Dạy trẻ kỹ năng sinh tồn ra sao?
Để trẻ gần thiên nhiên
Mới đây, Colombia tìm thấy bốn trẻ em sống sót một cách kỳ diệu sau 40 ngày bị lạc trong rừng rậm Amazon. Nhóm trẻ đã thoát chết kỳ diệu, vì sao?
Theo Hãng tin AP, bốn đứa trẻ đã ăn bột khoai mì, sau đó là các loại trái cây rừng... trong suốt 40 ngày mất tích. Khu vực tìm thấy các em được mô tả là có rất nhiều rắn, muỗi và các loài động vật ăn thịt khác. Thông tin từ gia đình cho biết cô bé Lesly Mucutuy - 13 tuổi, chị lớn nhất trong bốn đứa trẻ - đã dùng kiến thức học được khi chơi trò chơi cùng bà để giúp mình và ba em sống sót trong rừng Amazon.
Lesly đã học được cách dựng trại trong rừng rậm hoang dã bằng dây ruy băng cột tóc. Em còn biết cách bắt cá, săn bắt và nhận biết được loại trái rừng nào không thể ăn vì có độc. Ngoài ra, cô bé cũng biết cách chăm em nhỏ một cách thuần thục.
Bà Trang Jena Nguyễn - làm về lĩnh vực dạy kỹ năng sinh tồn - cho hay sự việc bốn trẻ sống sót tại Colombia không những là một điều kỳ diệu mà còn là cả kiến thức được đào tạo mà các em có được.
Bà Trang nêu rõ trẻ em học hỏi rất nhanh, tại một số các nước như Úc, Thụy Sĩ, Na Uy… rất quan tâm đến việc giáo dục trẻ nhỏ, ngay từ khi các bé được 1 tuổi đã được gửi nhà trẻ.
"Tại các trường mầm non, hầu như các ngày trong tuần giáo viên sẽ cho trẻ chơi tự do tại các khu vực cát, bơi lội, tiếp xúc với động vật để các bé cảm nhận được thiên nhiên. Đồng thời, trường học thường xuyên có tiết học đi vào rừng để hướng dẫn trẻ về hướng đi, dạy trẻ phân biệt các loại cây, nhận biết các loại nấm…
Sau mỗi buổi học trẻ sẽ chia sẻ với phụ huynh, cha mẹ sẽ đồng hành cùng con nghiên cứu về các loại cây hoặc loại nấm đó tùy đặc điểm ở các khu rừng đang sống, sau đó có thể thực hành bằng cách vào rừng cùng con", bà Trang chia sẻ.
Xây dựng kỹ năng cho trẻ từ gia đình
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay Việt Nam còn ít chú trọng đến việc dạy kỹ năng hằng ngày cho trẻ.
Chị Loan (35 tuổi, tại Hà Nội), có con đang học lớp 3, chia sẻ rằng bản thân con mình gần như không có thời gian để trải nghiệm hoạt động thực tế nhiều. "Tôi có thể dễ dàng tìm thấy những khóa học tiếng Anh, học múa, học vẽ… nhưng để có những lớp học dạy cho con các kỹ năng sống thì không dễ.
Thực tế, ở nhà tôi cũng cố gắng cho con phụ việc nhà, dạy con cách tự lập, nhưng còn về các kỹ năng xử lý tình huống khi gặp sự cố trong thực tế như các kỹ năng sinh tồn khi bị lạc, nhận biết nguy hiểm từ thiên nhiên… thì tôi chưa có cơ hội cho con nhiều trải nghiệm", chị Loan cho hay.
Phía bà Trang cho rằng trẻ em sống tại khu vực thành phố, phụ huynh lưu ý các kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất đối với mỗi trẻ trước khi biết chữ đó là dạy trẻ những kiến thức về ăn uống để trẻ biết mình đang ăn gì.
Ví dụ như khi phụ huynh chế biến thức ăn hoặc đi siêu thị về cần hướng dẫn cho con biết dinh dưỡng của các loại củ, quả, thịt, cá đó ra sao. Tiếp đó, phụ huynh nên đưa con tham gia các buổi dã ngoại hoặc đi đến các công viên, sở thú để hướng dẫn trẻ nhận biết các loại cây và con vật, các loại hạt…
Tiếp theo, trẻ cần được đào tạo kiến thức về sơ cấp cứu khi đụng chạm phải dao, kéo, lửa.
Ví dụ như trường hợp nếu trẻ chảy máu cam thay vì trẻ hốt hoảng, khóc lóc phải hướng dẫn trẻ bình tĩnh, có hướng xử lý sơ cứu ban đầu.
Thầy cô, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ nhận biết nguyên nhân gây ra vết thương và cách xử lý như thế nào, không nên nhảy xuống nước cứu bạn đuối nước…
"Những kỹ năng sinh tồn trên đòi hỏi phụ huynh, thầy cô phải đồng hành cùng trẻ, có thể dành thời gian vào cuối tuần hoặc cuối tháng để thực hành. Nếu không thực hành được có thể cùng con xem những chương trình về sinh tồn. Nếu trẻ có kiến thức và có thực hành trẻ sẽ bình tĩnh và cần được rèn luyện theo thời gian" - bà Trang cho hay.
Chú ý mang theo đồ ăn, nước uống khi trải nghiệm hoang dã
Chia sẻ về việc xây dựng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, chị Phượng Hoàng - một người đã từng tham gia nhiều chuyến đi khám phá tại Việt Nam - chia sẻ hiện ở Việt Nam các gia đình cũng chú trọng đến việc cho con tham gia các tour trải nghiệm hay trại hè, đi dã ngoại.
Mặc dù do các công ty tổ chức nhưng vẫn có thể xảy ra các sự cố ngoài ý muốn, đặc biệt chuyến đi trong rừng, nơi hoang sơ.
Để hạn chế những rủi ro như bị lạc, chị Hoàng cho rằng trước tiên cần tổ chức tốt các chuyến đi và hướng dẫn trẻ những kỹ năng, nguyên tắc khi tham gia trải nghiệm.
Ví dụ, tuân thủ đi theo nhóm, không tách lẻ. Nếu chuyến đi kéo dài, cần mang theo đồ ăn nước uống đủ dùng ít nhất 1 đến 2 ngày và các vật dụng tối thiểu như bật lửa, dao, thuốc men để phòng trừ trường hợp nếu không may bị lạc sẽ có đủ thực phẩm để duy trì trong thời gian đợi người tìm kiếm.
"Khi đi du lịch, khám phá nếu nhận thấy đã bị lạc đoàn, tốt nhất nên đứng yên một chỗ, không nên tự tìm đường vì có thể sẽ đi xa hơn gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Với những vật dụng và thức ăn mang theo có thể cố gắng sống sót đến khi đoàn cứu hộ, người trong đoàn tìm thấy được. Ngoài ra, khi đi du lịch khám phá nên mặc quần áo có màu sắc, tránh các màu xanh hoặc nâu dễ lẫn vào cây cối, khó phát hiện", chị Hoàng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận