5 nguyên tắc giúp cha mẹ trở thành những phụ huynh tâm lý - Video: TRỌNG NHÂN
"Tôi từng nghe một đứa trẻ nói ước mơ là trở thành... Phật. Thường cha mẹ khi nghe con nói vậy sẽ choáng váng ngay. Hoặc khi trẻ muốn trở thành lính cứu hỏa, nhiều cha mẹ phản ứng rằng nghề này nguy hiểm, nghèo lắm...".
Đó là chia sẻ của diễn giả Trần Đăng Khoa về những ước mơ "khó đỡ" của trẻ em mà nhiều cha mẹ phải ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, chấp nhận ước mơ của con là một trong 5 nguyên tắc được ông Khoa đặt ra trong buổi talkshow Trở thành cha mẹ tâm lý diễn ra tại Summer Camp của Trường quốc tế Bắc Mỹ, TP.HCM ngày 4-5.
Nguyên tắc 1: Chấp nhận con
Trẻ em luôn mong nhận được sự chấp nhận của những người xung quanh, nhất là từ cha mẹ mình, do đó phụ huynh tâm lý cần chấp nhận những cá tính, những khác biệt của con cái trong những năm tháng tuổi thơ.
Khi dưới 10 tuổi, trẻ em thường có nhiều mơ ước - có khi đời thường, có khi rất phi thực tế - tuy vậy, dù có "viển vông" đến đâu thì cha mẹ cũng nên nâng niu từng ước mơ của con mình.
Định hướng nghề nghiệp cho là tốt nhưng chỉ nên định hướng cho con khi đến tuổi trưởng thành. Cần nhớ rằng, khi càng lớn, con sẽ càng hiểu biết, chín chắn và có thể tự điều chỉnh các mơ ước thuở nhỏ.
Với những ước mơ "quá xa", ông Khoa cho biết thực ra vẫn có cách để vừa chấp nhận con, vừa hướng con về những việc đời thường hơn.
Chẳng hạn, với ước mơ thành… Phật của con, có thể nhỏ nhẹ rằng: "Con ước mơ được thành Phật à, cha mẹ tin sau này con sẽ làm được! Nhưng con biết rằng Phật có lòng yêu thương chúng sinh vô bờ, do vậy con phải rèn luyện để làm được điều này. Con cần bắt đầu bằng việc yêu thương những người xung quanh, mà trước hết là yêu thương cha mẹ đây".
Diễn giả Trần Đăng Khoa trong buổi talkshow - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngoài ra, chấp nhận con còn là tránh việc so sánh con với con người khác, thậm chí là với chính anh chị em trong nhà.
Thay vào đó, hãy đặt niềm tin vào con mình. Mỗi đứa bé đều có những khả năng riêng, thay vì cứ tập trung vào những gì con không làm được, thì nên tập trung vào những gì con có năng khiếu, qua đó giúp cho con có niềm tin vào bản thân mình để làm được những điều mới mẻ.
Nguyên tắc 2: Công nhận con mình
Trước tiên, cần khen con mình càng nhiều càng tốt. Nhiều phụ huynh lo sợ khen nhiều không biết con có kiêu ngạo hay không, nên không ít cha mẹ lại tập trung "chê" con để chúng phấn đấu tiếp tục.
"Con đi học về kiểm tra được 8 điểm, cha mẹ không tâm lý sẽ hỏi ngay: ‘Còn 2 điểm nữa đâu con?’. Dù có ý muốn trẻ cố gắng nhưng cách nói như vậy con sẽ cảm thấy nỗ lực của mình không được chính cha mẹ công nhận" - ông Khoa nói.
Theo ông, về mặt tâm lý, tập trung vào những điểm xấu sẽ không giải quyết được gì. Ngoài ra, lời khen sẽ khiến con trở nên kêu ngạo là khi cha mẹ khen sai, khen những điều con không thực sự đạt được.
Thay vì vậy, có thể nói với con: "Con được 8 điểm là giỏi. Nhưng cha thắc mắc không biết có cách nào mình được 9 điểm hay không con?" - đây là một câu hỏi, không phải áp lực hay trách móc, nhưng vừa tạo được sự công nhận cho con, vừa "đặt hàng" con một mục tiêu mới.
Nguyên tắc 3: Cho con cảm thấy con quan trọng
Người lớn có cái tôi, trẻ em cũng có cái tôi, nên cha mẹ tâm lý là làm cho con thấy mình luôn có tiếng nói.
Do đó, phụ huynh nên để cho con được lựa chọn, chứ không phải mọi thứ người lớn đều áp đặt. Con cũng nên được trao "quyền" trong gia đình, chứ không chỉ có "trách nhiệm": con phải như thế này, thế khác…
"Đây là vấn đề về tâm lý, tâm lý ai cũng muốn có quyền. Có thể biến những thứ bình thường trong gia đình thành quyền của con. Chẳng hạn, có thể nói: nhân viên của cha muốn gặp cha là phải đặt lịch hẹn, còn con luôn có quyền nói chuyện với cha mọi lúc mọi nơi" - ông Khoa cho biết tâm lý hay không quan trọng nằm ở cách mình thể hiện.
Trên hết, phụ huynh cần cho con cảm giác mình luôn được lắng nghe. "Mỗi khi nói chuyện với con mình dẹp điện thoại sang một bên. Nhiều phụ huynh con nói chuyện mà mình vừa nghe vừa bấm điện thoại, con sẽ không có cảm giác lắng nghe, dần dần sẽ ít chia sẻ hơn" - ông Khoa nói.
"Chỉ cần 3 phút không cầm điện thoại nghe con nói bằng 30 phút cầm điện thoại vừa nghe con", ông nhấn mạnh.
Nguyên tắc 4: Cho phép con được vấp ngã
Cho phép con được vấp ngã để con cứng cáp hơn - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Theo ông, trẻ con học qua trải nghiệm, qua vấp ngã và rút ra kinh nghiệm. Nhiều cha mẹ do quá thương con mà "úm" con mình quá kĩ mà không biết rằng với con người, bài học sâu sắc nhất là học qua thất bại.
Quan trọng nhất là thất bại được kiểm soát. Có nghĩa, cho phép con vấp ngã không phải là cho con hoàn toàn sống theo tự nhiên theo nghĩa đen, mà phải có sự kiểm soát của cha mẹ, từ đó con có thể đứng lên và cứng cáp hơn.
Nguyên tắc 5: Làm gương cho con
Cha mẹ cần làm gương cho con để con tiến bộ nhanh nhất - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nguyên tắc cuối cùng - đơn giản nhất, hiệu quả nhất, nhưng cũng khó thực hiện nhất - là làm gương cho con: khi muốn con làm gì, cha mẹ cần làm hệt vậy là được.
Chẳng hạn, muốn con đọc sách thì mình cũng phải đọc sách; muốn con phát triển kỹ năng ngôn ngữ, cha mẹ phải thường xuyên nói chuyện với con; muốn con nói chuyện lễ phép, cha mẹ cũng phải nói chuyện với người khác lễ phép, nhất là nói chuyện với con cái cũng phải đàng hoàng; muốn hạn chế con xem Youtube thì mình cũng giảm bớt thói quen này; muốn con tiết kiệm thì mình cũng phải tiết kiệm.
Nếu không thì rất dễ va vào trường hợp con sẽ hỏi ngược lại chúng ta: "Sao cha mẹ bắt con không được như thế mà cha mẹ lại làm?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận