào giấc ngủ. Hãy bổ sung magie, canxi và kẽm vào chế độ ăn uống để giúp hệ thần kinh thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ, đồng thời tránh ăn quá muộn.
Bên cạnh đó, hãy điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, tắt tất cả các thiết bị điện tử và đồng hồ báo thức nếu có thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc đặt báo thức có thể khiến bạn "mặc định" sẵn giờ thức dậy, gây cản trở tâm lý thoải mái để có giấc ngủ sâu.
Cuối cùng, hãy làm dịu các giác quan trước khi đi ngủ. Đó là những cảm giác thanh thản, yên tĩnh, nhẹ nhàng và êm dịu. Thiền định là một trong những phương pháp giúp đưa tâm trí và cơ thể bạn trở về trạng thái tĩnh lặng, tạo điều kiện cho giấc ngủ ngon. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hãy chỉ sử dụng phòng ngủ cho việc nghỉ ngơi và thư giãn.
Tránh đặt tivi hoặc bàn làm việc trong phòng ngủ. Đây là các yếu tố có thể khiến bạn khó lòng chìm vào giấc ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận