Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho một năm mới...
Mình lập nhóm, cùng đồng hành
Chị Hoàng Thị Thu (35 tuổi) đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã bắt đầu có những kế hoạch cho năm mới.
Chị Thu cho hay sau khi sinh hai con chị chẳng còn thời gian để chăm sóc bản thân. "Năm nay tôi quyết nâng cấp bản thân", chị Thu cười nói.
Chị Thu chia sẻ mình đã lập một nhóm bạn đồng nghiệp bàn kế hoạch từ cuối năm 2022 để cùng nhau tập luyện. "Chúng mình đã thảo luận rất nhiều, quyết định sẽ tập yoga vào giữa giờ làm việc. Mỗi ngày chúng mình được nghỉ khoảng hai tiếng buổi trưa nên sẽ dành khoảng một tiếng để cùng nhau tập luyện. Tất cả đã mua thảm tập, tìm kiếm các bài giảng online. Hy vọng lớp tập mini của mình sẽ duy trì được lâu", chị Thu chia sẻ.
Chị Thanh An (Hà Nội) cũng hồ hởi chia sẻ về dự định của mình trong năm mới: "Năm nay, mình bước sang tuổi 30. Mình sẽ trở thành phiên bản khỏe hơn. Chạy bộ, leo núi đầu xuân là kế hoạch khởi động cho một năm mới tràn đầy hứng khởi, tràn đầy sức khỏe, dẻo dai hơn để thực hiện các mục tiêu trong năm này".
Chị An cho hay sau thời gian dài sống chung với dịch COVID-19 nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đã quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Từ cuối năm 2022, chị An đã tham gia một nhóm leo núi và đã có chuyến đi đầu tiên của mình.
Lên thực đơn sống lành mạnh
Ngoài những dự định về việc tập luyện để nâng cao sức khỏe, nhiều người cũng lên kế hoạch cho mình thực đơn dinh dưỡng để chăm sóc bản thân.
Vốn là nhân viên văn phòng, anh Trương Văn Sơn (27 tuổi, Hà Nội) vừa trải qua một năm đầy biến cố khi gặp tai nạn giao thông sau cuộc nhậu cùng đồng nghiệp. Anh đã phải mất hai tháng điều trị tại bệnh viện, từ chàng trai nặng hơn 70kg giờ anh chỉ còn gần 60kg.
"Đó là dấu ấn đặc biệt của năm cũ mà chắc chắn không bao giờ mình quên được. Trở về từ cửa tử, mình hiểu rằng sức khỏe đáng quý và cần trân trọng đến thế nào", anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn khoe một danh sách dài những việc dự định sẽ làm trong năm nay, đầu tiên là không uống rượu. Anh Sơn đặt mục tiêu sẽ ăn uống thật khoa học để đạt được mức cân như trước khi xảy ra tai nạn. "Thay vì những cuộc nhậu, mình nghĩ dành thời gian để tập thể thao, đọc sách hay gặp gỡ bạn bè cà phê sẽ có ích hơn", chàng trai trẻ nói.
Chú ý đặc biệt về lối sống
Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 23 triệu người dân mắc bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, hô hấp mãn tính, đái tháo đường... Tình trạng tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh bệnh không lây nhiễm có thể ngăn ngừa được. Trong đó môi trường và lối sống quyết định rất lớn đến những căn bệnh này.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, không vận động và ô nhiễm không khí được xem là các nguyên nhân chính làm tăng bệnh không lây nhiễm.
"Chế độ ăn uống lành mạnh là vô cùng cần thiết để có một sức khỏe ổn định", bà Lâm nói.
Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc - UNFPA, Việt Nam là một trong 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Bà Lâm cho hay ngoài việc ăn uống khoa học, việc vận động, tập thể dục thường xuyên sẽ là "liều thuốc" hằng ngày cho sức khỏe. Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, tập thể dục. Tùy thuộc vào từng cá thể để lựa chọn những bài tập phù hợp nhưng phải duy trì thường xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận