Ở cấp lãnh đạo, cần có những phẩm chất gì để thật sự là những người hiền tài? Đối với người lãnh đạo Đảng thì mong đợi nhất (ngoài những phẩm chất chung) là có khả năng đề ra những ý tưởng lớn chỉ đạo toàn bộ sự phát triển của đất nước. Nhiều khi những ý tưởng ấy chỉ gói gọn trong một số chữ, số câu nhưng có thể định hướng hoạt động của cả quốc gia, huy động sức mạnh của cả dân tộc, ví dụ như khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác Hồ.
Đối với người đứng đầu cơ quan luật pháp thì thước đo lại là năng lực xây dựng nhà nước pháp quyền, nắm vững luật pháp; còn đối với người đứng đầu cơ quan hành pháp thì điều quan trọng hàng đầu là sự hiểu biết sâu sắc và khả năng điều hành kinh tế vĩ mô.
Phát hiện nhân tài chỉ là bước đi ban đầu, vấn đề tiếp theo là đào tạo, trong đó đào tạo ở trường lớp đã quan trọng, đào tạo trong thực tế còn quan trọng hơn và có phần khó hơn, lâu dài hơn. Cách đào tạo tốt nhất không phải là rao giảng mà là giao cho họ những công việc cụ thể cao hơn, khó hơn một chút so với năng lực, từ đó buộc họ phải gắng sức phấn đấu và có điều kiện tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm.
Ở các nước rất phổ biến hình thức câu lạc bộ các nhà lãnh đạo trẻ, mà ở đó các thành viên được đào tạo làm việc theo nhóm, tập dượt phương pháp lãnh đạo, thậm chí cả cách ăn nói, thuyết trình. Tiếc rằng ở ta chưa phổ biến hình thức này, thậm chí còn có tâm lý e ngại.
Trong bối cảnh hiện nay, để chủ trương phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài đi vào cuộc sống, chí ít phải có một số điều kiện tiên quyết. Trước hết, cần có quyết tâm cao và một kế hoạch đồng bộ, nhất là sự kiên trì. Trong việc này không có chỗ cho tư tưởng “nhiệm kỳ” vì phát hiện, đào tạo và trọng dụng nhân tài là việc lâu dài, không thể cầu mong trong một nhiệm kỳ có ngay được nhân tài.
Cần có nhận thức thống nhất ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là ở cấp lãnh đạo và các cơ quan phụ trách công tác tổ chức, cán bộ. Trong nội bộ các cấp, các ngành, quan trọng nhất là quyết tâm của người đứng đầu có muốn và có dám dùng người tài không. Tiếc rằng không ít người có trách nhiệm không muốn dùng người hơn mình hay tư tưởng hẹp hòi, thậm chí còn vương vấn “chủ nghĩa lý lịch” đơn thuần.
Có một vấn đề được nêu lên không phải một lần là chọn người tài ngoài Đảng đưa vào các cương vị lãnh đạo. Chúng ta đang tiến hành đợt học tập và làm theo gương Bác, mà một trong những tấm gương sáng chói của Bác Hồ là phát hiện và trọng dụng người tài trong số các nhân sĩ, trí thức. Trong hoàn cảnh hiện nay, sự nghiệp dân giàu nước mạnh chỉ có thể thành công nếu huy động được sức mạnh của cả cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Và cũng không thể phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài nếu không kiên quyết đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ; tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp” ; chính sách, môi trường làm việc chưa tạo động lực khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ.
Mạnh dạn đổi mới cơ chế chính sách đãi ngộ người tài, rũ bỏ tư tưởng tuần tự nhi tiến, phân phối cào bằng. Chỉ có như vậy mới có thể thu hút nhân tài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận