Các đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Dustin Nguyễn, diễn viên Trúc Diễm, Vân Trang, Lý Nhã Kỳ, Maya, Khương Ngọc đi xem phim tại LHP Cannes 2012 - Ảnh: TR.N. |
Theo bạn, cơ hội để phim VN đến được liên hoan phim Cannes ở hạng mục dự thi chính thức là bao xa? Điện ảnh VN thiếu gì, yếu gì cần gì đế có cơ hội ấy?
Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi không hiểu vì sao nhất định phải là Cannes? Và đã Cannes lại nhất định phải hạng mục chính thức? Có phải chúng ta đang một cách nào đó gây áp lực hoặc đặt phim ảnh (trong suy nghĩ của tôi là sáng tạo nghệ thuật thuần khiết) vào thang điểm so sánh?
Làm phim tất nhiên ai cũng muốn đưa ra công chúng, có phim định hướng công chúng tại liên hoan phim, nên rõ ràng là sẽ đi thi nhưng cái sự đi thi và sự kì vọng vào kết quả cuộc thi nó nên khác một chút được không?
Đây là phim, đây là tác phẩm nghệ thuật, xin đừng đặt những câu hỏi như thể thật xấu hổ vì VN chẳng có phim nào dự tranh chính thức ở liên hoan phim Cannes... rồi khi có một phim Việt nào đó giành giải lớn ở liên hoan phim quốc tế là một bộ phận lại phải nghi ngờ trước đã, rằng liên hoan phim ấy to không? Rằng hạng mục ấy hình như không chính thức? Rằng giải ấy nào phải giải lớn?
Nhà quay phim Phạm Quang Minh, đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp tại LHP Cannes. -Ảnh: NVCC |
Nếu góc nhìn là từ VN thì để có phim dự tranh ở Cannes, chúng ta thiếu phim hay. Và cái yếu của chúng ta là chúng ta chưa thực sự quyết liệt muốn làm phim hay!
Nếu góc nhìn không phải kiểu đại diện nước nhà thì: Cần có tài năng, và tài năng thì...chắc là chuyện cá nhân hơn là chuyện chúng ta. Nên tôi nghĩ cơ hội năm nào cũng có vào tháng 5. Chỉ là mình có đủ tài và có đủ khác để không cần mặc váy em bé ôm gà vẫn lên thảm đỏ... mà chẳng bị ai kêu ca là khoe váy xem Cannes!
Dù thú thật, tôi không phản đối gì chuyện này cả, thậm chí tôi nghĩ nếu có tiền, cứ vác sang Cannes mà đốt, rồi chụp ảnh lên báo, thế cũng tốt chứ. Háo hức đến với thánh đường điện ảnh là quyền không của riêng hội làm phim xấu - nghèo chả có gì ngoài phim.
Phan Đăng Di tại LHP Cannes 2010 - Ảnh: Getty Images |
Phan Đăng Di: Cái này có thể gần và cũng có thể rất xa và điều kiện tiên quyết vẫn là chúng ta cần phải có những cá nhân thực sự tài năng. Cannes là điểm hôi tụ quan trọng nhất của giới làm phim tinh hoa, của những giá trị đã thành cổ điển trong điện ảnh, cũng là nơi chào đón các bộ phim phơi bày những vấn đề của thời đại với những góc nhìn nhiều khi gay gắt, gây sốc hay những bộ phim phá cách trong hình thức thể hiện như một nỗ lực làm mới ngôn ngữ điện ảnh.
Chính vì đặc điểm đó Cannes vừa cần những gương mặt cực kỳ thành danh, cực kỳ nhẵn mặt để duy trì vị trí đỉnh cao và bộ cánh "cổ điển" của mình, nhưng nó cũng cần những nhà làm phim gây hấn, những tài năng mới thật sự độc đáo, thật sự khác lạ để chứng minh điện ảnh đang không bị đông cứng trong những gương mặt quen.
Angela Phương Trinh đi xem phim tại LHP cannes 2016 - Ảnh: Reuters |
Chúng ta dĩ nhiên chưa có gương mặt nào quen mặt ở Cannes nhưng ngay cả tìm một nhà làm phim đủ mới, đủ "gây hấn" và khác lạ như Cannes cần đã chẳng dễ chút nào, nhất là sau một thời gian rất dài ta đã tự/bị cô lập với giới điện ảnh đỉnh cao, tự giam mình trong những tiêu chuẩn quá an toàn, quá cũ kỹ trong tư duy sáng tạo trong lúc thế giới thì đã tiến rất xa.
Đã thế những tài năng trẻ hiếm hoi vừa hé lộ cứ phải mò mẫm rất lâu trong một môi trường rất ít sự hỗ trợ của cơ quan quản lý thì chỉ hướng đến sự an toàn mà quên mất một sự thật rằng cái kém an toàn nhất cho một nền điện ảnh (hay rộng ra là cả một nền văn hoá) là việc nó chẳng góp được tiếng nói nào trong những khu vực quan trọng của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận