20/08/2016 10:07 GMT+7

Làm gì để lấy lại lòng tin?

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Câu nói của Thủ tướng “Người dân thiếu niềm tin thì đất nước khó bình yên” có thể được coi là lời nhắc nhở, cảnh báo dành cho những người có trách nhiệm, đồng thời cũng là thách thức có ý nghĩa sinh tử đối với bộ máy quản trị quốc gia.

Sự giảm sút lòng tin của dân đối với chính quyền là có thật và có dấu hiệu gia tăng. Lý do chủ yếu là rất nhiều cam kết chắc nịch đã được đưa ra từ những vị trí được cho là có thẩm quyền, nhưng rồi những điều được hứa hẹn vẫn xa vời.

Ví dụ điển hình là những lời hứa về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Các quy định về kinh doanh có điều kiện, được biết nhiều hơn dưới tên gọi quy định về “giấy phép con”, được điểm mặt là nơi ẩn giấu các công cụ nhũng nhiễu.

Mặc dù pháp luật kinh doanh, được sửa đổi theo hướng hội nhập, đã khẳng định nguyên tắc người dân được làm tất cả trừ những điều cấm, đến nay vẫn còn mấy ngàn giấy phép con được duy trì kiểu rào cản “ngăn sông cấm chợ”.

Bị bắt gặp tại các thông tư và bị yêu cầu bãi bỏ, giấy phép con “chạy” sang các nghị định (nghĩa là tại cấp văn bản còn cao hơn) để nương náu.

Có nhiều nguyên nhân khiến chủ trương cải cách, đổi mới chậm được hiện thực hóa. Một trong những nguyên nhân chính được cho là sự chậm thay đổi trong nhận thức về bản chất mối quan hệ giữa nhà chức trách và người dân thường.

Với Nhà nước gọi là phục vụ, thành viên của bộ máy phải hiểu rằng mình có điều kiện làm việc và hưởng thù lao từ công việc là nhờ tiền thuế do dân đóng. Bởi vậy công chức, viên chức phải làm việc trong tâm thế người phục vụ.

Cũng với Nhà nước phục vụ, người dân hiểu rằng mình có quyền đòi hỏi bộ máy dịch vụ công phải làm việc cho mình.

Khi có gì cần phải đến công sở, người dân ở trong tư thế người được phục vụ, có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu được chỉ dẫn, yêu cầu giải quyết những vấn đề của mình.

Trong quan hệ giao tiếp với dân, công chức thường vẫn coi mình là người đi ban phát chứ không phải người phục vụ.

Lời cảm ơn của người ở cửa công dành cho người dân tìm đến công đường trong giao tiếp công vụ vẫn là điều mơ ước.

Mặt khác, nhiều đặc quyền đặc lợi dành cho quan chức vẫn được duy trì cách này cách nọ. Chiếc ghế quan chức luôn là đối tượng tranh giành quyết liệt, tạo động lực cho những cuộc chạy chức chạy quyền với đầy rẫy điều thị phi.

Về phần mình, người dân có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng vào vai người làm chủ, người được phục vụ, mà vẫn mang nặng tâm thế của người đi xin và chờ được cho.

Có công trình dân sinh gì đó hoàn thành, người dân được phỏng vấn nhân lễ khánh thành thường bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, thay vì nói lời cảm ơn theo phép lịch sự về sự phục vụ của chính quyền.

Đến cửa công mà bị làm khó, người dân thường chấp nhận chung chi hơn là dựa vào luật để làm cho ra lẽ. Một nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy người dân có sức chịu đựng ngày càng cao đối với nạn nhũng nhiễu.

Một khi tư tưởng ban phát còn tồn tại ở phía này và tư tưởng nhận ban phát còn ở phía kia, chẳng cách gì xây dựng được Nhà nước phục vụ và tạo được lòng tin của dân vào sự trong sạch của chính quyền.

Có thể chỉ ra ngay, chứ không phải như câu chuyện về quan hệ sinh thành con gà và quả trứng, là trước hết cần xóa bỏ suy nghĩ kiểu ăn trên ngồi trước ở quan chức.

Quan chức đổi sang tư thế phục vụ thì người dân mới có điều kiện xây dựng tâm thế ông chủ.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên