Hãy cho bản thân một cơ hội ở vị trí vừa được giao - Ảnh: SKU Food
Ngoài những người rời đi vì lý do sức khỏe và bị cắt giảm nhân sự, nhiều người có ý định nghỉ việc ngay sau khi vừa được tuyển dụng. Một cuộc khảo sát từ nền tảng tuyển dụng Jobvite cho thấy 30% nhân viên mới rời bỏ công việc của họ trong vòng 90 ngày đầu tiên kể từ khi được tuyển. Vì sao lại như vậy?
43% người được hỏi nói rằng vị trí của họ không đáp ứng được kỳ vọng mà công ty đặt ra, 34% gặp phải những sự cố cụ thể khiến họ không thể tiếp tục công việc, và 32% đổ lỗi cho văn hóa công ty không phù hợp. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn xin nghỉ, điều quan trọng là việc suy nghĩ kỹ chuyện gì đang khiến bạn không hài lòng?
Dưới đây là một số bước giúp bạn xác định động lực để đi tiếp.
1. Hãy nghĩ về lý do khiến bạn thất vọng với vai trò mới
Dành thời gian suy ngẫm về nguồn gốc của sự thất vọng cho phép bạn tránh lặp lại những sai lầm trong tương lai. Hãy bắt đầu bằng cách lập danh sách những gì bạn được hứa hẹn khi nhận vai trò mới, sau đó đánh dấu hoa thị cạnh những gì không thực sự xảy ra. Tiếp đến, ghi chú cách có thể khắc phục được.
Ví dụ, nếu được hứa hẹn bạn có thể rời văn phòng sớm để đến lớp cao học buổi tối nhưng thực tế chưa cho phép, hãy thử trao đổi với công ty và đề nghị được vào làm sớm, ra về sớm. Mạnh dạn thương lượng, miễn là bạn đảm bảo tiến độ công việc và thể hiện tinh thần hợp tác. Ưu tiên hàng đầu của bạn nên là tìm cách sửa chữa những trục trặc, thay vì từ bỏ.
2. Cho bản thân một cơ hội ở vị trí vừa được giao
Bắt đầu một công việc mới có thể rất thú vị, nhưng sau đó thực tế ập đến, những khó khăn khiến mình dễ nản lòng: đồng nghiệp mới mà bạn từng kỳ vọng tỏ ra không thích bạn; áp lực công việc nhiều hơn mà bạn chưa chuẩn bị sẵn tinh thần... Dừng lại có vẻ là lựa chọn khiến bạn thấy thoải mái nhất lúc này.
Tuy nhiên, đừng vội đưa ra quyết định. Hãy cố gắng nhìn về tương lai, nghĩ xem bạn có thể đi đến đâu nếu như thực hiện thành công vai trò mới. Trong một vài tháng, nếu vẫn cảm thấy tình hình không cải thiện thì lúc đó bạn có thể cân nhắc đến việc xin nghỉ.
3. Trò chuyện chân thành và cởi mở với cấp trên
Khi trò chuyện, hãy lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận. Thể hiện sự bất mãn hay cho rằng sếp cố tình gây khó dễ sẽ không giúp ích gì cho sự nghiệp của bạn. Nếu vấn đề nằm ở cấu trúc công việc, hãy nghĩ về những lĩnh vực mà bạn có thể đóng góp giá trị và yêu cầu được tham gia các mảng này. Đừng ngại nói với sếp về cảm giác của bạn, nhưng hãy có một đề xuất hay giải pháp xử lý chứ đừng than vãn hay trách móc.
Cuối cùng, ngày nào bạn còn ở lại công ty, hãy làm tốt công việc của mình. Đừng quên rằng bạn vừa nhận việc và trong lúc tìm cách sắp xếp những vấn đề đang gặp phải, bạn vẫn cần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bạn có thể gặp khó khăn khi không tìm thấy động lực, nhưng hãy cố gắng hết mức có thể thay vì lơ là và hành xử như thể bạn chắc chắn sẽ nghỉ. Hãy nhớ, dù tiếp tục làm hay nghỉ việc thì bạn đều cần giữ gìn uy tín của mình, nhất là khi hiện nay các công ty đều có mạng lưới nhân sự quen biết nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận