31/12/2016 18:33 GMT+7

Làm sao để xe buýt nhanh chạy nhanh?

QUANG THẾ - T.PHÙNG
QUANG THẾ - T.PHÙNG

TTO - Sáng 31-12, Hà Nội chính thức khai trương, đưa tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 vào hoạt động.Ngày nghỉ, BRT không bị ôtô, xe máy bủa vây trong làn đường riêng như mấy ngày chạy thử trước đó.

Trong thời gian chạy thử nghiệm, nhiều lúc xe buýt nhanh bị ô tô, xe máy vây lấn dù đã có làn đường riêng - Ảnh: Nam Trần
Trong thời gian chạy thử nghiệm, nhiều lúc xe buýt nhanh bị ôtô, xe máy vây lấn dù đi trên làn đường riêng - Ảnh: Nam Trần

Tuy nhiên, được bố trí hoạt động trên tuyến đường có mật độ giao thông đông, đặc biệt BRT chạy trên đoạn đường Tố Hữu gần như là đường độc đạo, nên vẫn còn nhiều băn khoăn liệu BRT có đạt được mục tiêu như mong muốn.

Theo TS Nguyễn Thanh Chương, Khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học GTVT, BRT có hai nghĩa. Thứ nhất là chạy nhanh với điều kiện có làn dành riêng, thứ hai là vận chuyển khối lượng lớn, cùng lúc giải quyết được nhu cầu đi lại trong một thời gian.

Để BRT đạt hai yếu tố đó, đầu tiên cần tới nhận thức của người dân. Tức là mọi người nên vì sự phát triển chung của thành phố, vì sự văn minh của Thủ đô, mà không xâm phạm, tạo điều kiện cho BRT hoạt động thuận lợi ở làn đường riêng.

Theo ông Chương, để làn đường cho BRT hoạt động thì ngoài sự hướng dẫn, giám sát có thể tách hẳn thành một làn đường riêng, sơn màu riêng như các nước (hiện nay Hà Nội phân biệt làn BRT bằng vạch sơn kẻ liền)

“Bên cạnh nhận thức của mọi người, phải tăng cường quản lý để đảm bảo BRT hoạt động thuận lợi. Nhưng nếu để mỗi ngành giao thông làm việc đó thì rất khó. Chính quyền Hà Nội cần điều phối các ngành liên quan làm công việc này chứ không thể lùi khi thấy BRT gặp khó khăn”- ông Chương nhận định.

Về những ý kiến cho rằng, đường đã chật, lưu lượng đông, buýt nhanh chiếm một làn càng khó khăn cho các xe khác, ông Chương cho rằng tuyến đường đã có BRT thì đây là phương tiện được ưu tiên chứ không phải xe cá nhân. Những người đi lại trên tuyến đó thì nên đi bằng BRT, không đi xe cá nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: “Xe buýt nhanh có đường riêng. Tuy nhiên, giai đoạn thử nghiệm nhiều xe vẫn không nhường đường cho BRT nên phải tuyên truyền rộng rãi, sau đó cơ quan chức năng cần chế tài theo đúng quy định của pháp luật những xe lấn làn BRT”.

Ông Hùng cho rằng nên có thêm những khu vực tiếp cận có phân cách như cầu vượt để người dân sử dụng BRT an toàn, thuận tiện.

Tại lễ khai trươg tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: “Để xe buýt BRT khai thác một cách hiệu quả thì Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) phải phối hợp chặt chẽ với CSGT phân làn, tính toán điều chỉnh biển báo, tín hiệu đèn. Đồng thời điều chỉnh những bất cập trên tuyến, phù hợp với hạ tầng giao thông Hà Nội để khai thác đạt hiệu quả”.

Theo  ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội,  để BRT hoạt động thông suốt, trung tâm sẽ điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu theo hướng ưu tiên cho hướng BRT chạy qua các nút giao thông nhanh hơn; tăng cường lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông điều phối giao thông, tuyên truyền mọi người không đi vào làn riêng của BRT.

Ông Hải khẳng định BRT có làn đường riêng thì có nghĩa là đã phân làn đường theo phương tiện. Lỗi đi sai làn đường đã được nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông  đường bộ, đường sắt quy định nên hoàn toàn có thể xử lý xe khác cố tình đi vào làn BRT theo lỗi đi sai làn. Hình ảnh được các camera ghi nhận trên tuyến đường có BRT hoạt động cũng là căn cứ để phạt nguội các trường hợp vi phạm.

QUANG THẾ - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên