12/02/2020 13:45 GMT+7

Làm gì khi học sinh đi học lại?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Nhiều tỉnh, thành dự kiến sẽ cho học sinh các cấp đi học lại từ ngày 17-2. Với các phụ huynh, nỗi lo trông con lúc nghỉ học tạm khép lại, nhưng mở ra nỗi lo mới: đi học có an toàn, có bắt nhịp kịp sau một kỳ nghỉ dài?

Làm gì khi học sinh đi học lại? - Ảnh 1.

Rửa tay là biện pháp quan trọng trong việc phòng chống dịch corona. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM rửa tay trước bữa ăn trưa - Ảnh: H.HG.

ThS.BS Lê Hồng Nga (trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về cách phòng chống corona trong nhà trường ở TP.HCM về những việc các trường học cần làm khi học sinh đi học lại:

Trước khi học sinh đến trường: Rà soát lại tất cả các bồn rửa tay, đảm bảo đủ xà phòng, bồn rửa và nước sạch cho học sinh rửa tay; củng cố lại các hoạt động kiểm soát bệnh trong trường học; đảm bảo phát hiện sớm trẻ bệnh để kịp thời cách ly; chuẩn bị nội dung truyền thông cho học sinh, giáo viên, nhân viên. 

Học sinh, giáo viên, công nhân viên trường học có đi Trung Quốc về phải cách ly trong vòng 14 ngày. Mỗi trường học cần bố trí khu riêng tại trường để kịp thời cách ly khi phát hiện trẻ bệnh trong giờ học.

Khi học sinh đến trường: Ngày đầu tiên trẻ đi học lại, các trường cần nhanh chóng tổ chức truyền thông về bệnh corona. Tổ chức thực hành thao tác rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách cho tất cả học sinh, giáo viên, nhân viên. Vệ sinh hằng ngày bằng chất khử khuẩn. 

Riêng đối với những trường hợp học sinh, giáo viên, nhân viên bị viêm hô hấp (sốt, ho, khó thở...) thì không được đến trường cho đến khi hết triệu chứng, đồng thời phải thông báo cho ban giám hiệu nhà trường

ThS.BS Lê Hồng Nga (trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)

Sau những ngày nghỉ dài, hiện nay tâm lý chung của học sinh là mong được quay lại trường, lớp. Thế nên, chỉ cần các bậc phụ huynh tạo thêm một "cú hích" để niềm mong mỏi ấy biến thành hành động: giảm bớt thời gian xem tivi, chơi game của con. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy khuyến khích và cùng con ôn tập lại bài học của từng môn học. Sau đó là rèn thói quen ăn, ngủ nề nếp như hồi đi học với thời điểm ăn uống, ngủ nghỉ càng gần với nhịp sinh hoạt ở trường càng tốt

TS Phạm Thị Thúy (chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

Một cán bộ Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên trong những ngày nghỉ này, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con em ôn tập bài vở, củng cố kiến thức đã học. Mỗi ngày chỉ cần 30-40 phút là đủ. 

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tập cho con làm quen với thời gian biểu đi học, ví dụ buổi sáng dậy sớm và ăn sáng tại nhà; sau đó thì đọc sách, làm việc nhà, ôn bài... Bữa trưa sẽ diễn ra đúng như giờ ăn ở trường tiểu học. Hãy cho các em bắt nhịp lại cuộc sống của học sinh bằng việc dọn dẹp góc học tập, sắp xếp lại tập vở, xem lại những bài đã học...

"Quan trọng hơn, phụ huynh cần nhắc con và dạy con về cách phòng chống dịch bệnh corona bao gồm việc đeo khẩu trang cho đúng cách, rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, giữ vệ sinh thân thể, không ăn chung thức ăn với bạn" - vị này nhấn mạnh.

Vẫn còn băn khoăn

"Lần đầu tiên hai đứa con tôi được nghỉ Tết nhiều như thế: sau 16 ngày nghỉ tết như quy định thì UBND TP.HCM đã cho học sinh nghỉ thêm 2 tuần nữa - đúng 1 tháng. Những ngày tết tôi không có ý định kèm cặp, ép buộc con vào khuôn khổ mà để con được thoải mái vui chơi, ăn ngủ. 

Những ngày nghỉ để tránh dịch corona thì ba mẹ phải đi làm, để hai đứa nhỏ ở nhà với ông bà. Có bữa tôi gọi điện về mới biết 12h trưa hai cháu mới ngủ dậy. Tôi lo cứ đà này thì làm sao các con đi học được đây?" - chị Nguyễn Tuyết Mai, phụ huynh có hai con đang học tiểu học ở Q.3, TP.HCM, chia sẻ.

Đến nay, cả hai con tôi đều mong được đi học lại. Chúng nói nhớ thầy cô, nhớ các bạn lắm rồi. Nhưng tôi và nhiều bà mẹ khác trong lớp của con vẫn lo lắng lắm. Thị trường đang khan hiếm khẩu trang và nước rửa tay, vậy khi học sinh đi học lại, UBND TP.HCM có đảm bảo mỗi trường đều được trang bị đầy đủ khẩu trang và nước rửa tay cho học sinh hay không?

Chị Nguyễn Tuyết Mai, phụ huynh có hai con đang học tiểu học ở Q.3, TP.HCM

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Vững, phụ huynh có con đang học lớp 8 ở Q.1, TP.HCM, lại băn khoăn: "Hội phụ huynh trường tôi còn cho biết máy đo thân nhiệt hiện cũng đang khan hàng, nhiều trường muốn mua mà không mua được. 

Thế thì các trường có đảm bảo rằng 100% học sinh sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp hay không? Còn nữa, tôi đọc báo thấy các bác sĩ lưu ý máy đo thân nhiệt mà bấm liên tục thì sẽ không chính xác. Như vậy, nếu có trang bị thì phải mua ít nhất mỗi lớp từ 5-7 cái mới đủ".

Tương tự, chị Bùi Thu Hương, phụ huynh ở Q.Tân Bình, lo lắng: "TP.HCM đã cho học sinh nghỉ 2 tuần để phòng tránh dịch corona. Đây cũng là 2 tuần để các trường rà soát, nắm được tình hình những học sinh, giáo viên nào có tiếp xúc với thân nhân ở vùng dịch về hoặc đi chơi ở vùng dịch về thì cách ly 14 ngày. 

Nhưng tôi vẫn chưa hết lo lắng khi hằng ngày đọc báo vẫn thấy số người nhiễm và số người chết vì corona tăng lên. Tôi đề nghị trước khi cho học sinh quay lại trường, ngành GD-ĐT cần thông báo cho phụ huynh biết một cách cụ thể rằng nhà trường đã làm gì và sẽ làm gì khi đón học sinh. Cái chính là phải phát hiện sớm nhất học sinh, giáo viên có nguy cơ bị nhiễm corona để cách ly kịp thời, tránh lây lan từ người này sang người khác".

Rèn con vào quy củ

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên tiểu học ở Q.Phú Nhuận, kể: "Thường sau những ngày nghỉ tết, đa số học sinh quay trở lại trường với khuôn mặt ngái ngủ vì đêm hôm trước thức khuya, sáng hôm sau lại phải dậy sớm đi học. 

Do vậy, nhiều em ngồi trong lớp mà ngáp ngắn ngáp dài. Hỏi đến bài vở thì các em quên trước quên sau do nghỉ ở nhà toàn xem tivi và chơi game, đâu có đụng đến bài vở. Thậm chí, có em còn sụt cân thấy rõ, người uể oải, mệt mỏi vì ở nhà ăn uống thất thường. Tôi hỏi thì có em giải thích: "Vì con ngủ đến 11h trưa mới dậy nên không ăn sáng". Như thế, mỗi ngày em chỉ ăn hai bữa. Khi sức khỏe không tốt thì học sinh rất dễ nhiễm bệnh".

Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn

TTO - Lo ngại sự lây lan dịch bệnh do virus corona, nhiều trường học sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn phát cho nhân viên, sinh viên và người dân. Việc này gây ra ý kiến trái chiều.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên