Cần phạt nguội các hành vi như hút thuốc, xả rác, đỗ xe... không đúng quy định - Ảnh: TỰ TRUNG - QUANG ĐỊNH
Tiếp thu ý kiến này, Phó chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh nói "sẽ quyết tâm" với mong muốn "nghiêm như Singapore". Nhưng làm như thế nào và bắt đầu từ đâu?
Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến "hiến kế" cho TP.HCM trong quá trình xây dựng quận 1 trở thành nơi văn minh, hiện đại.
* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM):
Phải từng bước răn đe bằng chế tài
Tôi rất đồng tình quan điểm của chủ tịch UBND TP là quận 1 không phải là nơi chỉ dành cho người giàu, đây còn là nơi mưu sinh của bộ phận dân cư có thu nhập và đời sống thấp.
Như vậy, cần nghiên cứu thói quen, nếp sống của từng bộ phận dân cư, từ đó đưa các chế tài đủ tính răn đe nhưng phải phù hợp.
Với quan điểm đó, việc gợi mở của chủ tịch UBND TP là hợp lý bởi thời gian qua có tình trạng "công an đuổi đằng sau, hàng rong chạy trước, qua mai đâu lại vào đấy".
Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp chế tài có tính răn đe để siết lại nhưng cần làm từng bước để giáo dục nhận thức, dần dần hình thành nếp sống đô thị văn minh. Bài học thực tiễn về quản lý vỉa hè của quận 1 những năm trước cho thấy không nên vội vàng áp dụng những chế tài quá khắt khe.
* TS Nguyễn Thị Hậu:
Vỉa hè là tài sản công
Cần xác định không gian công cộng như vỉa hè đó là tài sản công chứ không chỉ có chức năng để đi bộ hay trồng cây xanh. Việc khai thác, phân chia lợi ích của nó được tính cho tất cả nhóm cộng đồng, do đó cùng phải có trách nhiệm bảo vệ mỹ quan cũng như bảo vệ độ bền, tình trạng kỹ thuật.
Vì vậy, việc phân chia thế nào cần vai trò điều phối của người lãnh đạo địa phương trên quan điểm thừa nhận công bằng, hài hòa các lợi ích tất cả nhóm dân cư.
Vấn đề quan trọng là tổ chức, quản lý, quy hoạch việc sử dụng không gian vỉa hè ra sao cho phù hợp.
Ví dụ, chính quyền địa phương cần quy hoạch rõ khu vực nào được bán cái gì, chiều rộng của vỉa hè bao nhiêu thì được thuê bao nhiêu mét vuông vỉa hè và bày quầy hàng diện tích bao nhiêu, bán trong khung giờ nào, sau khi bán xong phải trả lại nguyên trạng vệ sinh sạch sẽ... Kèm với đó là ban hành các quy chế, quy định buôn bán thật rõ ràng, không để tự phát. Việc kiểm tra, nhắc nhở có thể giao cho các lực lượng tự quản cùng với cán bộ địa phương cơ sở.
Như vậy, nếu địa phương làm tốt thì mọi người đều có quyền lợi từ vỉa hè và cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Công nhân quét rác trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Tiến sĩ Cao Vũ Minh (ĐH Kinh tế - Luật):
Xử phạt qua camera là văn minh
Phải thẳng thắn rằng không thể chấp nhận một đô thị đặc biệt, đô thị hiện đại mà tình trạng vô tư tiểu bậy, vứt rác, khạc nhổ, dẫn chó ị bừa bãi... Các quốc gia làm được tại sao mình không làm được?
Là đô thị hiện đại, trung tâm của TP.HCM, tôi nghĩ quận 1 có đủ mọi điều kiện và phải "mạnh dạn" hiện thực hóa mong muốn "nghiêm như Singapore" trong quản lý và xử phạt các hành vi thiếu văn minh nơi đô thị.
Và để làm được điều đó, việc ứng dụng công nghệ vào việc quản lý nhà nước rất quan trọng, muốn xử phạt được tốt thì công nghệ cần đồng bộ. Việc sử dụng hình ảnh, video từ camera để chứng minh, xử phạt hành vi vi phạm là phương thức văn minh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng, trong đó có Singapore.
Điều này rất hiệu quả so với việc người thi hành công vụ phải đi lòng vòng tuần tra, giám sát và phát hiện quả tang vi phạm bằng mắt thường, chưa kể có khi người vi phạm còn cãi "chày cối".
* Bà Võ Thị Trung Trinh (phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM):
Phải có dữ liệu liên thông
Tôi cho rằng quận 1 hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bằng công nghệ nếu có cơ sở dữ liệu liên thông. Tuy nhiên, địa phương cần xây dựng và đề xuất thí điểm thực hiện các quy định này ở một số tuyến đường, khu vực để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Sắp tới khi quận 1 xây dựng đề án quản lý khu trung tâm thì phải đưa ngay yếu tố dữ liệu và công nghệ số vào để tạo cơ sở quản lý đô thị thông minh.
Quận 1 sắp tới sẽ hình thành và phát triển nhiều khu vực đô thị sầm uất đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đô thị trước hết phải có tư duy thay đổi phương thức quản lý dựa vào dữ liệu và công nghệ số để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Điều đó sẽ tạo ra sự chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đô thị.
Hiện nay, địa phương cũng đã triển khai hệ thống điều hành đô thị thông minh nhưng để hiệu quả cần được tích hợp cơ sở dữ liệu của sở ngành tạo thành hệ thống chung của TP.
Tôi ví dụ như hiện nay quận 1 có hệ thống camera nhận diện gương mặt nhưng như thế chưa đủ. Hệ thống này phải liên kết với các địa phương và phải dựa trên cơ sở dữ liệu của các ngành, trong đó có ngành công an.
Như vậy, khi một người vi phạm xả rác tại quận 1 di chuyển đến các địa phương khác thì vẫn có thể nhận diện được.
Một người dân xả rác xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 1, TP.HCM). Trong mắt khách du lịch nước ngoài, cần có biện pháp phạt nguội - Ảnh: TỰ TRUNG
* TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Chế tài chỉ hiệu quả khi tuyên truyền tốt
Gợi ý cách thức quản lý đô thị thông minh bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, song song với chế tài khắt khe hành vi vi phạm nhằm giải quyết việc xả rác, hút thuốc, lấn chiếm vỉa hè... trong bối cảnh quận 1 thiếu nhân lực quản lý hiện nay là rất phù hợp.
Tuy nhiên, chế tài chỉ hiệu quả cao khi công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động được thực hiện tốt khi đa số người dân đều hiểu quy định. Quận 1 là quận trung tâm, rất nhiều người dân từ nơi khác đến nên trước tiên cần làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền mang tính liên tục.
Chỉ khi bạn giẫm phải phân chó mới thấy quy định cần thiết
Các chính sách đô thị của Singapore từ lâu được đánh giá cao dù cũng có những ý kiến cho rằng quá nghiêm khắc. Cuộc sống của người dân nơi đây được canh theo các quy định dùng để giữ nước này trật tự và sạch đẹp. Singapore cấm nhập khẩu kẹo cao su nên không có bã kẹo trên đường phố.
Theo Bộ trưởng Môi trường Singapore Masagos Zulkifli, đảo quốc này hiện có 58.000 công nhân vệ sinh đường phố. Việc chơi nhạc ầm ĩ hay say xỉn làm phiền người xung quanh sẽ bị phạt, trong khi việc ăn nói tục tĩu hay cản đường người khác có thể bị bỏ tù.
"Đừng chỉ trích mọi quy định ở Singapore. Chỉ khi giẫm phải phân chó trên vỉa hè chúng ta mới thấy trân trọng quy định ngăn việc này", một người dân ở đây nói.
Singapore dựa rất nhiều vào công nghệ để đảm bảo trật tự. Hồi tháng 4-2022, một người đàn ông phải ngồi tù 6 tháng vì ném tàn thuốc gây cháy làm hư hại khu vực nhà kho 1 tòa nhà và một số chiếc xe đậu gần đó.
Các chi tiết được ghi lại trên máy quay an ninh. Để xử lý việc quăng tàn thuốc, cơ quan môi trường Singapore đã lắp đặt hơn 6.900 máy quay kể từ năm 2012.
Mới đây, để đối phó với nạn quăng tàn thuốc từ các tòa nhà cao tầng, nước này đang tính tăng cường lắp máy quay giám sát và triển khai nhân lực xử lý vụ việc. Mức phạt tối đa cho hành vi ném thức ăn hoặc tàn thuốc ra cửa sổ từ 500 - 2.000 đô la Singapore, theo Đài Channel News Asia.
Không dừng lại ở đó, năm 2021 Singapore cũng triển khai robot cảnh sát trang bị trí thông minh nhân tạo để tuần tra và nhắc nhở về các "hành vi xấu" như hút thuốc, bán hàng rong trái phép, chạy xe trên vỉa hè hay đậu xe đạp không đúng chỗ...
Cơ quan chức năng cho biết robot này giúp tiết kiệm nguồn lực con người, dù nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề riêng tư và quản lý dữ liệu. Đảo quốc 5,8 triệu dân này hiện có hơn 90.000 máy quay của cảnh sát và con số dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030, theo Đài CBS News.
NGÔ HẠNH
Làm ngay, làm quyết liệt!
Ủng hộ việc quận 1, TP.HCM "làm như Singapore", bạn đọc Lê Nam cho rằng mọi người dân phải chấp hành nghiêm luật của Nhà nước, ai vi phạm sẽ xử phạt.
Những hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt bằng tiền và nếu ai không có tiền đóng phạt thì phải lao động công ích, dọn dẹp đường phố.
Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần làm quyết liệt, nơi nào để người dân xả rác, hút thuốc... không đúng nơi quy định thì người đứng đầu bị xử lý. "Tôi cho rằng phải làm, làm ngay, làm quyết liệt, làm lâu dài thì sẽ đạt được điều chúng ta muốn", anh Nam nói.
Còn bạn đọc Hữu Thuận mong muốn cụ thể: chính quyền TP.HCM và quận 1 cần thực hiện thật nghiêm như chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.
Trước hết hãy tuyên truyền vận động người dân không xả rác nơi công cộng. Sau đó ai không tuân thủ theo quy định thì phải xử lý nghiêm như Singapore họ đã làm thì mới mong đưa TP trở thành TP xanh, đáng sống được.
Và để thực hiện hiệu quả, bạn đọc Quân hiến kế khi cho rằng còn một vấn đề cần giải quyết, đó là thẩm quyền xử phạt. Theo pháp luật hiện tại thì những hành vi như xả rác nơi công cộng phải do trưởng công an phường xử phạt. Như vậy rất khó thực hiện.
"Tôi đề xuất là thành lập những đội "văn minh đường phố", cho phép họ ghi hình, lập biên bản những trường hợp vi phạm, ghi rõ họ tên, chụp hình căn cước công dân, sau đó chuyển biên bản về phường để ra quyết định phạt.
Sau cùng là gửi giấy về địa phương để thông báo và cá nhân đó phải đích thân đi nộp phạt. Bởi tôi cho rằng việc dùng camera phạt nguội hơi khó vì không biết họ là ai, ở đâu mà xử phạt", anh Quân nói.
Một biển báo các hành động bị cấm ở Singapore - Ảnh: Guardian
Quận 1 sẽ bắt đầu từ đâu?
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - phó chủ tịch UBND quận 1 (phụ trách đô thị) - nói rằng gợi mở của chủ tịch TP, một trong những giải pháp mà quận 1 hướng đến là bên cạnh việc vận dụng các quy định hiện hành để tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi không phù hợp, quận sẽ nghiên cứu thí điểm biện pháp chế tài có tính răn đe, nghiêm khắc hơn (nhằm ngăn chặn việc xả rác, hút thuốc, đỗ xe...) để người dân bảo đảm tuân thủ kỷ cương, nề nếp, ứng xử chuẩn mực nơi công cộng.
Quận cũng nghiên cứu đối với một số ý kiến chuyên gia cho rằng quận có thể sử dụng hệ thống camera rộng khắp trên địa bàn để phạt nguội các hành vi như xả rác, tiểu bậy, hút thuốc, đỗ xe không đúng quy định...
Bởi lẽ các hành vi vi phạm trên có tính chất tức thời, lực lượng chức năng không đủ thời gian, kịp phản ứng để phạt quả tang.
"Tuy nhiên phạt nguội qua hình ảnh camera thì phải bảo đảm đủ căn cứ, đúng trình tự thủ tục quy định, đơn cử như phạt nguội vi phạm giao thông. Do đó, chúng tôi sẽ tính đến việc phối hợp với các đơn vị chức năng để chia sẻ, sử dụng hình ảnh và pháp lý hóa việc xử phạt qua hình ảnh", ông Vinh nói.
Song song việc tăng cường chế tài, chấn chỉnh trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, ông Vinh khẳng định quận có giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, quận sẽ nghiên cứu lộ trình để bố trí, sắp xếp để tập trung người bán hàng rong, bảo đảm trật tự, mỹ quan, an toàn thực phẩm... cùng với vận động, hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để người bán hàng rong tìm kiếm công việc khác.
Mục tiêu vừa giải quyết việc mưu sinh cho người bán hàng rong vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng.
Nhắc nhở là chính
9h sáng 27-8, bất chấp hàng loạt biển "cấm hút thuốc" tại khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một người lơ xe ngồi hàng ghế chờ khách móc thuốc lá trong túi ra rít hơi dài rồi phả khói mù mịt.
Theo đại diện bến xe Miền Đông, đối với doanh nghiệp vận tải, tài xế thì bến xe căn cứ cam kết hợp đồng có thể phạt việc vi phạm hút thuốc. Còn đối với khách thì chỉ nhắc nhở vì bến không có chức năng xử phạt hành khách.
Còn đại diện Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng cho biết theo thống kê từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7-2022, các lượt nhắc nhở, xử phạt vi phạm hút thuốc lá ở nơi có quy định cấm tại các điểm giao thông công cộng TP.HCM là gần 2.300 trường hợp, trong đó nhắc nhở 2.268 trường hợp và xử phạt 12 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 5,3 triệu đồng.
T.HIẾN - T.DUNG
Dùng app phạt nguội người hút thuốc nơi công cộng
Việc thực hiện phạt vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng như Singapore làm rất đáng để ta học hỏi. Chúng ta đã có luật, quy định… thế nhưng bao năm qua việc xử lý, phạt hút thuốc nơi công cộng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Hút thuốc lá nơi công cộng cần có biện pháp xử lý mạnh. Trong ảnh: hút thuốc lá tại Bưu điện TP.HCM, sáng 27-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại hội thảo về kiểm tra, giám sát thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức vài ngày trước, việc thí điểm app ghi nhận để phạt nguội các vi phạm hút thuốc lá được nhiều người quan tâm. Vậy việc phạt nguội này liệu có thực hiện được và thực hiện ra sao, có đạt được kết quả khả quan? Bà Phan Thị Hải, phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, nói:
- Từ 3-4 năm trước chúng tôi đã biết ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có 1 app để theo dõi, xử lý vi phạm về trật tự, vệ sinh ở quận này. TP Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có hình thức xử phạt vi phạm hút thuốc lá qua app rất hay. Từ đó chúng tôi mới sử dụng các app để ghi nhận, xử phạt vi phạm hút thuốc lá.
Hiện app này đang thực hiện thí điểm tại 2 quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm của Hà Nội. Để thực hiện, người dân tải app về điện thoại của mình, sau đó chụp ảnh hành vi vi phạm của người hút thuốc lá gửi cho trung tâm quản lý. Khi cơ quan chức năng nhận được thông tin có thể đến nhắc nhở, ghi nhận và xử phạt người vi phạm.
Mặc dù mới triển khai trong vài tháng nay nhưng việc xử lý vi phạm hút thuốc nơi công cộng tại các quận thí điểm đạt hiệu quả nhất định.
* Bà có thể nói rõ hơn về những mặt tích cực, hiệu quả đã đạt được khi dùng app để xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng?
- Trong phần mềm quản lý app có chức năng ghi nhận bao nhiêu tin báo mà người dân gửi đến, những tin báo ấy đã được xử lý, xử phạt hay chưa.
Do đó có thể kiểm tra và phát hiện ngay việc người dân báo tin nhưng quận, phường, cơ quan chức năng không phạt.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu muốn triển khai rộng việc xử phạt nguội người hút thuốc lá thông qua app thì phải đồng bộ giữa báo cáo phản ảnh của người dân và năng lực tổ chức thực hiện của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong có thêm hình thức thưởng để khuyến khích người dân tải app này về sử dụng.
* Việc phạt nguội hành vi vi phạm giao thông là có quy định rõ ràng. Còn với thuốc lá, bà thấy cần có những quy định nào để việc xử phạt không trái với luật hiện hành?
- Khi xây dựng nghị định 117 thì vi phạm về hút thuốc lá không thuộc đối tượng phạt nguội. Vì vậy việc triển khai app vừa qua mới là thí điểm, nếu muốn mở rộng hơn thì phải có chính sách kèm theo để đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các điều kiện như ảnh mức độ nào, rõ ràng đến mức nào mới xử phạt được, không thể đưa các ảnh lờ mờ lên rồi đòi phạt người ta thì người ta kiện ngay. Và theo tôi, phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử phạt này.
* Vậy còn hình thức xử phạt "nóng" việc hút thuốc lá hiện nay thực hiện ra sao, thưa bà?
- Trước đây việc xử phạt hướng đến cá nhân, nhưng nay là phạt tổ chức. Ví dụ như nếu nhà hàng thực hiện không tốt việc thực thi môi trường không khói thuốc thì nhà hàng bị phạt. Khi áp dụng hình thức này thì việc xử lý vi phạm hút thuốc lá hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, công tác xử phạt người hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng ngoài trời thì chưa đạt được hiệu quả. Một phần cũng do lực lượng thanh tra mỏng, không có cơ chế chi hỗ trợ cho thanh tra.
Chúng tôi đang kỳ vọng khi thực hiện hình thức xử phạt "nguội" qua app sẽ đạt được hiệu quả hơn. Bởi khi ấy có hàng trăm, hàng triệu đôi mắt của người dân cùng giám sát.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong giai đoạn từ 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và công an các địa phương đã kiểm tra gần 2.000 đơn vị/cơ sở. Từ đó xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá. Tổng số tiền phạt là 563,9 triệu đồng.
LAN ANH thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận