TTCT - Với các nước phát triển, thể thao là một ngành kinh tế hái ra tiền. Trong khi tại VN, thể thao gần như chỉ sống bằng “bầu sữa” ngân sách. Sự khác biệt này cũng là nguyên nhân chính, là cái gốc dẫn đến sự khác biệt về thành tích thể thao đỉnh cao...
Trong hai ngày 26 và 28-12, lần lượt ở Hà Nội và TP.HCM diễn ra hai cuộc hội thảo về chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao khi VN gia nhập WTO” do Ủy ban TDTT phối hợp với Phòng Thương mại & công nghiệp VN tổ chức. Ông Huỳnh Vĩnh Ái - phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, người chủ trì cuộc hội thảo - đã cho TTCT biết lý do tổ chức các cuộc hội thảo này:
Ở Mỹ, việc kinh doanh tài sản thể thao của nước này chiếm tỉ trọng hơn 2,4% GDP. Ngành kinh doanh thể thao hiện đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của họ. Tương tự như ở Anh, Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc... Trong khi đó, với chúng ta gần như là con số không. Vì vậy, khi tôi đề nghị tổ chức hội thảo về chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao ở VN”, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã đồng ý ngay.
* Một cuộc hội thảo lớn nhưng chỉ diễn ra vỏn vẹn có hai ngày ở Hà Nội và TP.HCM, liệu có thể tìm kiếm được điều gì?
- Dĩ nhiên thời gian quá ít, nhưng mục tiêu của hội thảo là xới lên một vấn đề chưa bao giờ được đề cập một cách nghiêm túc để tạo sự thay đổi về nhận thức trong đội ngũ những nhà quản lý thể thao. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp liên quan đến thể thao xem hiện nay chúng ta còn những gì vướng mắc trong việc phát triển kinh tế thể thao. Những vướng mắc đó sẽ được chúng tôi tháo gỡ trong khả năng và quyền hạn của mình, còn cái gì ngoài tầm tay thì chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ.
* Tiến sĩ Lâm Quang Thành, hiệu trưởng Trường đại học TDTT 2, đã nhận xét rằng so với nhiều ngành nghề khác trong nước, ngành thể thao đã tụt hậu 20 năm?
- Tôi nghĩ điều đó đúng. Ngành thể thao phải gấp rút thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu. Không thể chậm trễ được nữa rồi.
Ông Văn Xuân Thiện - giám đốc Công ty thể thao Thành Lâm: Phải đầu tư con người
Không thể phủ nhận cơ sở vật chất của thể thao VN hiện đã có những thay đổi khá tích cực. Lấy ví dụ, chục năm về trước các cầu thủ chúng ta luôn kêu ca về chất lượng sân cỏ trong nước. Thế nhưng hiện nay các tuyển thủ đã chê sân ở Thái Lan, Malaysia là không bằng VN! Nói như thế không có nghĩa là đã hoàn thiện, mà ngành thể thao VN cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
Một vấn đề quan trọng mà tôi đề nghị ngành thể thao phải cấp bách thực hiện, đó là sớm có một sự thống nhất về chất lượng sân bãi. Như làm đường chạy điền kinh thì phải đạt chuẩn của Liên đoàn Điền kinh thế giới. Bởi nhiều năm nay có một sự lập lờ trong lĩnh vực này, đó là ai làm đường chạy cũng bảo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng quốc tế cũng có năm bảy loại! Chính điều này đã dẫn đến chuyện tiêu cực trong việc xây dựng cơ sở vật chất.
Tôi cho rằng sắp tới sẽ có một cuộc cạnh tranh mãnh liệt trong lĩnh vực xây dựng, cung cấp trang thiết bị TDTT khi các công ty nước ngoài nhảy vào. Vì vậy, các đơn vị trong nước cần phải chuẩn bị tốt nếu không muốn bị thua kém. Và sự chuẩn bị tốt đó là phải đầu tư để nâng cao công nghệ, phải biết tận dụng những ưu thế có sẵn trong nước. Tôi lấy ví dụ cái lớp đất đặc biệt trên cùng để trồng cỏ trên sân bóng đá ở nước ngoài là 700 USD/m3, trong khi ở VN có những vùng ở rìa sông có loại đất đáp ứng các nhu cầu kỹ thuật tương tự nhưng chỉ 120.000 đồng/m3! Muốn tìm ra được những ưu thế thú vị như vậy, phải đầu tư cho con người.
Ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch CLB bóng đá Gạch Đồng Tâm: Phải thay đổi từ gốc
Đối với thể thao ở nước ngoài, bản quyền truyền hình là một khoản thu quan trọng. Nhưng tại VN, xưa nay thể thao không chỉ không thu được tiền truyền hình mà còn phải tốn tiền cho truyền hình để họ xuống ghi hình, trực tiếp! Đơn giản bởi truyền hình ở VN là của Nhà nước. Vì vậy, khi Công ty Bách Việt dám gửi công văn đòi tiền VTV nếu muốn THTT một giải bóng đá quốc tế (mà họ đứng ra tổ chức) có đội tuyển VN thi đấu là một sự kiện lớn trong lĩnh vực này của VN năm 2006, mà dân trong làng gọi là “phạm thượng”! Nhưng không thể phủ nhận các quan chức VTV hiện nay cũng đã thay đổi quan điểm, nhìn nhận vấn đề một cách chuyên nghiệp hơn nên chấp nhận chi tiền để mua bản quyền truyền hình. |
Hiện nay, Nhà nước đã chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp và đã có hiệu quả tốt. Các công ty cổ phần phải chịu sự điều hành của các cổ đông, còn ở liên đoàn các “cổ đông” là chúng tôi chẳng có tí quyền nào cả. Rõ ràng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung đã không theo kịp xu thế phát triển.
Hãy lấy ví dụ ở hội doanh nghiệp, chúng tôi tự tổ chức, bầu bán công khai dân chủ, chẳng có ai sắp xếp cả. Sau khi có kết quả thì báo cáo cho phía Nhà nước biết, và nhiều năm nay chúng tôi đã làm ăn ngon lành với cách này. Tại sao thể thao lại không làm như thế? Tóm lại, theo tôi, muốn kinh tế thể thao phát triển phải thay đổi từ gốc là để mở cho các liên đoàn trở thành tổ chức xã hội đúng nghĩa.
Cô Yên Giang - phó giám đốc Công ty Biz Solutions: Đánh giá đúng vai trò nhà môi giới
Đối với một nền thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các công ty môi giới, tổ chức sự kiện có một vị trí rất quan trọng. Họ chính là cầu nối để các doanh nghiệp và các nhà quản lý thể thao gặp nhau, cùng hợp tác làm ăn trên phương châm đôi bên cùng có lợi: người có tiền cần tìm kiếm sự kiện để tài trợ nhằm quảng bá thương hiệu cho mình và người nắm trong tay các điều kiện để tổ chức sự kiện nhưng lại không có tiền.
Tuy nhiên, cả hai khó có thể ngồi lại với nhau nếu không có chiếc cầu nối là những công ty môi giới.
Điều đáng tiếc cho thể thao VN là hiện nay chưa có nhiều người nhìn nhận đúng vai trò nhà môi giới. Các nhà quản lý thể thao chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu phải thông qua môi giới thì sẽ mất đi một khoản 10-15% giá trị tài trợ, nhưng quên rằng nếu không chấp nhận như thế thì sẽ không có đồng nào vì không tạo được niềm tin cho doanh nghiệp muốn tài trợ. Nếu tất cả các nhà quản lý thể thao đều có suy nghĩ chuyên nghiệp, hiểu được qui luật của thương trường, thể thao VN không lo thiếu tiền để chăm chút cho sự phát triển.
Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai: Vấn đề là có chịu làm hay không
Theo tôi, kinh tế thể thao không xa lạ gì với chúng ta nhưng vấn đề là cơ chế và con người có chịu làm hay không. Tôi lấy ví dụ từ câu chuyện chính bản thân mình, đó là việc hợp tác với Arsenal để chuẩn bị thành lập học viện đào tạo bóng đá tại VN. Chuyện ý tưởng hợp tác với các CLB danh tiếng trong việc đào tạo cầu thủ ta đã nghe từ lâu và nghe quá nhiều ở VN chứ đâu phải là ý tưởng mới của “bầu Đức”. Nhưng toàn nghe ý tưởng này, dự định kia mà chẳng ai chịu bắt tay vào làm cả. Bệnh này nặng lắm ở các quan chức nhà nước quản lý thể thao.
Nói thật, tôi đâu phải là một tay chơi giàu đến độ ném tiền qua cửa sổ cho bóng đá. Ngay từ ngày đầu tiên đến với bóng đá, tôi đã nghĩ rằng đây là một lĩnh vực làm ra tiền. Tuy nhiên, trong những năm qua và cả hiện nay, đừng có mơ là kiếm tiền một cách cụ thể từ bóng đá khi mà tiêu cực, yếu kém còn tồn tại khiến khán đài trống vắng; khi mà chưa thu được tiền bản quyền truyền hình... Vì vậy cái lãi của bóng đá hiện nay là vô hình. Cụ thể, trước khi nhảy vào bóng đá, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai mấy ai biết. Nhưng hiện nay doanh thu của HAGL đã tăng rất nhiều nhờ bóng đá quảng bá thương hiệu. Vì vậy, một năm tôi chi cho bóng đá chục tỉ đồng giống như chi phí quảng cáo vậy. Tương lai tôi nghĩ mình sẽ kinh doanh có lời từ bóng đá nhờ vào học viện đào tạo cầu thủ.
Từ câu chuyện của HAGL, tôi cho rằng nếu không mạnh dạn đi tìm cái mới, cứ loanh quanh theo lối cũ thì thật khó mà phát triển kinh tế trong thể thao.
Ông Trần Văn Nghĩa - chủ tịch HĐQT Công ty tiếp thị thể thao TLT: Kinh doanh thể thao cũng phải biết cách
Nói đến chuyện làm kinh tế thể thao ở VN, không thể không nhắc đến nhân vật Trần Văn Nghĩa - “cha đẻ” của công ty tiếp thị thể thao (TTTT) đầu tiên ra đời tại VN vào năm 1993 mang tên Á Vận. Lăn lộn trong lĩnh vực này 13 năm nay, ông Nghĩa biết được rất nhiều chuyện thú vị. Ông kể:
- Năm 1991, tại TP.HCM diễn ra giải marathon quốc tế - giải thể thao quốc tế có qui mô lớn đầu tiên được tổ chức tại VN. Nhân vật thực hiện sự kiện này là ông Bruce Aiken - giám đốc Công ty TTTT Á Châu có trụ sở tại Hong Kong. Ông ta cũng chỉ là một doanh nhân bình thường thôi, nhưng khi đến VN thì được nhiều cán bộ quản lý thể thao VN đón như một VIP thật sự, toàn gọi là “Sir” (Ngài)! Còn tôi thì thấy chuyện tổ chức sự kiện thể thao ấy chẳng có gì ghê gớm, ta có thể làm được (ông Aiken tổ chức sự kiện thể thao tại VN bằng tiền tài trợ của các doanh nghiệp tại VN). Nghĩ vậy nên tôi và bạn bè thành lập Công ty TTTT Á Vận.
* Và công ty TTTT của ông đã làm được nhiều việc như ông Aiken?
- Những năm tháng đầu tiên còn đầy bỡ ngỡ nhưng chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều sự kiện: những giải bóng chuyền bãi biển, đua xe gắn máy, bóng đá trong nhà... lần đầu tiên xuất hiện tại VN nhưng đã gắn bó với những thương hiệu khét tiếng (tài trợ) như Craven A, BP, Yamaha, Marlboro, Tiger. Trong đó, hợp đồng thành công nhất của chúng tôi là việc Tiger tài trợ cho giải bóng chuyền Grand Prix (giải thưởng lớn) trong năm năm liền dù bóng chuyền lúc ấy đã bắt đầu đi xuống do hệ thống thi đấu quá nghèo nàn, cũ kỹ, lạc hậu.
* Với 13 năm lăn lộn trong lĩnh vực TTTT, theo anh, điều quan trọng nhất của kinh doanh thể thao là gì?
- Phải đổi mới liên tục. Trong lĩnh vực này không thể có thành công cho những ai đi theo lối mòn. Khi hợp tác với báo Tuổi Trẻ tổ chức Sports Gala lần đầu tiên vào năm 2005, chúng tôi thắng là nhờ sự mới lạ của sự kiện (lần đầu tiên có ở VN). Tuy nhiên, nếu bê nguyên xi cách làm của năm 2005 vào Sports Gala 2006 thì sẽ không thành công mà phải biết đổi mới nó. Mười năm trước, khi có chuyện đặt bảng quảng cáo trên sân bóng đá được xem là lạ, hay thì bây giờ đã trở thành chuyện nhàm chán, cũ kỹ. Tiếc rằng nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp vẫn đơn giản chỉ làm chuyện bán bảng quảng cáo.
* VN gia nhập WTO, theo anh, trong kinh doanh thể thao cái gì là đáng quan tâm nhất?
- Có một chuyện rất đáng quan tâm là ở lĩnh vực sản xuất trang phục thể thao. Trong quá trình tổ chức hai kỳ Sports Gala, tôi lấy làm lạ vì sao các nhà sản xuất trang phục thể thao VN không mặn mà. Khi tìm hiểu mới biết lĩnh vực này của chúng ta gần như không có sáng tạo mà chỉ toàn copy kiểu dáng của những đại gia như Nike, Adidas, Reebok, Puma... Khi bước vào sân chơi chung của 150 quốc gia, cần phải thay đổi ngay chuyện này nếu không muốn hầu tòa!
Những bài học
Từ miếng băng keo...
Năm 1999, tại TP.HCM đã diễn ra giải bóng đá quốc tế mang tên Dunhill Cup. Toàn bộ công tác tổ chức giải này được thực hiện bởi một công ty môi giới thể thao nước ngoài và họ đã khiến các nhà quản lý thể thao VN ngỡ ngàng vì tính chuyên nghiệp hết sức chi li. Ở giải đó, ngoài Dunhill là đơn vị tài trợ chính, còn có nhiều nhà tài trợ phụ và độc quyền ở mặt hàng điện tử là thương hiệu JVC. Toàn bộ các đội bóng tham dự giải này đều ở khách sạn năm sao Equatorial. Trong các phòng của khách sạn đều được trang bị tivi hiệu Sony. Công ty môi giới thể thao trên đã dùng băng keo để dán tất cả các chữ Sony trên tivi!
Bảo vệ thương hiệu nhà tài trợ
Tháng 7-2003, cầu thủ đắt giá nhất thế giới David Beckham đến VN trong một chuyến đi nhằm quảng cáo cho Castrol. Đó cũng là năm VN tổ chức SEA Games 22. Vì vậy, Castrol VN cũng muốn tranh thủ khi thả một quá bóng hơi khổng lồ in logo SEA Games 22 trong sân Quân khu 7, nơi Beckham đến tham gia chương trình giao lưu với người hâm mộ.
Ba ngày trước khi diễn ra sự kiện, người đại diện của Beckham có mặt tại sân Quân khu 7 để kiểm tra đã gỡ bỏ quả bóng có logo SEA Games, bởi anh này không biết SEA Games là gì, cứ nghĩ quả bóng đó quảng cáo cho một thương hiệu khác ngoài Castrol. Đến những chai nước suối Aquafina mà Beckham dùng tại VN cũng phải gỡ bỏ nhãn hiệu.
Hợp đồng là tối thượng
Anh Trịnh Viết Hà - trưởng phòng dịch vụ của Trung tâm TDTT quận 1 - nói về một sự kiện lớn mới diễn ra là cuộc tuần hành “Tự hào VN - thành viên WTO”: “Công tác tổ chức chuyên môn thì chúng tôi làm được, nhưng chạy kiếm tài trợ thì vô phương, phải qua các công ty môi giới chuyên nghiệp”.
Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ 10-15 triệu đồng, nhưng muốn tìm một nhà tài trợ chính đúng nghĩa, sẵn sàng chi 150 triệu đồng thì chỉ có công ty môi giới thể thao mới đáp ứng được bằng một hợp đồng quảng cáo đôi bên (nhà tài trợ và đơn vị tổ chức) cùng có lợi.
HUY THỌ thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận