05/06/2024 12:02 GMT+7

Làm gì để hồi sinh các dòng sông chết?

Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Có 113 đại biểu đăng ký chất vấn ông Khánh xoay quanh vấn đề môi trường, những dòng sông chết...

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 4-6 về ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 4-6 về ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch

Rất nhiều nội dung về an ninh nguồn nước, hạn hán, ô nhiễm môi trường, bất cập xung quanh đấu giá mỏ khai thác khoáng sản, phục hồi các dòng sông chết... đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn của đại biểu.

Sạt lở, sụt lún nghiêm trọng

Nêu vấn đề về an ninh nguồn nước, tình trạng hạn hán, suy thoát nguồn nước, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng đây là thách thức lớn. Bà đề nghị bộ trưởng có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết biến đổi khí hậu tác động lớn tới Việt Nam, trong đó ảnh hưởng nặng nề nguồn nước. Nguồn nước của ta 60% phụ thuộc nước ngoài, 40% nội sinh, nên việc đảm bảo an ninh nguồn nước là phải đảm bảo nguồn nước nội sinh.

Theo ông Khánh, Chính phủ đã có chỉ đạo là cần trồng thêm rừng, bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Về giải pháp, ông Khánh cho biết Chính phủ đã có quy hoạch về tài nguyên, các quy hoạch về lưu vực sông... đảm bảo hiệu quả sử dụng nước.

Cũng theo ông Khánh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ một số nơi. Do đó sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước. Điều hòa điều phối đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Phối hợp với các nước trong khu vực như Ủy ban sông Mekong đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Cũng nêu thực trạng sạt lở bờ biển, bờ sông bủa vây người dân vùng ĐBSCL, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi về công tác dự báo, đánh giá về tình hình này. Đồng thời đề nghị cho biết giải pháp ổn định môi trường sống ở khu vực này, hạn chế sụt lún bờ biển, bờ sông.

Giải đáp vấn đề "nóng" đang diễn ra hết sức nghiêm trọng mà đại biểu nêu, ông Khánh cho hay do tác động của biến đổi khí hậu đã gây nên tình trạng sạt lở không chỉ ở ĐBSCL mà cả miền Bắc và miền Trung.

Về sạt lở, sụt lún ở vùng ĐBSCL, ông Khánh cho hay có 5 nguyên nhân. Thứ nhất, do địa chất của vùng còn non trẻ, vẫn đang tự lún, như từ vùng Cần Thơ xuống đã có nhiều điểm trong giai đoạn 2005 - 2017 đo được lún khoảng 10cm. Thứ hai, lượng phù sa trước đây về nhiều, giờ giảm rất lớn gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp.

Thứ ba, quá trình phát triển xây dựng đô thị, khu dân cư và nuôi trồng thủy sản đã tác động đến việc này, tăng tải trọng và lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy. Thứ 4 là do khai thác cát trái phép, dùng vòi hút vô tội vạ. Thứ 5 là thủy triều của khu vực ĐBSCL, tốc độ dòng chảy, đặc biệt khi xâm nhập mặn dòng thủy triều chảy từ biển vào lớn hơn rất nhiều.

Về giải pháp, ông Khánh cho biết đã được Thủ tướng giao đánh giá đề án trữ lượng cát sỏi lòng sông khu vực này, từ đó đánh giá tổng thể vùng về việc khai thác. Các địa phương cũng đều có quy hoạch, sẽ rà soát sắp xếp lại dân cư các vùng có nguy cơ bị sạt lở, thực hiện ngay quy hoạch bố trí lại dân cư, bố trí lại vùng lấn chiếm lòng sông...

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn tỉnh Hải Dương nhiều đoạn đang bị lấn chiếm, ô nhiễm trầm trọng - Ảnh: DANH KHANG

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn tỉnh Hải Dương nhiều đoạn đang bị lấn chiếm, ô nhiễm trầm trọng - Ảnh: DANH KHANG

Để sông hết ô nhiễm: quá khó

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết giải pháp và kế hoạch trong thời gian tới để hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng, không thể sử dụng nước sông vào bất cứ mục đích gì, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Ông Khánh cho biết Luật Tài nguyên nước đã có nội dung về phục hồi các dòng sông chết. Hiện nay sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu thực chất đang ô nhiễm nặng, còn sông chết nghĩa là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy.

Theo ông Khánh, thời gian qua các địa phương và bộ đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu các dòng sông ô nhiễm. Nguyên nhân chính do các khu công nghiệp và làng nghề vẫn đang xả thải trực tiếp ra các dòng sông này.

Nhấn mạnh giải pháp căn cơ, ông Khánh cho rằng các địa phương cần chung tay với nhau để thu gom, xử lý nước thải đồng bộ. Bởi có thời điểm sông Bắc Hưng Hải "bị treo", nước sông Hồng không thể chảy vào. Ông cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ, ngành để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.

Tranh luận về xử lý các dòng sông "chết" cần thời gian và nguồn lực, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã được thành lập đến nay là 5 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Đề nghị bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu nữa và nguồn lực để xử lý tổng thể tình trạng ô nhiễm các dòng sông.

Đáp lại, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thực chất các dòng sông ô nhiễm liên quan đến nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề. Vừa qua, bộ đã phối hợp với Bộ Công an, các địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm. Bộ cùng với địa phương cũng tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát.

Dù vậy, "dòng sông vẫn ô nhiễm và càng ngày càng nặng hơn. Các khu dân cư càng ngày càng lấp đầy quanh các sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Bắc Hưng Hải. Nước thải sinh hoạt ngày nay không giống như trước, có hóa chất, dầu gội đầu, nước rửa chén bát...".

Vì vậy theo ông Khánh, cần tạo dòng chảy để hòa tan. Bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân, bộ cũng đang xây dựng đề án thí điểm xử lý vấn đề ô nhiễm với dòng sông Bắc Hưng Hải và Nhuệ, Đáy.

Do thiếu cát nên các nhà thầu chủ yếu thi công cầu và đường công vụ (ảnh chụp tại đoạn đi qua huyện Thới Bình, cuối tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) - Ảnh: THANH HUYỀN

Do thiếu cát nên các nhà thầu chủ yếu thi công cầu và đường công vụ (ảnh chụp tại đoạn đi qua huyện Thới Bình, cuối tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) - Ảnh: THANH HUYỀN

Mỏ khoáng sản không qua đấu giá

Tranh luận với Bộ trưởng Khánh, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 440 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá, mặc dù sau đấu giá giá tăng 20 - 40% so với giá khởi điểm.

Từ đó ông Hậu đặt câu hỏi: Bộ trưởng có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác không qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?

Đáp lại, ông Khánh nhắc lại nghị định 158 của Chính phủ quy định 7 nội dung không đấu giá khai thác khoáng sản và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho việc khai thác này. Như các mỏ liên quan đến khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược an ninh quốc gia thì bộ cấp. Cho nên thấy con số bộ cấp phép nhưng không thông qua đấu giá thấp là theo quy định của nghị định 158.

Trước đó, theo ông Khánh, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, chính sách cấp quyền khai thác khoáng sản góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như trách nhiệm đối với chủ mỏ. Tính đến năm 2023, tổng số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỉ đồng. Mỗi năm thu khoảng 5.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông thừa nhận "đã thấy những bất cập" là tiền cấp quyền không được tính theo trữ lượng thực tế nên xảy ra nhiều biến động. Hiện bộ đang tham mưu sửa đổi tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế, tránh việc thất thoát.

Dùng cát biển san lấp dự án cao tốc

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) nêu thực trạng thiếu vật liệu san lấp và chỉ rõ việc khai thác cát biển cũng đặt ra không ít thách thức. Từ đó, bà đề nghị bộ trưởng cho biết có giải pháp trước mắt và lâu dài về việc này.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết nguồn vật liệu, đặc biệt cát cho thi công các dự án cao tốc hiện rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá để sử dụng cát biển san lấp. Bộ Giao thông vận tải đang thí điểm sử dụng cát biển để san lấp. Kết quả thí điểm ban đầu cho thấy cát biển có thể sử dụng để san lấp, thi công đường.

Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng ở vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay khoảng 145 triệu m3, cách bờ khoảng 20km, thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m. Bộ khuyến cáo nếu khai thác, chỉ lấy cát khoảng 2m để tránh tác động đến môi trường. Trữ lượng cát biển rất lớn, hiện đã được sử dụng trong san lấp các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.

Ông Khánh cho rằng lo ngại nhiễm mặn khi sử dụng cát biển để san lấp là có cơ sở. Do vậy, khi sử dụng cát biển phải đánh giá tác động môi trường. Trong đó, quan trọng nhất về nguyên tắc sử dụng cát biển không được gây nhiễm mặn cho các khu vực xung quanh.

Cũng liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết ngoài thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc, Chính phủ còn chỉ đạo nghiên cứu dùng đá xay, nhập vật liệu từ Campuchia.

Làm gì để hồi sinh các dòng sông chết?- Ảnh 4.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Số lượng đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho thấy sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội liên quan môi trường, tài nguyên.

Các câu trả lời của bộ trưởng cho thấy có sự tập trung và đi thẳng vào vấn đề. Tôi mong muốn phần trả lời cũng là lời hứa của bộ trưởng sẽ thực hiện sau phiên chất vấn.


Làm gì để hồi sinh các dòng sông chết?- Ảnh 5.

* Đại biểu NGUYỄN CHU HỒI (Hải Phòng):

Trong phiên chất vấn, đã có hơn 100 đại biểu đăng ký chất vấn, tỉ lệ tranh luận tương đối lớn, cho thấy nhu cầu muốn một câu trả lời thỏa đáng, sát tình hình thực tiễn từ phía trưởng ngành.

Đồng thời, mong muốn làm rõ hơn những giải pháp để sau chất vấn có hành động cụ thể hơn, hiện thực hóa được lời hứa của bộ trưởng.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Đến 2023, thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.800 tỉ đồngBộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Đến 2023, thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.800 tỉ đồng

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết tính đến năm 2023, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là hơn 55.887 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên